Việc thay đổi quy hoạch đường sá nội thị tại thị trấn Phú Thịnh đã khiến một hộ dân bức xúc, khiếu kiện vì chịu nhiều thiệt hại.
Bịt đường mưu sinh
Sáng 17.9, được sự bảo vệ của lực lượng chức năng thị trấn Phú Thịnh và huyện Phú Ninh, nhà thầu tổ chức thi công công trình trụ sở Điện lực Phú Ninh, nhưng gia đình ông Hoàng Quảng Thiên (trú tại khối phố Nam Đông, thị trấn Phú Thịnh) đã cản trở, không cho thi công. Vì vậy, việc xây dựng công trình buộc phải dừng lại cho đến nay. Ông Thiên trình bày: Để tiện đường kinh doanh, năm 2005, gia đình ông mua 2 lô đất trên trục đường chính Tam Kỳ - Tam Vinh. Theo thông báo quy hoạch khai thác quỹ đất, đường rộng 27m. Sau khi mua đất, gia đình ông xây nhà mở tiệm kinh doanh chụp ảnh.
Năm 2013, huyện thay đổi quy hoạch, dời con đường đã quy hoạch ra phía trước, cách vị trí cũ 16m. Giữa khoảng cách 2 con đường là ruộng sản xuất của người dân. Từ khi thay đổi con đường, hoạt động kinh doanh của gia đình ông Thiên gặp nhiều khó khăn do không có mặt tiền làm ăn buôn bán. Năm 2015, địa phương triển khai dự án mở rộng nghĩa trang liệt sĩ đã chặn một đầu đường đi lại trên trục đường quy hoạch 27m như đã thông báo bán đấu giá. “Tuy làm ăn sa sút, nhưng vì cái chung gia đình không ý kiến gì khi mở rộng dự án nghĩa trang liệt sĩ”- ông Thiên nói.
Ông Thiên mua đất trên đường quy hoạch 27m, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, giờ ngôi nhà của ông nằm trong ngõ cụt. Ảnh: T.H |
Tháng 4.2016, Điện lực Phú Ninh đưa công nhân và phương tiện lên đào móng xây dựng trụ sở làm việc cắt ngang đầu đường còn lại. Ngôi nhà nằm trên trục đường chính của ông Thiên giờ bị chặn 2 đầu. Ngoài việc bị ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại, gia đình còn thiệt hại do kinh doanh gặp khó khăn. Điều ông Thiên bức xúc là trong khi đơn thư khiếu nại của gia đình ông gửi chính quyền địa phương và các ngành liên quan vẫn chưa giải quyết, nhưng đơn vị thi công đã ngang nhiên đào móng, cắt ngang đường.
Gia đình ông mong muốn được địa phương giải quyết theo hướng trả lại giá trị ban đầu như trước đây đã thông báo bán cho gia đình (đường rộng 27m); hoặc giao diện tích đất phía trước (khoảng trống giữa đường cũ và đường mới hiện nay) để gia đình có điều kiện nối ra đường mới, đảm bảo có mặt tiền kinh doanh như nguyện vọng ban đầu khi mua 2 lô (lô đất 07 và 08). Nếu không, chính quyền địa phương phải bồi thường 2 lô đất cho gia đình ông di dời đi nơi khác làm ăn buôn bán. Bởi các công trình xây dựng đã khiến gia đình ông rơi vào ngõ cụt do không đường giao thông đi lại.
Giải quyết chưa thỏa đáng
Vì sao lại xảy ra chuyện tréo ngoe như vậy? Theo hồ sơ lưu giữ, ngày 1.2.2016, UBND tỉnh cho phép Công ty Điện lực Quảng Nam thuê đất để xây dựng nhà làm việc của Điện lực Phú Ninh tại thị trấn Phú Thịnh. Theo đó, cho phép công ty này thuê 1.440m2 đất. Toàn bộ diện tích đất trên trước đây đã được quy hoạch là đất cây xanh, nhưng sau đó điều chỉnh quy hoạch thành đất công cộng. Công văn số 178/SXD-VP ngày 8.3.2016 của Sở Xây dựng, khẳng định vị trí bố trí nhà làm việc của Điện lực Phú Ninh là không phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, Báo cáo số 46/BC-SXD ngày 23.3.2016 của sở này, thống nhất với việc chuyển đổi quỹ đất cây xanh thành đất công cộng theo hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/2000 khu trung tâm thị trấn Phú Thịnh, tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo. Về việc UBND huyện phê duyệt hồ sơ quy hoạch chi tiết (1/2000) khu trung tâm thị trấn Phú Thịnh là đúng thẩm quyền nhưng quy trình thực hiện chưa đảm bảo theo Luật Quy hoạch đô thị.
Ngày 15.8.2016, UBND huyện Phú Ninh tổ chức đối thoại với hộ ông Thiên. Ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, phạm vi xây dựng trụ sở Điện lực Phú Ninh không ảnh hưởng đến diện tích đất của hộ ông Thiên đang sử dụng và không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, đi lại của gia đình ông. Đối với việc UBND tỉnh thu hồi một đoạn đường đi cho cơ quan điện lực thuê thì cơ quan này đã xây dựng hoàn trả lại một đoạn đường bê tông rộng 5m tiếp nối với đường số 4. Với khu đất nằm giữa nhà ông Thiên với đường số 4, huyện tiếp tục điều chỉnh quy hoạch diện tích đất quy hoạch cây xanh sang đất ở. Nghĩa là phần diện tích này sẽ xây dựng khu dân cư trước ngôi nhà của gia đình ông Thiên.
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy, những bức xúc của gia đình ông Thiên là hoàn toàn xác đáng. Tuy con đường bê tông nối vào đường cũ nhưng ngôi nhà ông Thiên lại lọt sâu vào bên trong, không thuận lợi như trước đây. Năm 2005, để bán đất, tạo nguồn thu cho địa phương, chính quyền ra thông báo quy hoạch đường rộng 27m. Điều này, đồng nghĩa giá đất sẽ tương xứng với đường, vậy nhưng sau nhiều lần điều chỉnh làm đường “teo” lại đẩy nhà ông Thiên vào hang cùng ngõ hẻm. Việc này đã đẩy nhà ông Thiên vào ngõ cụt, ảnh hưởng đến việc làm ăn buôn bán.
TRẦN HỮU