Giữa sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, làng nghề dệt chiếu truyền thống ở xứ Quảng gặp khó khăn trong đầu tư công nghệ; trong khi lao động làng nghề thường là người lớn tuổi, không có thế hệ trẻ nối nghề…
Sản xuất thủ công
Làng chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) có tuổi hơn 400 năm, góp phần làm nên sắc màu truyền thống xứ Quảng. Một thời, cư dân nơi đây chuyên sản xuất dòng chiếu trắng, chiếu in, chiếu thường; riêng dòng chiếu trổ đòi hỏi công phu, sự tỉ mỉ, tay nghề cao, tính thẩm mỹ, có giá thành cao vốn không nhiều người theo. Chiếu Bàn Thạch sử dụng cây lác, cây cói, dệt hoàn toàn thủ công, với 3 màu chủ đạo là tím, trắng và vàng. Nguyên liệu là cây cói, cây lác được trồng tại Duy Vinh, từng lên tới vài chục héc ta, nay chỉ còn chừng 9 - 10ha. Bà Đào Thị Địch (65 tuổi, thôn Vĩnh Nam) cho biết, bà được cha mẹ dạy nghề từ thuở còn rất nhỏ. Gia đình bà đã 4 đời làm chiếu. Ở tuổi 65, mỗi ngày, bà cố gắng lắm mới có thể dệt ra một đôi chiếu, giá bán 200 - 250 nghìn đồng, trừ nguyên liệu, chỉ còn chừng 70 - 80 nghìn đồng/ngày.
Theo bà Địch, do các công đoạn làm chiếu đều thủ công nên tính ra ngày công lao động sau thành phẩm quá thấp, sau khi trừ chi phí nguyên liệu. Người lớn tuổi không có khả năng hay ngại tiếp cận công nghệ, sử dụng máy móc để cải tiến sản xuất nên chỉ sản xuất thủ công, truyền thống trong nhọc nhằn. Bà Địch chia sẻ: “Những người như tôi già rồi, mắt mũi kém rồi, cũng không sử dụng máy móc được. Mà giả sử nếu có muốn thì cũng đâu có tiền đầu tư, mua sắm máy móc để làm. Nhu cầu thị trường nay khác rồi, họ ưng chiếu có hình thức, hoa văn, mẫu mã đẹp, sắc sảo, mà cái đó thì máy dệt công nghiệp mới đều, đẹp, sang trọng được. Địa phương cũng tổ chức một số lớp dạy nghề nhưng người già như tôi không mặn mà, còn người trẻ không theo nghề nên cũng chẳng tham gia”.
Tại làng chiếu An Phước (nay là Mỹ Phước, xã Duy Phước), cả làng chiếu chỉ còn vài chục hộ lớn tuổi bám nghề, sản xuất nhỏ giọt. Theo ông Võ Viết A, cả thôn còn 30 hộ làm chiếu chủ yếu lao động lớn tuổi, ngày công lao động tầm 40 - 50 nghìn đồng. “Làng nghề cũng vắng bóng người trẻ do ngày công quá thấp. Mấy năm trước, có dự án phục hưng làng nghề, chúng tôi mừng lắm. Nhưng dự án không giúp người dân hưởng lợi gì” - ông A tâm sự. Làng chiếu Mỹ Phước chỉ còn bà Nguyễn Thị Nguyệt, ông Nguyễn Vinh (đội 13) là biết dệt chiếu trổ hoa văn, sản phẩm làm ra rất đắt hàng vì hợp thị hiếu người tiêu dùng. Từng có thời kỳ người dân Mỹ Phước làm chiếu trắng thủ công rồi in hoa văn lên sản phẩm, nhưng việc ứng dụng máy in hoa văn cũng không giúp người dân sống tốt với nghề truyền thống bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi...
Thiếu lao động
Làng chiếu Bàn Thạch và Mỹ Phước hiện có 2 cơ sở dệt chiếu bằng máy móc, công nghệ nhập từ miền Nam, nhưng đang sống dở chết dở vì thiếu lao động. Ông Đỗ Văn Phú, chủ cơ sở dệt chiếu lớn ở thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh chia sẻ, vợ chồng ông vốn là thương lái bán chiếu, từng đưa sản phẩm đi khắp nơi. Vợ chồng ông đã đầu tư 240 triệu đồng mua 8 máy dệt đem về làng. Gần 8 năm qua, cơ sở dệt chiếu công nghiệp của ông đã giải quyết công ăn việc làm cho cả chục lao động với mức thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. “Cơ sở tôi làm rất được, đầu ra không lo, nhiều nơi tìm tới đặt hàng dệt theo mẫu. Nhưng cái khó hiện nay là thiếu lao động trẻ bám nghề. Có lao động làm giỏi, mỗi ngày công tôi trả tới 220 - 250 nghìn đồng nhưng họ vẫn không mặn mà. Hiện tôi chỉ duy trì được 3 máy vì không có thợ, vợ chồng tôi phải ra phụ mới làm nổi” - ông Phú nói.
Bà Trần Thị Kim Liên (60 tuổi, vợ ông Phú) chia sẻ thêm: “Mới đây có nhiều người liên hệ muốn ký hợp đồng dệt chiếu theo đơn hàng phục vụ du lịch, các sản phẩm chiếu phục vụ trong gia đình, ô tô, nội thất nhưng tôi không dám nhận vì tuổi mình lớn rồi, không theo nổi. Máy móc đó, nhà xưởng đó, nếu cặp vợ chồng trẻ nào có ý tưởng, yêu nghề, tôi sẵn sàng cho mượn máy, cho mượn cơ sở dệt, đã ngỏ ý rồi nhưng không ai muốn theo”. Cũng theo bà Liên, với 8 máy dệt, mỗi ngày đòi hỏi phải có ít nhất 15 công nhân nhưng hiện chỉ còn vài người với 2 máy dệt, không có đủ sản phẩm bán ra. Cũng theo bà Liên, trước kia, mỗi năm bà nhập tới 60 - 70 tấn nguyên liệu nhưng nay chỉ còn 20 tấn. Không chỉ cơ sở bà Liên, cơ sở của anh Nguyễn Hiếu (người làng Vĩnh Nam, xã Duy Vinh) cũng nhập về 4 máy dệt chiếu, nhưng hiện chỉ có 2 máy trong số đó hoạt động vì không có lao động.