Máy Movimar - thiết bị giám sát hành trình tàu cá xa bờ bị hỏng hàng loạt khiến nhiều ngư dân không nhận được hỗ trợ nhiên liệu cho mỗi chuyến biển. Ngư dân cho rằng buộc phải thay thiết bị khác tốn kém nhưng chưa chắc đảm bảo chất lượng.
Không được nhận hỗ trợ
Ngư dân Bùi Thế Cả (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá hành nghề lưới chụp ngỡ ngàng khi biết không được hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển đợt 3 năm 2019 theo Quyết định 48 của Chính phủ. Ông Cả cho biết, vẫn thường xuyên bật máy Movimar khi sản xuất trên các vùng biển Hoàng Sa. Chỉ đến khi cán bộ phụ trách của Chi cục Thủy sản Quảng Nam thông tin cho biết máy Movimar bị hỏng, không đáp ứng điều kiện để nhận hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển, ông Cả mới giật mình.
“Tôi được Nhà nước hỗ trợ chi phí lắp đặt máy Movimar, nghĩ rằng chất lượng sẽ rất tốt. Vậy mà đột ngột bị hỏng, tôi không được hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển trị giá 100 triệu đồng” - ông Cả nói.
Ở đợt 3 hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển năm 2019, toàn tỉnh có 38 chủ tàu cá không được hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển với mức 70 - 100 triệu đồng/tàu/chuyến biển. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là thiết bị giám sát hành trình Movimar bị hỏng, trạm bờ không nhận được tín hiệu của ngư dân gửi về.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho biết, nhiều ngư dân sản xuất xa bờ trên địa bàn bức xúc vì không được hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển với lý do máy Movimar trên tàu cá bị hỏng, ngành chức năng không nhận được dữ liệu giám sát hành trình.
“Điều quan trọng là ngư dân phải tự huy động 24 triệu đồng để lắp đặt máy giám sát hành trình tàu cá sản xuất xa bờ khác vì Luật Thủy sản đã quy định. Có điều máy mới chất lượng thế nào, dùng được bao lâu, nhắn tin về trạm bờ có đảm bảo hay không thì chưa biết chắc chắn” - ông Dũng nói.
Ông Võ Văn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, đến thời điểm này, trên thị trường Quảng Nam có 2 loại máy giám sát hành trình tàu cá sản xuất xa bờ, ngư dân có thể lựa chọn lắp đặt trên phương tiện khai thác hải sản của mình. Đó là máy Vifish được cung cấp bởi Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel) và máy Thuraya SF2500 của Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông Vinaphone (VNPT Vinaphone).
“Sản phẩm của VNPT Vinaphone có ưu điểm là vừa nhắn tin vừa gọi điện về bờ. Với máy này, lỡ khi gặp sự cố trên biển, ngư dân có thể liên lạc trực tiếp để nhận được hỗ trợ, ứng phó sự cố trên biển. Còn máy Vishipel giá rẻ hơn nhưng ngư dân chỉ thực hiện được thao tác nhắn tin. Các chủ tàu cá có thể lựa chọn thiết bị giám sát hành trình tàu cá phù hợp cho quá trình sản xuất của mình” - ông Long nói.
Hạn chót là ngày 1.4
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, ngày 1.4 là hạn chót các chủ tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên bắt buộc phải hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi sản xuất ở các vùng biển xa. Nếu không thực hiện, các chủ tàu sẽ bị phạt rất nặng.
Cụ thể, Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định rõ, tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m, nếu không có hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trong quá trình khai thác hải sản ở các vùng biển xa, chủ tàu sẽ bị phạt 300 - 500 triệu đồng. Nếu tái phạm, chủ tàu cá loại này sẽ bị phạt 500 - 700 triệu đồng. Đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, không có hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trong quá trình đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa, chủ tàu sẽ bị phạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
“Theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC), Luật Thủy sản đã có quy định cụ thể, tàu cá sản xuất trên các vùng biển xa phải lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình để ngành chức năng theo dõi, khắc phục tình trạng ngư dân đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Quy định thể hiện tính chuyên nghiệp của nghề cá, ngư dân phải tuân thủ để phát triển nghề khai thác hải sản bền vững” - bà Tâm nói.
Theo Sở NN&PTNT, Quảng Nam hiện có 718 tàu cá sản xuất trên các vùng biển xa, bắt buộc phải trang bị, sử dụng thiết bị giám sát hành trình trong quá trình đánh bắt hải sản. Đến nay, đã có 100 chủ tàu thực hiện xong, số chủ tàu cá còn lại phải hoàn thành trước ngày 1.4 theo quy định của Trung ương. Về thiết bị máy Movimar được Nhà nước hỗ trợ ngư dân lắp đặt trước đây thường hay trục trặc kỹ thuật, mất tín hiệu kết nối. Rất nhiều máy Movimar bị hư hỏng, ngư dân phải gửi đến Đài Duyên hải miền Trung sửa chữa nhiều lần, gây gián đoạn quá trình sản xuất trên biển của ngư dân.
“Các ngư dân phải tự huy động vốn để mua thiết bị giám sát hành trình mới, lắp đặt, bật thiết bị theo quy định. Về hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển của tàu cá, do thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân bị hỏng, ngành chức năng không nhận được tín hiệu, nên không thể hỗ trợ khi ngư dân không đáp ứng đủ các điều kiện” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.