Thiếu hồ bơi

THÂN VĨNH LỘC 04/07/2014 08:36

Xây dựng hồ bơi công cộng trở thành nhu cầu thiết thực, không chỉ tạo điều kiện để học sinh có nơi tập bơi mà còn giúp trẻ em địa phương có chỗ vui chơi, giải trí an toàn khi mùa hè đến.

Trang bị kỹ năng

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 4 địa phương xây hồ bơi công cộng là Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn và Quế Sơn với tổng số khoảng 9 hồ (không kể hồ bơi tại các khu resort, khách sạn và hồ bơi di động). Nhiều nhất có thể kể đến Điện Bàn với 3 hồ bơi của 3 cụm xã, được bố trí tại thị trấn Vĩnh Điện, Điện Thắng Trung và Điện Trung; Tam Kỳ cũng có 3 hồ (Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung, Nhà Văn hóa thiếu nhi Tam Kỳ, Trường Đại học Quảng Nam); Hội An có 2 và Quế Sơn có 1 hồ bơi. Các hồ bơi chủ yếu dùng phục vụ nhu cầu học tập ngoại khóa của học sinh 2 cấp tiểu học và THCS. Tại Hội An, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ tổ chức Swim Việt Nam và xã hội hóa, từ năm 2008 Phòng GD-ĐT thành phố đã chỉ đạo các trường THCS và tiểu học trên địa bàn tổ chức đưa hàng trăm học sinh (phần lớn là khối lớp 4) đến học tập thực hành kỹ năng bơi lội. Chỉ riêng năm học 2013 - 2014 đã có 4 đợt  dạy bơi miễn phí được tổ chức tại 2 hồ, thu hút hơn 1.500 học sinh tham gia. Tính đến nay, hơn 60% học sinh của 22/24 trường THCS và tiểu học trên địa bàn Hội An (trừ 2 trường tại xã đảo Tân Hiệp) đã hoàn thành phổ cập bơi lội.

Hồ bơi ở Trung tâm VH-TT Điện Bàn không chỉ là nơi thực hành bơi của học sinh mà còn là điểm thư giãn của người dân.
Hồ bơi ở Trung tâm VH-TT Điện Bàn không chỉ là nơi thực hành bơi của học sinh mà còn là điểm thư giãn của người dân.

Tại các địa phương như Điện Bàn, Tam Kỳ thời gian qua việc đưa bơi lội vào trường học cũng đã được ngành giáo dục quan tâm thường xuyên với số lượng học sinh được trang bị kiến thức kỹ năng bơi lội hàng năm lên đến vài trăm em. Điển hình, như hồ bơi Trung tâm VH-TT huyện Điện Bàn không chỉ dạy bơi cho học sinh các trường trên địa bàn mà còn mở rộng dạy ngoại khóa cho học sinh các huyện lân cận như Duy Xuyên, Đại Lộc… Ba năm trở lại đây, mỗi năm trung tâm thường tổ chức khoảng 5 khóa học cho gần 200 học sinh, góp phần trang bị những kỹ năng cơ bản giúp các em phòng tránh cũng như ứng phó khi có tai nạn đuối nước xảy ra. Tại các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc dù mới được tổ chức Swim Việt Nam trang bị hồ bơi di động nhưng dễ dàng nhận thấy hiệu quả mang lại rất tích cực và được phụ huynh học sinh nhiệt tình hưởng ứng.

Ngoài ra, hồ bơi còn trở thành điểm vui chơi, giải trí cho người dân địa phương trong những ngày hè nắng nóng. Những ngày này, dạo quanh các hồ bơi ở Điện Bàn hay Tam Kỳ vào mỗi buổi sáng, chiều, dễ dàng nhận thấy người dân và trẻ em đến hồ bơi rất đông, cao điểm lên đến hơn trăm lượt khách. Tắm hồ bơi đã thật sự trở thành nhu cầu thiết thực của đông đảo người dân, nhất là trẻ nhỏ.

Thiếu hụt hồ bơi

Quảng Nam được xem là vùng trũng và hằng năm luôn đối diện với lũ lụt. Việc trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng cơ bản về bơi lội, hạn chế tai nạn đuối nước trở thành nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, ngoài Điện Bàn đã xây dựng 3 hồ bơi tại 3 khu vực trọng điểm của huyện từ nguồn ngân sách, hầu như các địa phương khác đều gặp những khó khăn nhất định. “Xây dựng hồ bơi công cộng là một việc cần thiết nhưng với điều kiện của thành phố như hiện nay là rất khó, ngoài  kinh phí còn liên quan đến quỹ đất nữa” - ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ. Theo ông Bay, trước đây, Phòng VH-TT Hội An cũng đã tham mưu quy hoạch xây dựng hồ bơi công cộng trong khu công viên tượng đài Nguyễn Duy Hiệu (phường Tân An), nhưng thành phố không đồng ý do đây là khu công viên văn hóa tâm linh, việc xây dựng hồ bơi sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan chung. Đến nay, dù thành phố có 2 bể bơi nhưng chủ yếu do xã hội hóa (tổ chức Swim Việt Nam và Công ty Thời trang Yaly tài trợ) và cũng chỉ phục vụ dạy bơi cho học sinh, nhu cầu bơi lội để vui chơi của người dân và trẻ em dường như không thực hiện được.

Trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh là việc làm cấp thiết nhưng không phải nơi nào cũng mặn mà, nguyên nhân chính là không có hồ bơi cho học sinh thực hành. Thậm chí, tại một số địa phương như Núi Thành, Đại Lộc, Tiên Phước… khái niệm hồ bơi công cộng là điều “xa xỉ”. Để phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh, ngoài một số hồ bơi di động (nửa chìm nửa nổi) do tổ chức Swim Việt Nam tài trợ, các nơi chỉ còn cách thực hành trên sông hoặc không đưa môn bơi lội vào giảng dạy. Ông Trần Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc chia sẻ, đối với Đại Lộc, việc xây dựng hồ bơi làm điểm vui chơi cho người dân cũng như để học sinh thực hành là quá khó nếu không có nguồn xã hội hóa. Năm 2013 tổ chức Swim Việt Nam cũng đã tài trợ huyện một bể bơi di động đặt tại Trường Tiểu học Lê Thị Xuyến (xã Đại Hòa), nhưng chừng đó là quá ít so với số học sinh phân bố rộng khắp trên 18 xã, thị trấn của huyện. “Không có kinh phí” là lý do chính khiến các địa phương “lảng tránh” quy hoạch xây dựng hồ bơi dù nơi nào cũng khẳng định trang bị là nhu cầu cấp thiết.

Sở GD-ĐT luôn khuyến khích các địa phương đưa môn bơi lội vào trường học nhưng không mang tính bắt buộc nên mỗi nơi tùy điều kiện của mình có thể thực hiện hay không. Điều này giải thích vì sao tỷ lệ trẻ em, học sinh biết bơi không cao và thường là tác nhân trong các vụ đuối nước hàng năm trên địa bàn tỉnh.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiếu hồ bơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO