Quảng Nam là nơi có nhiều công trình tượng đài quy mô tương đối lớn hoặc lớn, mang giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc biệt. Tuy nhiên, hầu hết tượng đài vẫn chưa được phát huy tối đa những giá trị và vị thế vốn có của chúng...
Việc thăm viếng, tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống tại các tượng đài như thế này vẫn còn khá thưa thớt. Trong ảnh: Thăm tượng đài chiến thắng Núi Thành. Ảnh: P.C.A |
Những giá trị riêng biệt
Ngoài công trình mang đẳng cấp châu lục - Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở núi Cấm (Tam Phú, TP.Tam Kỳ), Quảng Nam còn có nhiều công trình tượng đài quy mô tương đối lớn hoặc lớn. Hầu hết trong số này được đông đảo nhân dân không chỉ ở Quảng Nam mà cả nước biết đến, như tượng đài chứng tích Vĩnh Trinh (Duy Xuyên), Chợ Được (Thăng Bình); tượng đài chiến thắng Núi Thành (Núi Thành), Thượng Đức (Đại Lộc), Khâm Đức (Phước Sơn), Bồ Bồ (Điện Bàn), Cấm Dơi (Quế Sơn), Mậu Thân (Tam Kỳ)... Bên cạnh giá trị lịch sử có tính điển hình, gắn liền với sự kiện, địa danh lịch sử đặc biệt của xứ Quảng, các tượng đài này còn ấn tượng về tầm vóc, quy mô kiến trúc, bố cục và có giá trị nghệ thuật bền vững. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, người từng nhiều lần đến và đã đi thăm hầu hết tượng đài ở Quảng Nam, điểm nổi bật của các tượng đài xứ Quảng là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn và logic giữa thông điệp lịch sử và thông điệp nghệ thuật, giữa hình tượng con người - cuộc sống với nghệ thuật tạo hình đặc trưng, giữa tư duy hình khối phổ thông và hàn lâm. “Điều tuyệt vời của nhiều tượng đài ở Quảng Nam là ai cũng có thể xem, cảm nhận được điều mà mỗi công trình muốn nói” - họa sĩ Trần Khánh Chương nhận định.
Thật vậy, hầu hết công trình tượng đài ở Quảng Nam được xây dựng theo phong cách nghệ thuật hiện thực, giàu tính anh hùng ca. Đồng thời bố cục, thủ pháp tạo hình nói chung còn làm toát lên được phẩm chất trung dũng kiên cường của đất và người nơi đây, với những hình tượng nhân vật khỏe, đậm, chắc và lẫm liệt. Như ở tượng đài Chợ Được, khối tượng chính gồm 3 nhân vật tựa lưng vào nhau, vừa tạo thành khối tròn vững chãi về mặt tạo hình vừa thể hiện sự đoàn kết, hợp sức trong cuộc sống mái với quân thù. Tượng đài chiến thắng Núi Thành với hình tượng thanh lê sáng lóa, sừng sững chính là sự ghi dấu về trận đầu đánh Mỹ - thắng Mỹ ngày nào mà đỉnh điểm của nó là trận đấu giáp lá cà bằng lưỡi lê trong đêm tối. Hay như với tượng đài chiến thắng Bồ Bồ (Điện Bàn), hình ảnh anh bộ đội một tay đưa nắm đấm lên cao, một tay cầm súng chính là niềm kiêu hãnh, là lời thề quyết tử.
Thiếu “không gian sống”
Với những giá trị lịch sử hiển nhiên và giá trị nghệ thuật đặc biệt như thế, mỗi tượng đài ở Quảng Nam là một câu chuyện kể, một pho sử cô đọng và độc đáo. Tuy nhiên, trên thực tế, trừ Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, hầu hết các tượng đài khác vẫn chưa được phát huy hết những giá trị và vị thế, chưa có được một “không gian sống” riêng.
Hàng năm, việc thăm viếng, tổ chức nghi thức mang tính tri ân hầu như chỉ được các cấp chính quyền thực hiện vào những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn. Tương tự, mỗi năm vài lần - cũng thường là vào các dịp lễ tết, một số địa phương, trường học mới đưa cán bộ, nhân dân và học sinh đến viếng, ôn lại lịch sử sự kiện. Ngoài những lần ít ỏi như thế, thời gian trong năm, các tượng đài vẫn chỉ là “độc thoại” với chính mình, với trời mây. Cũng cần nói thêm, trừ những tượng đài có không gian mở, các tượng đài như Chợ Được, chiến thắng Mậu Thân được thiết kế hàng rào bảo vệ và đây cũng chính là một “rào cản” cho những ai muốn ghé thăm mà không báo trước, nhất là với khách vãng lai và các nhà nghiên cứu độc lập.
Không chỉ rất ít được chọn làm nơi tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống và sinh hoạt văn hóa, việc giới thiệu về giá trị lịch sử công trình cũng ít được chú trọng. Hiện tại, hầu hết tượng đài không có người chuyên trách thuyết minh; bia thông tin công trình cũng vắng bóng. Cách đây ít lâu, một nhóm 4 văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào Quảng Nam đi thực tế sáng tác. Sau khi đến thăm tượng đài Bồ Bồ, Cấm Dơi và Vĩnh Trinh trở về, họ bảo chỉ có thể tự mường tượng chút ít, còn thông tin sự kiện lịch sử thì... mù tịt, vì không biết hỏi ai, cũng không thấy một dòng “tóm tắt lý lịch” nào ở mỗi công trình. Đành rằng các công trình tượng đài lớn của chúng ta đều có bố cục hiện thực, gần gũi, ai cũng có thể “cảm nhận được”, song giữa việc “cảm nhận” với việc hiểu rõ và đầy đủ về giá trị lịch sử, nghệ thuật của công trình luôn có một khoảng cách rất lớn. Mà, trong việc lưu dấu lịch sử và giáo dục truyền thống cho các thế hệ đi sau - vốn là mục đích chính khi xây dựng tượng đài, nếu chỉ đạt đến mức “cảm nhận” không thôi thì chưa đủ.
PHAN CHÍ ANH