Thiếu nguồn nhân lực y tế

NGUYỄN DƯƠNG 07/07/2016 12:03

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút bác sĩ về làm việc tại Quảng Nam nhưng hiệu quả còn thấp so với nhu cầu đặt ra.

Hiện nay, nhu cầu về bác sĩ trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Ảnh: N.DƯƠNG
Hiện nay, nhu cầu về bác sĩ trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Ảnh: N.DƯƠNG

Miền núi thiếu trầm trọng

Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh có 947 bác sĩ; trong đó bác sĩ ngoài công lập là 56, 891 bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế công lập, với tỷ lệ 6,3 bác sĩ/ vạn dân (so với cả nước là 7,61 bác sĩ). Tuy nhiên, số lượng các bác sĩ về công tác tại tỉnh vẫn còn ít hơn nhiều so với nhu cầu, chủ yếu tập trung tại các bệnh viện tuyến tỉnh (95%), ít bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện (5%). Đặc biệt, thiếu trầm trọng các bác sĩ về công tác tại miền núi, các bệnh viện chuyên khoa và trung tâm chuyên khoa. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được 121 bác sĩ, ít hơn một nửa so với dự tính ban đầu là trên 200 bác sĩ.

Tình trạng thiếu bác sĩ tại các huyện, xã miền núi trong tỉnh là vấn đề đáng quan tâm. Đã có nhiều hình thức tuyển dụng, ưu đãi, hỗ trợ cho những bác sĩ về các huyện miền núi công tác nhưng vẫn không đảm bảo được nhu cầu của mỗi địa phương. Theo ông Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, đến nay toàn huyện chỉ có 17 bác sĩ. Chưa kể, toàn huyện có 10 trung tâm y tế xã nhưng chỉ có 4 xã có bác sĩ trực. “Nhu cầu có thêm bác sĩ để phục vụ bà con nhân dân khám chữa bệnh rất cần thiết. Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện đang thiếu bác sĩ chuyên khoa ngoại, sản nhi hay hồi sức cấp cứu. Đây là những khoa quan trọng, phổ biến nhất. Nếu không đủ trình độ chuyên môn hay đội ngũ y, bác sĩ tiến hành cấp cứu kịp thời cho người bệnh mà phải chuyển hơn 100km xuống Tam Kỳ thì rủi ro rất cao cho người bệnh” - ông Thu nói.

Khá hơn Nam Trà My một chút là ở Phước Sơn đến thời điểm hiện tại đã có được 33 bác sĩ. Toàn huyện có 12 xã thì 11 xã đã có bác sĩ đứng điểm để đảm bảo khám chữa bệnh cho bà con nơi đây. “Tuy nhiên, nói về đội ngũ bác sĩ thì còn thiếu rất nhiều, nhất là bác sĩ chuyên khoa. Hơn nữa, trình độ của các bác sĩ ở đây có hạn, do chủ yếu là các đối tượng học cử tuyển nên chưa đạt được trình độ cao” - bác sĩ Nguyễn Hữu Long, phụ trách Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho hay. “Những người xin về công tác tại tỉnh thì 95% số đó đều muốn được làm ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Số còn lại về huyện công tác chủ yếu là do gia đình, người thân của họ ở đó. Chính điều này làm mất cân bằng giữa miền núi và đồng bằng. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ xem xét đề nghị, phân bổ lại đội ngũ bác sĩ để điều hòa lại tình trạng này” - ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Chủ động kết nối

Theo dự kiến dân số của tỉnh thời gian đến và nhu cầu phát triển các dịch vụ kỹ thuật, ngành y tế thì năm 2020 số bác sĩ cần thiết là trên 1.350 bác sĩ (đạt 9 bác sĩ/ vạn người). Có nghĩa là cần phải bổ sung thêm đến năm 2020 là 500 bác sĩ nữa.  Theo ông Nguyễn Văn Hai, nguyên nhân các bác sĩ chưa mặn mà với các chính sách đãi ngộ, thu hút bác sĩ hiện nay chủ yếu là do tâm lý. “Dù sao họ cũng muốn được làm việc ở một môi trường tốt hơn, hiện đại hơn, có cơ hội tiến thân cũng như nâng cao tay nghề. Nhất là việc thu hút ở TP.Đà Nẵng hay TP.Hồ Chí Minh đều có sức hấp dẫn đối với đội ngũ bác sĩ. Hệ thống các cơ sở y tế trên địa bàn thời gian qua đang từng bước được đầu tư, nâng cấp, nhưng vẫn chưa đủ hấp lực để thu hút bác sĩ về làm việc. Nếu xin về công tác tại một cơ sở y tế nhưng không có bệnh nhân hay thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật thì đối với bác sĩ rất khó khăn, bởi tay nghề của họ không được trau dồi đều đặn, khó để phát triển hơn nữa” - ông Hai nói.

Bác sĩ Dương Tấn Hùng, - Giám đốc Trung tâm Mắt Quảng Nam cho biết, hiện nay theo thông tư của Bộ Y tế, một số trung tâm chuyên khoa như Trung tâm mắt Quảng Nam sẽ tiến tới thành lập Bệnh viện Mắt trên cơ sở của trung tâm. Đây sẽ là điều kiện rất tốt giúp cho người bệnh nhận được sự chăm sóc chuyên nghiệp hơn, “Tuy nhiên, để làm được điều này ngoài việc bổ sung các trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết thì đội ngũ bác sĩ chuyên khoa về mắt cũng cần được tăng cường tương ứng” - ông Hùng nói.

Không chỉ thiếu bác sĩ ở trung tâm y tế mà ngay cả Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam cũng đang thiếu bác sĩ. Theo bác sĩ Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam, hiện nay bệnh viện có 110 bác sĩ bao gồm cả bộ máy điều hành. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận, khám chữa bệnh 600 - 700 bệnh nhân và điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân nội trú. “Nhu cầu của bệnh viện hiện nay cần thêm chừng 40 - 50 bác sĩ nữa để bổ sung cho các phòng, khoa. Thời gian qua, bệnh viện đã chủ động liên hệ Trường Đại học Y dược Huế để thu hút sinh viên sắp ra trường về bệnh viện làm việc. Ở đây có phiên chợ việc làm hàng tháng, đại diện bệnh viện đã giới thiệu về những chính sách ưu đãi, thu hút của tỉnh để “kéo” sinh viên về làm việc và đã có 20 bác sĩ đồng ý. Mong rằng chính sách thu hút của tỉnh sớm được ban hành để giúp những người này ổn định cuộc sống, toàn tâm toàn ý phục vụ tại bệnh viện” - ông Mười cho hay.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiếu nguồn nhân lực y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO