Thiếu “bạn” câu mực khơi

TRƯƠNG CÔNG HÙNG 03/10/2013 14:15

Đã hơn một tháng từ sau chuyến biển câu mực khơi vừa qua nhưng đội tàu đánh bắt xa bờ của xã Bình Minh (Thăng Bình) vẫn chưa thể tiếp tục ra khơi. Nhiều chủ tàu nằm trong thế “không quân” vì thiếu bạn biển.

Anh Hoàng Hữu Thu, ngư dân ở thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh) là một trong những người đầu tiên của xã mạnh dạn đóng tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Từ nguồn vốn vay ngân hàng cộng với vốn tích lũy nhiều năm làm tài công, anh đã đầu tư chiếc tàu QNa-95078 với công suất máy 630CV khai thác mực khơi. Anh Thu than thở: “Chưa có chuyến biển mô ảm đạm như chuyến biển vừa rồi. Câu mực mà như đi tìm trầm, có khi câu cả đêm chưa được 1 ký mực, không biết do con nước hay do thay đổi thời tiết mà mực không nổi. Câu được ít ký mực thì khi phơi không bị mưa cũng bị sương muối, tình hình ni biết khi mô trả được nợ”. Đồng cảnh ngộ với anh Thu, nhiều chủ tàu khác như anh Lê Văn Rý (chủ của 2 chiếc tàu công suất 750CV) cũng gặp khó khăn. Anh Rý tâm sự: “Câu kéo như ri là nguy cơ đối với ngư dân, bởi câu được mực với số lượng nhiều thì bị tư thương ép giá, phải bán rẻ chứ không có con đường nào khác vì cả Đà Nẵng và Quảng Nam chỉ có 2 chủ nậu thu mua mực khơi. Còn câu không ra mực thì hơn 50% ngư dân của xã bị khó khăn, cả chủ tàu và tài công cũng đói lây!”.

Nhiều tàu câu mực khơi ở Bình Minh nằm bờ. Ảnh: T.C.H
Nhiều tàu câu mực khơi ở Bình Minh nằm bờ. Ảnh: T.C.H

Nhiều ngư dân sau chuyến biển vừa qua đã không còn mặn mà với nghề câu mực khơi, có  ý định chuyển nghề nên từ chối các chủ tàu, vì thế mà số tàu đang nằm chờ “bạn” khá đông. Theo nhiều ngư dân, trong các nghề khai thác ở biển thì nghề câu mực khơi là nguy hiểm nhất nhưng thu nhập lại bấp bênh. Ngư trường khai thác ở các vùng biển gần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gần đây lượng mực ở khu vực này có phần giảm nên nhiều tài công đã mạnh dạn tìm ngư trường xa hơn để khai thác, càng xa đảo thì nguy hiểm rình rập. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có hơn 10 cơn bão, trong đó có ít nhất là 5 cơn bão vào biển Đông, nhiều tàu phải thường xuyên vừa đi tìm ngư trường vừa tránh đường đi của bão nên chi phí rất cao, có khi vừa đến ngư trường mới thì bão lại hình thành đành phải quay trở lại đảo để ẩn nấp. “Nghề này mà tài công nào nhát gan thì thua thiệt về sản lượng. Sau mỗi chuyến biển mà thu nhập của tàu mình thấp hơn so với tàu bạn không những tài công “nóng mặt” mà cả những người đi bạn cũng thấy tự ái. Chính vì vậy, các tài công ngày càng liều lĩnh, tính nguy hiểm cũng tăng dần trong từng chuyến đi” – một ngư dân nói.

Tuy nhiên, theo anh Hoàng Thanh Sơn (thôn Bình Tịnh, Bình Minh) - một ngư dân có thâm niên gần 20 năm làm nghề câu mực khơi: “Dù có bão gió nguy hiểm, dù tàu nước ngoài có gây hấn cũng không sợ, biển mình mình giữ để mà làm ăn, có khi thấy tàu mình liều mạng nó cũng sợ. Nguyên nhân chính để người đi bạn không mặn mà là nguồn mực tại các vùng biển khơi không rõ tại sao thời gian gần đây lại khan hiếm. Nhiều chuyến đi biển gần hai, ba tháng trời nhưng không đủ bù chi, trong khi giá mực thu mua thì bấp bênh nhưng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ chuyến biển thì tăng cao”. Cũng theo anh Sơn, những năm qua Nhà nước có chính sách hỗ trợ dầu cho ngư dân khai thác ở các vùng biển khơi (theo Quyết định QĐ 48/2010/TTg), nhưng việc hỗ trợ phải đầy đủ thủ tục, thời gian hỗ trợ cách mỗi chuyến biển ít nhất là nửa năm, trong khi ngư dân “đi bạn” cho mỗi tàu không cố định nên số tiền hỗ trợ nói trên đều thuộc về chủ tàu, phần thiệt vẫn luôn thuộc về những ngư dân làm công nên nhiều “bạn” không mặn mà ra khơi…

TRƯƠNG CÔNG HÙNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiếu “bạn” câu mực khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO