Thiệt hại nặng hạ tầng giao thông

CÔNG TÚ 17/11/2020 05:29

Những đợt mưa to kéo dài và lũ, lụt xảy ra liên tiếp gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là giao thông qua khu vực trung du, miền núi bị tê liệt nhiều ngày do sạt lở.

Các lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích do sạt lở taluy dương QL40B qua xã Trà Tân (Bắc Trà My). Ảnh: C.T
Các lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích do sạt lở taluy dương QL40B qua xã Trà Tân (Bắc Trà My). Ảnh: C.T

Liên tiếp sạt lở

Giữa tháng 9.2020, sạt lở xảy ra trên đường ĐT606 - tuyến độc đạo kết nối từ đường Hồ Chí Minh lên các xã vùng cao của huyện Tây Giang. Ban đầu, đất đá, cây cối nằm phía taluy dương đổ xuống nền, lòng đường gây chia cắt một vài điểm đoạn xã A Xan lên xã Ch’Ơm. Sự cố nhanh chóng được đơn vị quản lý đường bộ xúc dọn và sớm thông xe bước một. Nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 5, mưa to tái diễn kéo theo hàng trăm nghìn mét khối đất đá tràn lấp gây hư hỏng mặt đường, rãnh dọc, cầu, cống làm tê liệt tuyến ĐT606.

Lũ dữ cũng đã cuốn trôi nhiều cầu treo đường huyện (ĐH), đường trục xã nối đến thôn ở Tây Giang và Đông Giang. Tại huyện Đông Giang, lũ sông A Vương bất ngờ dâng cao chảy xiết tràn qua đường Hồ Chí Minh, rồi đột ngột rút đi gây xói lở nặng taluy âm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho biết, sạt lở taluy âm xảy ra đặc biệt nghiêm trọng cắt đứt tuyến giao thông An Điềm - Kà Dăng - A Sờ qua các xã Kà Dăng, Mà Cooih. Đến nay, lưu thông chưa thể khôi phục trên tuyến đường kết nối ĐT609 với đường Hồ Chí Minh này, do cần có thời gian và nhất là kinh phí thực hiện nằm ngoài khả năng của huyện.

Bước qua tháng 10, bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh xuất hiện liên tiếp đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, nặng nhất là cơn bão số 9 đổ bộ gây hậu quả nặng nề. Hạ tầng giao thông bị thiệt hại nặng với hệ thống đường bộ chịu tác động trực tiếp của mưa lũ gây sạt lở, ngập sâu. Ách tắc giao thông diễn ra khắp nơi, từ địa bàn đồng bằng ven biển cho đến trung du, miền núi. Đơn cử, nước lũ xoáy mạnh vào taluy âm làm xói trôi nền, mặt đường Hồ Chí Minh qua xã Phước Xuân (Phước Sơn) gây ách tắc lưu thông nhiều ngày liền. Tuyến quốc lộ (QL) 40B không phải là ngoại lệ. Trên cung đường này, khối lượng đất, đá sạt lở từ taluy dương lên đến hàng trăm nghìn mét khối chia cắt 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My.

Chính vì vậy, việc đưa nhân lực, máy móc thiết bị di chuyển trên QL40B để tiếp cận hiện trường tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nạn nhân vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng (Nam Trà My) chậm lại. Vật vã giữa mưa gió, các đơn vị quản lý đường gắng sức chặt dọn cây cối, xúc đất đá, đào đắp hạng mục bị tổn thương nhằm trả đủ nền đường cho giao thông bước một. Tại Phước Sơn, tuyến ĐH1.PS (Phước Đức - Phước Thành) bị mưa lũ phá vỡ nền, mặt đường, gây cô lập các xã Phước Thành và Phước Lộc suốt từ cuối tháng 10 đến nay. Chuyện đưa phương tiện cơ giới vào hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân mất tích tại xã Phước Lộc thật sự nan giải.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn - ông Nguyễn Quảng cho biết, dù được lực lượng chuyên nghiệp của ngành giao thông vận tải Quảng Nam hỗ trợ, nhưng do quá nhiều điểm sạt lở với khối lượng lớn, nhiều vị trí bị đứt đường nên khắc phục còn khoảng 3 cây số nữa mới lưu thông được bước một tới xã Phước Thành.

Hậu quả lâu dài

Lũ chồng lũ, bão chồng bão gây hậu quả trước mắt và lâu dài cho hạ tầng giao thông đường bộ. Các tuyến đường do Cục Quản lý đường bộ III quản lý, những tuyến QL trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý, rồi nhiều tuyến ĐT, ĐH, giao thông nông thôn chỉ mới khắc phục nhằm đảm bảo giao thông tạm (bước một). Tuy nhiên, mưa chưa ngừng rơi vào nửa đầu tháng 11 đã khiến một số tuyến đường trọng điểm hư hỏng do sạt lở, cắt đường tái diễn. Đó là tại huyện Tây Giang, đường ĐT606 đoạn xã A Xan lên xã Ch’Ơm lại ngổn ngang đất đá. Đường Trường Sơn Đông qua các huyện Nam Giang, Nông Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My và Nam Trà My bị sạt lở gây tắc đường.

Mất an toàn giao thông do tác động của mưa lũ luôn ở mức báo động, khi mà đất đá đã bị bão hòa bởi nước mưa ngấm bất ngờ sạt lở vùi lấp người tham gia giao thông. Vụ một người bị mất tích do sạt lở taluy dương QL40B thuộc địa bàn xã Trà Tân, Bắc Trà My vào chiều 11.11 là minh chứng đau lòng. Về lâu dài, việc khắc phục hoàn trả nguyên trạng (bước hai) càng khó khăn vì cần nguồn lực rất lớn. Một số tuyến giao thông huyết mạch thường xuyên bị nước băng qua gây hư hỏng nặng nền, mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn cần sớm có sự quan tâm đầu tư căn cơ.

Điển hình như đường Huỳnh Ngọc Huệ (tuyến ĐH1.ĐL) qua trung tâm hành chính thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc). Một tháng trở lại đây, nước lũ sông Vu Gia đã gây ngập cầu Ngoại Thương nằm trên tuyến đường này vài chục lần gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do cao độ cầu thấp, cho nên chỉ cần báo động 2 nước đã băng qua làm tắc đường, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng. Hay tuyến An Điềm - A Sờ qua Đông Giang, việc nâng cấp, mở rộng cần được đầu tư thay vì chỉ tính đến hoàn trả nguyên trạng. Bởi lẽ, mặt cắt cung đường quá chật hẹp, độ dốc cao, quanh co, vì vậy tiềm ẩn nguy hiểm cho ô tô chở du khách lên tham quan khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Nếu hoàn trả nguyên trạng, thực trạng trên tuyến vẫn như thế, gây lãng phí kinh phí đầu tư.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiệt hại nặng hạ tầng giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO