“Tôi cho rằng, ở đây người dân sướng hơn đồng bằng. Nhà tôi ở thành phố, tôi biết có nhiều gia đình nghèo, cả năm chẳng ai thăm viếng, đoái hoài, kiếm được miếng ăn qua bữa là hết hơi, nhưng lại mang tiếng ở thành phố. Còn ở đây, ai cũng nghĩ vùng sâu vùng xa là nghèo khổ, tất nhiên, nhưng anh nghĩ mà coi, từ khi sinh ra cho chết, người dân được nhà nước bao trọn gói. Đi học không tốn tiền. Gia đình hàng tháng có trợ cấp, đau ốm có bệnh viện, chết có chỗ chôn”.
“Chưa hết - một người khác lên tiếng - từ hôm tết đến giờ, riêng xã này có đến 16 đoàn từ thiện từ các nơi lên. Họ làm từ thiện vì có tấm lòng, nhưng họ có biết, dân địa phương tuyên bố: Cho tiền thì lấy, chứ mền mùng chăn chiếu mì tôm thì không cần. Mình làm cán bộ địa bàn, không nhận hàng từ thiện, không đưa về cho dân, là không trọn trách nhiệm, nhưng dân từ chối kiểu đó, nghĩ có đau không? Cho nên khi đoàn nào liên lạc lên, tôi đều nói thẳng, các anh chị hiểu cho, tốt nhứt quy thành tiền. Anh có biết, quà từ thiện, vận động dân đến, họ không đi, bộ đội biên phòng phải chở về tận nhà. Trách nhiệm mình làm dân vận, công tác vận động quần chúng, không lơ là được, nhưng nói thẳng là bực lắm. Họ đi nhận, xong, mền vứt giữa đường, gạo thì chở thẳng vào quán nhậu đổi rượu”.
“Đây, mình xin miếng đất 100m2, làm ao cá, nuôi heo, gà, cải thiện đời sống anh em, nhưng chủ ý là cho bà con thấy, là chăn nuôi không phải khó khăn chi, cây, giống tại chỗ, bộ đội làm được, kêu họ lên tận nơi hướng dẫn, nhưng họ không làm, tuyệt đối không, chỉ ngồi chờ nhà nước cho, suốt ngày ngồi ngó, rồi than đói, trong khi chính họ có đất, có vườn, nhưng bỏ cho cỏ mọc. Ai đời dân địa phương mà lên bộ đội mua gà về ăn, thì hết chỗ nói”.
“Bỏ học đang diễn ra. Xã vùng cao thì không có, nhưng vùng thấp thì có. Học trò nói không có áo quần. Thầy cô ra mua liền. Học trò lại nói học để làm chi? Cha mẹ cũng chửi ngang: học cũng không có việc làm. Mình nhức óc!”.
“Vậy tại sao, các anh trả lời đi?”. “Anh là nhà báo, có điều kiện đi hơn lính tráng, anh nói đi”.“Thói trông chờ ỷ lại đã ăn vào máu rồi. Tình trạng này sẽ không bao giờ dứt. Muốn chấm dứt, không cách nào khác là giáo dục, lấy việc học làm trọng, thay máu ý nghĩ. Nhưng rất khó, bởi nếu nhà nước dừng bao cấp, sẽ sinh loạn. Bài toán nào cũng có lời giải, theo tôi, nói dân ỷ lại là đúng nhưng chưa đủ, hãy xem lại đội ngũ cán bộ địa phương, hỏi họ có ỷ lại không, khi họ quá rành rằng, mình cũng là đồng bào thiểu số, bèn “tương kế tựu kế”, không ít người trong số họ cố gắng học, làm việc, muốn đời sống vật chất tinh thần của bà con thay đổi thực sự, bền vững, nhưng cũng lắm người... biết bài rồi, nên ỳ ra, mà nhổ bật được cái tư duy này, gay lắm”.
“Vậy phải làm sao?”
“Bà con cứ la mình thua thiệt. Nhưng rứa thì đúng là thiệt thua!”.
Đây là cuộc nói chuyện cũ tôi bất chợt nhớ lại, khi hôm qua, đọc bản tin trên báo Nhân Dân: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam và Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức Hội nghị ký kết chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020.
C.B.L