(QNO) - Bão số 4 đổ bộ vào đất liền rạng sáng ngày 13.9 gây thiệt hại chủ yếu cho diện tích lúa chưa thu hoạch, cạnh đó là cây bắp, chuối, đu đủ… tại huyện Đại Lộc.
|
Vườn chuối nhà bà Bảy bị hư hại nặng. Ảnh: C.TÚ |
Ghi nhận của PV Báo Quảng Nam trong sáng nay, một vài đoạn tuyến giao thông thuộc nội thị thị trấn Ái Nghĩa còn ngập cục bộ. Trên tuyến ĐT609B, đoạn qua xã Đại An và xã Đại Hòa, một số thửa ruộng trồng lúa và bắp chưa đến thời điểm thu hoạch bị ngã, gãy đổ.
Ở vùng rau Bàu Tròn (xã Đại An), nhiều thửa đất trồng cây bắp xuống giống muộn bị ngã một phần. Cạnh đó, số lượng không nhỏ cây đu đủ đang thời điểm cho thu hoạch quả rộ cũng chịu chung cảnh ngộ. Trong đám đất trồng cây đu đủ của mình, bà Trần Thị Có (thôn 2, Đại An) vừa nhặt những quả chưa già đã bị rơi rụng do gió giật, vừa sửa sang lại cây xiêu vẹo có thể còn sinh trưởng được. “Tôi trồng hơn 1 sào đu đủ, hiện mới hái được hai lứa. Nay gặp gió bão, gần một nửa diện tích bị ngã hoặc xiêu vẹo chắc chắn thất thu so với bình thường. Tôi sống một mình, cho nên mọi trang trải cho cuộc sống đều phụ thuộc cây đu đủ và ít bắp trồng để bán. Bây giờ thì sẽ gặp khó khăn rồi, cầu mong nước lụt sẽ không lớn lắm chứ không đu đủ hư hết” - bà Có than thở.
Bà Có khó nhọc chống lại cây đu đủ bị xiêu vẹo. Ảnh: C.TÚ |
Qua địa phận Đại Cường, Chủ tịch UBND xã - ông Trần Quốc Đạt cùng chúng tôi đi thực tế tại một số thôn vùng thấp ven sông Vu Gia. Nhìn ra xa, diện tích bắp muộn, dưa leo…canh tác tại cánh đồng Bãi Đuối (thôn 8) đã ngập trong nước gần đến ngọn. Một người dân địa phương cho hay, Bãi Đuối hiện còn hơn 10ha bắp phải đến hơn 10 ngày nữa mới bẻ được. Thâm nhập vào thôn 10, chúng tôi nhận thấy nhiều vườn chuối trồng của người dân nơi đây bị gãy, ngã đổ trung bình chừng 50% diện tích. Cá biệt hộ bà Lê Thị Bảy, gần 2 sào chuối tiêu và chuối lùn trong vườn nhà bị hư hỏng khoảng 90%. Ông Trần Quốc Đạt cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã có hơn 10ha bắp có nguy cơ ngập úng (tập trung chủ yếu ở Bãi Đuối), khoảng 15% diện tích lúa chưa thu hoạch vì lý do khách quan bị ngã nhưng thiệt hại không đáng kể, có gần 40ha chuối trồng bị hư hại.
Một số diện tích lúa chưa thu hoạch tại Đại Cường bị ngã đổ. Ảnh: C.TÚ |
Trao đổi qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã Đại Hòa - bà Nguyễn Thị Thuận thông tin, địa phương không có thiệt hại về người và nhà cửa. Tuy nhiên, bão số 4 cũng đã làm gãy, ngã đổ 44ha chuối; 13,7ha bắp; 13ha lúa chưa gặt xong. Thuộc vùng A, ông Trương Hữu Mai - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng chia sẻ, người và nhà cửa trên địa bàn tuyệt đối an toàn. Thiệt hại chỉ tập trung vào 7.000 cây chuối và 1,1ha lúa hạt còn xanh.
Theo thông tin mà chúng tôi nắm bắt, bão số 4 khi đổ bộ vào đất liền đã gây mất điện tại các xã Đại An, Đại Cường, Đại Hòa… Có lẽ vì thế, đến thời điểm 10 giờ 30 sáng nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc chưa nắm bắt đầy đủ để đưa ra con số chính xác nhất về tình hình thiệt hại toàn địa bàn.
Không có mương thoát nước lại gặp mưa to kéo dài, một đoạn đường nội thị Ái Nghĩa bị ngập cục bộ. Ảnh: C.TÚ |
Phó Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện - ông Đào Duy Bình cho biết, huyện chưa nghe các xã, thị trấn báo cáo có thiệt hại về người. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đại Lộc sẽ cung cấp thông tin toàn diện về tình hình thiệt hại cho PV sau khi tiếp nhận đầy đủ số liệu báo cáo từ các địa phương sớm nhất có thể. (CÔNG TÚ)
* Trước đó, để đối phó với bão số 4, người dân huyện Đại Lộc đã tất tả chạy đua với thời gian để thu hoạch vụ lúa hè thu, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Trước khi bão số 4 xuất hiện, người dân Đại Lộc tranh thủ gặt lúa. Ảnh: PHƯƠNG KHANG |
Dù vụ hè thu ở huyện Đại Lộc đã bắt đầu được thu hoạch từ chục hơn ngày qua, tuy nhiên nhiều diện tích lúa vẫn còn xanh. Đặc biệt, trước thông tin áp thấp nhiệt đới sẽ chuyển biến thành bão số 4 đổ bộ vào khu vực miền Trung, những hộ dân có lúa chưa chín nhấp nhỏm như ngồi trên đống lửa.
Tại địa bàn xã Đại Chánh, những ngày qua người dân đã hối hả xuống đồng thu hoạch, nhất là ở các vùng sâu trũng để "chạy" lụt. Theo ông Nguyễn Cường, thôn Thạnh Phú, dù lúa mới chín được 80% nhưng gia đình ông vẫn quyết định thuê máy gặt xong 4 sào, chấp nhận “xanh nhà hơn già đồng”, vì nếu chờ lúa chín gặp bão thì sẽ mất trắng.
Tương tự, tại xã Đại Thạnh, nhiều hộ dân đã tất bật thu gặt những đám lúa còn lại nhằm chạy đua với thời gian mưa bão. Ông Nguyễn Thành (người địa phương) cho biết, gia đình ông chưa gặt được sào nào vì sạ trễ và sạ giống lúa dài ngày Xi23, hiện lúa vẫn còn rất xanh nhưng do thời tiết chuyển biến thất thường nên phải tranh thủ gặt sớm.
Nhiều diện tích lúa vụ hè thu ở Đại Lộc vẫn còn xanh nhưng bắt buộc phải gặt sớm. Ảnh: PHƯƠNG KHANG |
Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, trong tổng diện tích đất trồng lúa của cả huyện (4.365ha), tính đến ngày 12.9 thì bà con đã thu hoạch được 3.585ha (khoảng 84%). Đặc biệt, trước khi bão vào, các xã vùng B (Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Tân…) mới chỉ thu hoạch được 30%. “Có hai nguyên nhân khiến bà con nơi đây xuống giống trễ hơn so với những nơi khác. Thứ nhất, ngày 25.5 hồ chứa nước của đập Khe Tân mới mở nên đến ngày 1.6 bà con mới bắt đầu xuống giống. Thứ hai, UBND huyện đã chỉ đạo nông dân tiến hành sạ giống lúa hai dòng để tăng năng suất. Tuy nhiên, giống lúa hai dòng dài ngày hơn so với các giống lúa khác, rồi thời tiết năm nay mưa bão thất thường hơn so với mọi năm nên lúa chưa chín kịp" - ông Quang nói. (MINH PHƯƠNG - GIA KHANG)
* Sau bão số 4, nhiều cánh đồng ở phường An Phú (TP.Tam Kỳ) ngập chìm trong biển nước.
Cánh đồng An Phú ngập trong biển nước. Ảnh: DƯƠNG THẮNG |
Sáng nay 13.9, người dân hối hả ra đồng thu hoạch lúa, hoa màu. Anh Nguyễn Thanh Ba (người địa phương) cho biết, gia đình còn 1ha lúa chưa thu hoạch, và hiện đang chờ nước rút để ra đồng gặt đem lúa về nhà. (Đ.DƯƠNG - T.THẮNG)