(QNO) - Quá trình hội nhập kinh tế và sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng quốc tế sang Việt Nam đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu lớn về giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa. Xu hướng của các doanh nghiệp hiện nay là sử dụng chuỗi dịch vụ logistics trọn gói để tiết kiệm chi phí, thời gian và thuận tiện trong xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.
Tại miền Trung, Công ty TNHH Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải – THILOGI (Tập đoàn thành viên trực thuộc THACO) là đơn vị cung ứng dịch vụ logistics trọn gói hàng đầu khu vực. THILOGI hiện đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cấp dịch vụ… nhằm cung cấp các giải pháp hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mô hình kinh doanh của THILOGI là sự tích hợp tổng thể các dịch vụ riêng lẻ gồm: vận tải đường bộ, vận tải biển, vận tải xuyên biên giới, dịch vụ cảng biển (cảng Chu Lai), hệ thống kho ngoại quan, kho hàng, kho lạnh… tạo thành chuỗi dịch vụ logistics trọn gói nhằm mang đến cho khách hàng các giải pháp logistics tối ưu với chi phí hợp lý.
Nằm ngay trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, THILOGI có lợi thế lớn khi thuận tiện kết nối trực tiếp đến các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn tại miền Trung, Tây Nguyên, kết nối với các cửa khẩu quốc tế của các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là điều kiện quan trọng giúp THILOGI phát triển mạnh dịch vụ, trở thành đơn vị logistics uy tín phục vụ nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum và các doanh nghiệp có nguồn hàng xuất nhập khẩu tại khu vực Nam Lào, Bắc Campuchia…
Cảng Chu Lai được THILOGI đầu tư xây dựng tại Quảng Nam, có công suất 4 triệu tấn/năm với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, chuỗi dịch vụ cảng đa dạng, khai thác nhiều chủng loại hàng hóa như: hàng container, hàng lỏng, khí, hàng rời, hàng siêu trường, siêu trọng… Cảng đang được đầu tư mở rộng bến cảng nước sâu để đón tàu 5 vạn tấn.
Trong chuyến công tác tại Quảng Nam vào tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, cảng Chu Lai có thể trở thành cảng trung chuyển quan trọng cho các tỉnh Tây Nguyên, một phần cho nước bạn Lào, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan nhanh chóng xem xét quyết định, tạo điều kiện cho sớm triển khai dự án đầu tư mở rộng bến cảng để đón tàu 5 vạn tấn.
Thủ tướng đã thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư hai tuyến đường từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng Chu Lai và đường cao tốc kết nối Quảng Nam với Kon Tum tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Tây Quảng Nam và Kon Tum phát triển kinh tế; đồng thời rút ngắn đáng kể quãng đường vận tải xuyên biên giới, thúc đẩy thông thương với Lào, Campuchia và Thái Lan, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước qua cảng Chu Lai.
Để xây dựng các giải pháp logistics tối ưu, an toàn, tiết kiệm chi phí, THILOGI chủ động kết nối hàng hóa thông qua các trung tâm, trạm giao nhận - vận chuyển, depot trên cả nước và các cửa khẩu quốc tế tạo thành mạng lưới logistics rộng khắp, xuyên suốt phục vụ khách hàng. Đồng thời kết hợp khai thác đa dạng các mặt hàng, tăng lưu lượng vận chuyển hàng hóa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
THILOGI thành lập các chi nhánh tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nhằm phát huy vai trò liên kết, mở rộng kinh doanh, kịp thời nắm bắt các xu hướng sử dụng dịch vụ, cung cấp các giải pháp logistics tận nơi cho khách hàng trên cả nước.
THILOGI đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, forwarder trong và ngoài nước, các cảng biển tại TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… và các hãng tàu lớn như: CMA CGM, SITC, ZIM… nhằm gia tăng năng lực cung ứng dịch vụ logistics, hỗ trợ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của nhau, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường.
Sự liên kết cùng phát triển này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, mà về lâu dài còn tạo cơ sở thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thúc đẩy giao thương hàng hoá tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.