Năm nào cũng vậy, cứ lũ lụt ập đến là các nông hộ nuôi tôm trái vụ trên địa bàn tỉnh chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, tình trạng nuôi tôm không đúng lịch thời vụ vẫn diễn ra tại các vùng triều ven sông.
Ao tôm của ông Nguyễn Thái Hoàng bị thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lụt vừa qua.Ảnh: Q.V |
Thất vụ đồng tôm
Đợt mưa lụt vừa qua đã cuốn trôi lượng lớn tôm nuôi sắp đến kỳ thu hoạch. Ông Nguyễn Thái Hoàng (thôn Thanh Đông, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) cho biết, ông thả nuôi 20 vạn con tôm thẻ chân trắng trong 2 ao có tổng diện tích 10 nghìn mét vuông ở vùng triều ven sông từ cuối tháng 9 năm nay. Tôm sinh trưởng tốt thì đột ngột nước sông Trường Giang dâng nhanh trong đêm 9.12 đã khiến cho toàn bộ tôm nuôi trôi theo dòng nước. Ông Hoàng cho biết, đã huy động 30 triệu đồng để mua giống tôm thẻ chân trắng của Công ty Nam miền Trung (Bình Thuận) về nuôi. Qua gần 3 tháng nuôi tôm, ông Hoàng đã cho tôm ăn hết hơn 2 tấn bột, trị giá 70 triệu đồng. “Gia đình tôi mất trắng 100 triệu đồng đã đầu tư nuôi tôm với biết bao công sức. Tôm sắp sửa thu hoạch, nếu bán thì thu được vài trăm triệu đồng. Vậy mà, bỗng chốc tiêu tan bao nhiêu tài sản” - ông Hoàng nói.
Cũng ở vùng triều ven sông Trường Giang đoạn qua thôn Thanh Đông, xã Tam Thanh, gia đình ông Nguyễn Xuân Lập đầu tư nuôi 30 vạn con tôm thẻ chân trắng trong 3 ao có diện tích 12 nghìn mét vuông từ cuối tháng 9.2018. Ông Lập kể: “Nước dâng quá nhanh vào thời điểm rạng sáng ngày 10.12, gia đình trở tay không kịp. Toàn bộ tôm thẻ chân trắng sắp đến ngày thu hoạch bị nước cuốn trôi. Nếu bán thì thu được gần 1 tỷ đồng. Thiệt hại quá nặng nề. Mong Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua tôm giống để gia đình tôi có thể đầu tư lại” - ông Lập nói.
Tại vùng triều ven sông Trường Giang đoạn qua thôn Phú Quý (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), nhiều hộ đã thiệt hại nặng nề vì nuôi tôm trái vụ bị mưa lụt cuốn trôi. Đến nay, các cánh đồng nuôi tôm xác xơ. Nhiều hộ nông dân cho biết không thể tiếp tục huy động vốn để đầu tư nuôi tôm trong thời gian đến. Ông Nguyễn Quang Cư - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho biết, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trong đợt mưa lụt vừa qua là gần 20ha. Nhiều nông hộ bỗng chốc trắng tay khi toàn bộ tôm nuôi bị nước cuốn trôi. “Nước dâng quá nhanh khiến cho nhiều nông hộ không thể xoay xở kịp. Nhiều hộ đã vất vả kéo lưới quanh miệng ao, bảo vệ tôm đang nuôi nhưng đành bất lực vì nước dâng quá cao” - ông Cư nói.
Cần theo mùa vụ
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, trên địa bàn có 2,5ha ao nuôi tôm bị mất trắng trong đợt mưa lụt vừa qua. Dù đã khuyến cáo nên tuân thủ theo lịch thời vụ là không thể nuôi tôm kể từ cuối tháng 9 trở đi nhưng cho rằng, nếu nuôi thành công sẽ bán tôm được giá nên nông hộ đã nuôi tôm trái vụ. Cái giá phải trả là quá đắt vì nước sông dâng nhanh, tôm đã bị cuốn trôi theo dòng chảy mạnh. Theo ông Bình, địa phương khuyến cáo nông hộ không nên nuôi tôm mùa mưa lũ nhưng có quyết định nuôi tôm hay không thì do người dân chứ không thể cấm đoán hay xử phạt được họ. Thời tiết mùa mưa lũ không thuận lợi nên có nuôi thì tôm cũng khó lớn nhanh. Thời điểm này, rất khó có thể sản xuất tôm giống chất lượng nên tôm giống khó đáp ứng được yêu cầu. Về đầu ra, giá tôm thẻ chân trắng phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nên rất khó có thể khẳng định giá tôm thương phẩm sẽ cao trong mùa mưa lũ. “Người dân tự ý nuôi tôm, tự phát nên nhiều khi khuyến cáo, tuyên truyền, vận động không phát huy tác dụng” - ông Bình nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này chỉ thống kê được 105 tấn thủy sản bị nước cuốn trôi, trong đó có 100 tấn cá nuôi trong lồng bè và 5 tấn tôm nuôi của gia đình ông Nguyễn Tấn Thành (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành). Số diện tích tôm nuôi chịu thiệt hại trong đợt mưa lụt thì không thống kê vì theo lịch mùa vụ, nuôi tôm đã kết thúc từ ngày 30.9 hàng năm. Theo bà Tâm, nông hộ không nên nuôi tôm trái vụ vì không có hệ thống ao lắng, ao xử lý nước thải nên hệ thống kênh rạch, sông ngòi không đảm bảo, môi trường nước tự nhiên bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc xả thải liên tục, không có thời gian ngắt vụ thì môi trường tự nhiên sẽ không được phục hồi khiến mầm bệnh tràn lan, ao nuôi nhanh lão hóa, nguồn nước sông trở nên ô nhiễm. Nghề nuôi tôm đã đối diện với nhiều rủi ro trong thời gian chính vụ thì nguy cơ thất bát càng cao hơn khi nuôi trái vụ. “Hầu hết diện tích nuôi tôm ở vùng triều đều có hạ tầng sơ sài, không đảm bảo nuôi tôm nên chúng tôi khuyến cáo nông hộ chỉ nên nuôi chính vụ hoặc chuyển sang nuôi cá, cua mặc dù lợi nhuận không quá cao nhưng an toàn hơn” - bà Tâm nói.
VIỆT NGUYỄN