Xưa nay, những cung đường du lịch Quảng Nam dù rất đẹp nhưng lại thiếu những điểm dừng chân…
Khách du lịch dừng chân bên đường.Ảnh: VĨNH LỘC |
Thiếu trạm dừng
Không ít doanh nghiệp lữ hành phản ánh những cung đường phía tây và phía nam của tỉnh dài, cảnh quan đẹp, nhưng thiếu trạm dừng. Tính riêng từ Hội An lên Nam Giang, khoảng cách hơn một trăm cây số, chưa kể qua các huyện Đông Giang, Tây Giang nhưng hầu như không có điểm dừng chân nào. “Nếu khách Việt thì đơn giản nhưng với khách châu Âu thì điểm dừng chân rất quan trọng vì những nơi đó họ mới thoải mái giải quyết các nhu cầu vệ sinh cũng như nghỉ ngơi, thăm thú xung quanh trong chốc lát”- ông Trần Lực, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty lữ hành Saigontourist tại Đà Nẵng nhận xét.
Không riêng gì các huyện miền núi phía tây của tỉnh, tại các huyện phía nam và tây nam cũng dễ dàng nhận thấy sự thiếu hụt này, nhất là việc xây dựng các chiến lược thu hút khách cũng như đầu tư hạ tầng, sản phẩm du lịch của chính quyền địa phương. Theo ông Lê Hồ Phước Vĩnh - Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Lê Nguyễn, nhu cầu của du khách nước ngoài không chỉ là tham quan, trải nghiệm văn hóa một điểm đến mà còn hướng đến sự thoải mái, lịch sự và cảm nhận được các sản phẩm đặc trưng của một vùng đất. “Hiện tại có thể chưa cần thiết vì lượng khách tham quan miền núi chưa cao nhưng trong tương lai du lịch Quảng Nam nên có nhiều điểm dừng chân vì đây không chỉ là nơi quảng bá hình ảnh của tỉnh mà còn thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống địa phương…”- ông Vĩnh nói. Thời gian qua, mỗi khi đưa khách lên tham quan Đông Giang hoặc Tây Giang, Công ty Lê Nguyễn thường chọn điểm dừng chân là các quán cà phê tại xã Ba và Bhơ Hôồng (Sông Kôn, Đông Giang) trước khi lên thị trấn Prao hoặc Tây Giang. “Theo tôi nên xây dựng 3 điểm dừng chân tại xã Ba, Prao và Thạnh Mỹ (Đông Giang) vì khách đi đường núi chỉ cần ngồi trên xe từ một đến 2 tiếng đồng hồ là đã mệt rồi”- ông Vĩnh gợi ý.
Thực tế, tại nhiều địa phương trong cả nước việc xây dựng điểm dừng chân du lịch đã được doanh nghiệp đầu tư khai thác từ rất lâu, mang lại kết quả tích cực. Tại những điểm dừng chân, du khách sẽ được cung ứng đầy đủ các dịch vụ từ nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn đến mua sắm hàng lưu niệm, đổi tiền…
Sẽ khắc phục
Theo quy định của tổ chức Hợp tác quốc tế (JICA, Nhật Bản), khoảng cách dừng chân hợp lý giữa hai điểm tương đương 4 giờ xe chạy (khoảng 100 - 200km). Tại Quảng Nam hiện cũng có một điểm dừng chân trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Bình An, Thăng Bình, tuy nhiên do đây chỉ là điểm dừng chân đơn thuần cho tất cả phương tiện giao thông nên tình trạng vệ sinh thường không đảm bảo khiến doanh nghiệp lữ hành khó có thể đưa khách đến, nhất là khách nước ngoài. Ngoài ra, khu nhà cổ Vinahouse tại thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn cũng được xem là điểm dừng chân dù các dịch vụ nơi đây còn nhiều điều phải bàn. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, việc xây dựng điểm dừng chân du lịch rất khó thực hiện do vướng nhiều yếu tố như khoảng cách không gian chưa đủ, lượng khách ít, đặc biệt là kinh phí đầu tư… nên không dễ triển khai được. “Sắp tới trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh, sở sẽ bàn với ngành công thương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh xăng dầu nâng cấp các trạm đổ xăng thành điểm dừng chân đơn giản” - ông Cường cho biết.
Theo ông Cường, đây cũng chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời, về lâu dài sẽ có những kế hoạch cụ thể nhằm tiến đến xây dựng một điểm dừng chân đạt chuẩn tại Đông Giang với chức năng là trung điểm của 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. “Xây dựng một điểm dừng chân du lịch đúng nghĩa không phải dễ nhưng nên nghĩ đến điều này, trong đó mỗi điểm dừng chân không chỉ là nơi nghỉ ngơi chốc lát của du khách mà còn là một trạm thông tin du lịch với đầy đủ chức năng dịch vụ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của khách du lịch” - ông Cường nói thêm. Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Lực khẳng định, đây là ý tưởng tốt cần sớm triển khai vì điều này luôn được không ít du khách quan tâm, thắc mắc với doanh nghiệp. “Nói thật vấn đề quan tâm của khách nước ngoài khi du lịch trên các quãng đường xa là có nơi sạch sẽ và kín đáo để vệ sinh chứ chưa nói tới những yêu cầu dịch vụ mang tính chuyên môn khác”- ông Lực tâm sự.
VĨNH LỘC