Quy hoạch kiểu chắp vá, đầu tư dàn trải, thiếu vốn… là những nguyên nhân khiến các đô thị thiếu “sức sống” và đang trở thành mối lo của các địa phương.
Dang dở nhiều dự án
Thống kê cho thấy, riêng TP.Hội An đã có đến 5 chợ lớn nhỏ. Trong khi đó, các trung tâm thương mại, siêu thị hầu như vẫn còn xa lạ với phố cổ. Trước đây, có một dự án đầu tư siêu thị tại đường Lý Thường Kiệt (phường Tân An) nhưng đã dừng thi công suốt thời gian dài.
Công trình nhà hỏa táng Hội An bỏ hoang gần 10 năm nay.Ảnh: HỮU PHÚC |
Với mật độ dân số được xếp vào một trong những địa bàn dân cư đông nhất nước, Hội An đang ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm đất nghĩa địa. Tuy vậy, công trình nhà hỏa táng Hội An (tại thôn Bầu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà, trong khu vực Nghĩa trang nhân dân của thành phố) động thổ năm 2005 đến nay vẫn còn dang dở, gây lãng phí.
Hạ tầng đô thị khu phố cổ xây dựng khá lâu đã xuống cấp, năng lực thoát lũ khu vực Hội An thì hạn chế; trong khi các dự án thiết kế xây dựng giao thông tại Cẩm Thanh, Cẩm Châu chưa quan tâm đúng mức đến môi trường làm giảm năng lực tiêu thoát lũ của đô thị.
Bất cập ở chỗ, khu phố cổ thường xuyên bị ngập vào mùa mưa nhưng do đây là di sản văn hóa thế giới nên không thể cải tạo tôn nền. Hệ thống thoát nước của thành phố là hệ thống thu nước chung cho nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và các loại nước thải công cộng khác rồi đổ trực tiếp ra sông. Khảo sát hiện trạng cho thấy, chỉ 50% các tuyến mương rãnh có chất lượng đáp ứng yêu cầu. Hơn 45 dự án lớn nhỏ trên địa bàn TP. Hội An vướng do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án phê duyệt quy hoạch xong phải dừng. Điển hình, mới đây nhất là dự án khu dân cư Vườn Đào (thuộc 2 địa phương phường Tân An và xã Cẩm Hà) rộng hơn 20ha, phê duyệt năm 2012 đến nay vẫn án binh bất động. Đáng nói, một số dự án giãn dân ra khu vực phố cổ đã không như mong đợi. Chính quyền lúng túng trong khai thác quỹ đất, như khu dân cư Sơn Phô 1 (xã Cẩm Châu) đã hoàn thiện xong 6.000m2 đất vẫn “ế” người mua. Giá đất ban đầu nơi đây từ 12 triệu đồng/m2, sau đó hạ xuống 8 triệu đồng/m2 và hiện đang đề xuất hạ giá nữa.
Không riêng Hội An, nhiều công trình cải thiện môi trường đô thị ở TP.Tam Kỳ như hồ điều hòa Nguyễn Du, Duy Tân đưa vào sử dụng nhưng vì chưa có biện pháp xử lý nước thải hiệu quả nên có lúc lại ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân. Hiện Tam Kỳ chưa có thiết bị xử lý nước thải đô thị. Khu Công nghiệp Tam Thăng rộng 300ha “treo” nhiều năm trời. Mạng lưới giao thông nội thị dù đã liên hoàn nhưng vẫn còn nhiều tuyến đường thi công dang dở. Ông Nguyễn Minh Nam – Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP.Tam Kỳ nói, vướng mắc hạ tầng của thành phố là 2 công trình do đơn vị làm chủ đầu tư gồm đường N10 nối liền với đường Bạch Đằng phê duyệt 1,1km nhưng mới thi công 300m; một phần đường Bạch Đằng. Nguyên nhân chủ yếu do chưa thể giải phóng mặt bằng.
Thiếu vốn
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng đô thị của TP.Tam Kỳ giai đoạn 2010-2016 lên đến 8.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất, đường cứu nạn cứu hộ ven biển, cầu Kỳ Phú 1 và Kỳ Phú 2, đường cứu nạn cứu hộ bờ bắc sông Tam Kỳ, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng; các dự án khu đô thị Hòa Hương, khu phố mới Tân Thạnh, phố chợ An Sơn; công viên cảnh quan hồ Duy Tân, Nguyễn Du. Riêng vốn đối ứng dự án ODA và hỗ trợ kiến thiết thị chính cần khoảng 2.000 tỷ đồng để xây đường và cầu Điện Biên Phủ; công trình thoát nước và xử lý nước thải TP.Tam Kỳ; công trình xử lý rác thải; nâng cấp nhà máy nước Tam Kỳ… Theo ông Nguyễn Minh Nam, thiếu vốn là bài toán nan giải cho đô thị Tam Kỳ.
Tương tự, đô thị Hội An cũng đang đứng trước thách thức vì chờ vốn. Thành phố chủ trương mở thêm không gian về phía nam (thuộc xã Cẩm Kim), tuy nhiên nơi đây bị chia cắt bởi hạ tầng giao thông. Muốn phát triển vùng đất này, phải xây cầu bắc qua sông trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Ông Võ Hữu Dũng – Phó phòng Quản lý đô thị TP.Hội An cho biết, hạ tầng xây dựng chắp vá là do địa phương không chủ động được vốn. Năm nay, vốn kiến thiết hạ tầng Tam Kỳ được bố trí 20 tỷ đồng, trong khi số tiền được “rót” tới giờ chỉ có 5 tỷ đồng. Ngay cả các hạng mục vỉa hè, cống rãnh cũng cân nhắc ưu tiên đầu tư. “Hội An là thành phố văn hóa, nhiều con hẻm, góc phố rêu phong đã làm nên một phần giá trị di sản, nhưng thực tế không ít nơi đã xuống cấp, nhếch nhác” – ông Dũng nói.
Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC