Thiết lập trật tự quản lý, khai thác khoáng sản

TRỊNH DŨNG 01/03/2023 07:21

Chính quyền tỉnh đang tìm mọi cách giải tỏa áp lực giá tăng đột biến và khan hiếm của nguồn vật liệu xây dựng thông thường. Sẽ liên tiếp mở nhiều cuộc họp bàn từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và doanh nghiệp khai thác khoáng sản để tìm giải pháp hữu hiệu.

Các địa phương thông báo, kể từ ngày 1/3/2023 sẽ có thêm nhiều mỏ cát tái khai thác. Sản lượng sẽ gia tăng, cung cấp đủ cho thị trường và giá sẽ hạ xuống. Ảnh: T.D
Các địa phương thông báo, kể từ ngày 1/3/2023 sẽ có thêm nhiều mỏ cát tái khai thác. Sản lượng sẽ gia tăng, cung cấp đủ cho thị trường và giá sẽ hạ xuống. Ảnh: T.D

Trữ lượng không thiếu

Tình trạng khan hiếm và tăng giá nguồn vật liệu xây dựng thông thường suốt gần hai tháng nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến các công trình đầu tư gặp khó.

Sở TN-MT công bố tại cuộc họp quản lý, khai thác khoáng sản chiều 27/2: tính đến ngày 24/2, còn 46 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất san lấp, đá) và 24 tổ chức, cá nhân đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để xin cấp giấy phép khai thác, với trữ lượng (đã được phê duyệt hoặc dự kiến đưa vào thiết kế khai thác) khoảng hơn 1 triệu mét khối cát, gần 800 nghìn mét khối đất san lấp.

Ngoài ra, còn có 41 mỏ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trữ lượng dự kiến là khoảng 11 triệu mét khối đất san lấp (20 khu vực), 2,5 triệu mét khối cát (14 khu vực), 410 nghìn mét khối đá (3 khu vực) và 4 khu đất sét với hơn 2 triệu mét khối.

Thống kê này cho thấy Quảng Nam không thiếu mỏ và trữ lượng cũng đủ để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng của địa phương, nhưng tại sao dẫn đến tình trạng tăng giá và khan hiếm?

Ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở TN-MT cho biết, nhiều năm qua, các địa phương vẫn không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nguồn cung cát, sỏi chủ yếu tập trung trên sông Vu Gia, Thu Bồn thuộc Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc.

Chủ trương UBND tỉnh không cho gia hạn giấy phép khai thác, kèm theo đôn đốc 3 địa phương này tổ chức đấu giá những khu vực cát, sỏi được duyệt, bảo đảm các điều kiện cấp phép thăm dò, khai thác, nhưng đến nay chưa có địa phương nào cho đấu giá.

Số lượng giấy phép khai thác đã giảm đáng kể. Một số mỏ đất, đá đã được doanh nghiệp thăm dò, trình phê duyệt trữ lượng, xin chủ trương đầu tư nhưng vướng dù chỉ một phần diện tích nằm trong quy hoạch rừng sản xuất tạm thời bị cấm hoạt động khoáng sản nên không được cấp chủ trương đầu tư.

Các mỏ khoáng sản đem ra đấu giá nếu thành công, cũng phải mất hơn 1 năm mới có thể có được giấy phép khai thác. Nên có thể không dính dáng đến chuyện thiếu hụt cát, đất như hiện tại, trừ một nguyên nhân là các mỏ bất ngờ đóng cửa.

Ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói, địa phương có 3 mỏ cát và 1 bến bãi, nhưng tất cả đều ngừng khai thác. Một phần vì khắc phục vệ sinh môi trường và kể cả doanh nghiệp đang trong quá trình phục vụ điều tra nên chưa thể khai thác. Thiếu nguồn cung nên cát trên thị trường đã bị đẩy giá lên.

Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh nói, việc điều tra của công an không liên quan, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của doanh nghiệp vì không yêu cầu đóng mỏ. Các doanh nghiệp đồng loạt đóng cửa là bất thường. Các địa phương quản lý lỏng lẽo, thất thoát khoáng sản rất lớn.

Khẩn trương mở cửa mỏ

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, với những giấy phép còn hiệu lực, cũng như danh mục quy hoạch thì địa phương không đến nỗi thiếu vật liệu xây dựng.

Các doanh nghiệp không thực hiện theo giấy phép khai thác đúng tiến độ thì sẽ bị đình chỉ, rút giấy phép. Không thể lấy lý do điều tra, thanh tra để gián đoạn khai thác, gây sốt khan hiếm, tạo giá ảo, bất ổn thị trường. Buộc các doanh nghiệp khai thác đúng hồ sơ, công suất thiết kế, niêm yết, bán đúng giá niêm yết. Khó chấp nhận về nạn khan hiếm và tăng giá vật liệu xây dựng như vừa qua.

Các địa phương động viên doanh nghiệp vận hành hết công suất khai thác đất san lấp và tiến hành đấu giá các mỏ khoáng sản để giải tỏa áp lực khan hiếm nguồn cung. Ảnh chụp tại mỏ đá núi Dàng (Quế Mỹ, Quế Sơn). Ảnh: T.D
Các địa phương động viên doanh nghiệp vận hành hết công suất khai thác đất san lấp và tiến hành đấu giá các mỏ khoáng sản để giải tỏa áp lực khan hiếm nguồn cung. Ảnh chụp tại mỏ đá núi Dàng (Quế Mỹ, Quế Sơn). Ảnh: T.D

Một trong các biện pháp giải tỏa áp lực khan hiếm và tăng giá được đưa ra là các địa phương khẩn trương đấu giá các mỏ đã được xác định, nhưng không đồng loạt.

Các ban quản lý đầu tư, sở, ngành hợp tác cung cấp thông tin để các địa phương biết nhu cầu cần vật liệu san lấp, cát xây dựng... để địa phương chủ động cân đối chọn đấu giá các mỏ trước/sau, kiểm soát được nguồn cung.

Phân chia sản lượng hợp lý, bám sát nhu cầu, không để xảy ra tình trạng cung lớn hơn nhiều so với cầu. Các địa phương rà soát không để đấu giá, khai thác quá nhiều điểm mỏ sử dụng trên cùng tuyến đường, trong cùng thời điểm. Các cơ quan quản lý tháo gỡ ngay khó khăn, đưa hai mỏ cát lớn ở Đại Lộc sớm khai thác để giải quyết việc khan hiếm và giá cao.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, đã đến lúc khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động cung ứng vật liệu, không để tái diễn tình trạng khan hiếm và tăng giá, gây khó khăn thêm cho tiến độ thi công các công trình.

Các doanh nghiệp đấu giá trúng khẩn trương làm thủ tục cấp phép khai thác. Nếu để kéo dài sẽ bị thu hồi. Có thể tính toán gom các mỏ nhỏ gần nhau thành một điểm mỏ để đấu giá.

Không thể để trên một đoạn sông chia quá nhiều doanh nghiệp khai thác dẫn đến sự phức tạp, bất ổn an ninh trật tự xã hội, giảm bớt số lượng doanh nghiệp khai thác. Không để tình trạng rối loạn như đã từng xảy ra trước đây trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Sẽ xử lý doanh nghiệp công bố giá một đường bán ra giá một nẻo. Quan trọng hơn, các địa phương không vì lợi ích cục bộ, chia sẻ nguồn lực phục vụ cho các địa phương, cho cả Quảng Nam, thay vì chỉ khai thác các mỏ, chỉ để phục vụ riêng cho địa phương mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiết lập trật tự quản lý, khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO