Thịt heo nhập khẩu: Xu hướng tiêu dùng mới

THANH HUỲNH 25/06/2020 06:37

Thịt heo nhập khẩu có mặt trên thị trường Quảng Nam đã tăng nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường. Với giả cả phải chăng, chất lượng đảm bảo, ngành chức năng kỳ vọng thịt heo nhập khẩu tạo xu hướng tiêu dùng mới. 

Ngành chức năng kỳ vọng thịt heo nhập khẩu tạo xu hướng tiêu dùng mới. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngành chức năng kỳ vọng thịt heo nhập khẩu tạo xu hướng tiêu dùng mới. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Đa dạng nguồn cung

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh, thịt heo nhập khẩu có mặt ở hầu hết các chợ truyền thống, siêu thị và cả “chợ online”. Ở chợ Tam Kỳ, thịt heo nhập khẩu không phong phú chủng loại, chủ yếu là thịt ba chỉ, giò heo, móng heo, giá bán thấp hơn 20 - 30 nghìn đồng/kg so với thịt heo nội địa.

Chị Trần Thị Phương Thuyền - tiểu thương bán thịt heo ở chợ Tam Kỳ cho biết, đối tượng mua thịt heo đông lạnh chủ yếu là chủ các quán ăn. “Từ khi Thủ tướng Chính phủ khuyến khích bán thịt heo nhập khẩu, một số đại lý phân phối đến chào hàng nên tôi mua về bán để đa dạng nguồn cung. Thịt heo nhập khẩu nguồn gốc xuất xứ đa dạng, đến từ Nga, Canada, Singapore, Ba Lan, Mỹ” - chị Thuyền nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá heo hơi bán ra trên thị trường tỉnh trong những ngày này dao động ở mức trên dưới 80 nghìn đồng/kg, không giảm so với nhiều tuần trước đó. Khi giá thành chăn nuôi heo chỉ khoảng hơn 40 nghìn đồng/kg, mức giá trên kéo dài trong thời gian qua đã giúp các công ty chăn nuôi lãi lớn. Ngược lại, người tiêu dùng gặp khó vì mức chi tiêu cao khi hịt heo ba chỉ có giá gần 200 nghìn đồng/kg, thịt đùi có giá 160 nghìn đồng/kg còn thịt vai có giá 140 nghìn đồng/kg.

Ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, thịt heo nhập khẩu được bán từ nguồn cung là Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Nam Khải Phú (TP.Hồ Chí Minh) với các loại thịt ba rọi, thịt sườn từ Ba Lan, Mỹ... với giá ngang bằng thịt heo nội địa.

Chị Hoàng Lê Tâm - phụ trách quầy hàng thực phẩm tươi sống của Co.opMart Tam Kỳ cho biết, thịt heo nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, niêm yết giá rõ ràng. Đối tượng mua thịt heo nhập khẩu chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể. So với hệ thống Co.opMart trên phạm vi toàn quốc thì thịt heo nhập khẩu bán ở Co.opMart Tam Kỳ không nhiều. Người tiêu dùng cần thời gian để quen dần với loại thịt heo này.

Ở các “chợ online”, thịt heo nhập khẩu được rao bán rất nhiều. Chị Hà Thị Thủy (phường Sơn Phong, TP.Hội An) cho biết, đã chọn mua gần 10kg thịt heo nhập khẩu trên chợ mạng nhưng chưa hết bức xúc.

“Tôi nghe các phương tiện thông tin đại chúng nói nước ta mới nhập nhiều thịt heo, giá lại rẻ hơn thịt trong nước nên mua về dùng thử. Tôi mua khá nhiều thịt heo nhập khẩu từ các gian hàng online nhưng không ưng ý vì chất lượng không ngon như giới thiệu. Tôi rút kinh nghiệm, chỉ mua thịt heo nội địa về dùng cho yên tâm” - chị Thủy nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thịt heo nhập khẩu được bán với giá rất chênh lệch trên thị trường, dao động đến hơn 30 nghìn/kg cho mỗi loại thịt ba chỉ hay giò heo. Các tiểu thương cho biết, thịt heo nhập khẩu có nhiều nguồn gốc nên giá rất khác nhau. Bởi vậy, có tình trạng mạnh ai nấy bán thịt heo nhập khẩu.

Xu hướng mới

Khi giá thịt heo trong nước giữ ở mức cao kéo dài, nhiều công ty, doanh nghiệp đã tăng lượng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ, Nga, Ba Lan... về bán. Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, có thể đây sẽ là xu hướng tiêu dùng mới nếu người dân ngày càng chuộng dần thịt heo nhập khẩu. Cái được lớn nhất của loại thịt này là có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm duyệt kỹ qua nhiều công đoạn, nhiều ngành chức năng. Thời gian sử dụng thịt heo đông lạnh rất dài, có thể đến 2 năm cũng là lợi thế bảo quản. Khuyến khích các siêu thị, trung tâm thương mại, tiểu thương ở các chợ truyền thống bán thịt heo nhập khẩu vì sẽ đa dạng nguồn cung, bình ổn thị trường. Người tiêu dùng sử dụng thịt heo nhập khẩu với giá rẻ nhưng được bảo đảm các quy định an toàn thực phẩm thì rất tốt. Điều quan trọng là cần thời gian để thịt heo nhập khẩu bám rễ được vào các kênh phân phối lớn, người dân dùng nhiều sẽ quen dần.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường Quảng Nam, gần đây, khi giá thịt heo trên thị trường giữ ở mức cao, chính sách nhập khẩu thịt heo lại được Chính phủ khuyến khích, nguồn hàng lại rất đa dạng từ các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước nhập thịt heo với lượng lớn về bán. Trong đó, đáng chú ý là doanh nghiệp Vissan bán thịt heo nhập khẩu với giá rẻ hơn 15% so với thịt heo nội địa. Ngoài các mối sử dụng là nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, người tiêu dùng cũng chuộng dần thịt heo nhập khẩu sau thời gian thử dùng là tín hiệu tốt.

Ông Đoàn Ngọc Sơn cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đến nay chưa có dấu hiệu gì cho thấy thị trường thịt heo nhập khẩu không ổn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục quản lý tốt các diễn biến của thị trường thịt heo nhập khẩu, góp phần bình ổn thị trường này và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Nhất thiết thịt heo nhập khẩu khi bán phải có xuất xứ cụ thể, niêm yết giá rõ ràng và còn hạn sử dụng” - ông Sơn nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thịt heo nhập khẩu: Xu hướng tiêu dùng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO