Thờ cá Ông, nét đẹp văn hóa biển

NGUYỄN QUANG 12/06/2022 05:28

Thờ cá Ông - thần Nam Hải là phong tục, tập quán, tín ngưỡng, quan niệm sống đặc sắc của các cộng đồng cư dân vùng biển Quảng Nam.

Thờ cá Ông là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng cư dân làng biển. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Thờ cá Ông là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng cư dân làng biển. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Các cộng đồng ngư dân không thể tách rời khỏi không gian biển. Họ nương tựa vào biển để sinh tồn. Nét văn hóa này vì thế truyền từ đời này sang đời khác.

Linh thiêng cá Ông

Xã đảo Tam Hải (Núi Thành) sở hữu 2 cửa biển An Hòa và Cửa Lở, phần lớn người dân theo nghề đánh bắt hải sản. Theo nghiệp biển nên lẽ tự nhiên tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây thờ tự cá Ông - thần Nam Hải.

Trong tâm thức của người dân Tam Hải, cá Ông là mảnh pháp y của Nam Hải Bồ tát quăng xuống biển để cứu ngư dân trong cơn dông tố giữa biển nên thường trực tâm thế kính cẩn.

Ở thôn Thuận An của xã có một nghĩa địa dành riêng để chôn cất hơn 500 Ông lụy vào bờ, rất trang nghiêm và linh thiêng. An táng cá Ông đã trở thành tập tục của vùng đất.

Những ngôi mộ cá Ông thành hàng thẳng tắp bên rừng dương liễu nghe mênh mang tiếng nhạc của gió và sóng biển. Nghĩa địa cá Ông ở Tam Hải đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải nói, cá Ông hay “chọn” Tam Hải để lụy sau khi hoàn thành sứ mệnh cứu người và tàu thuyền trong bão tố trên biển.

“Người dân lập nghĩa địa cá Ông để ghi ơn thần Nam Hải độ trì họ qua hoạn nạn. Khi cá Ông lụy vào bờ thì dường như là vùng đất may mắn hơn, ngư dân được mùa và an toàn” - ông Hùng nói.

Ở khắp các làng biển Quảng Nam, đâu đâu người dân cũng thờ tự cá Ông. Các lăng cá Ông được bài trí rất trang nghiêm, người dân hay hương khói, cúng bái.

Ông Hoàng Trọng Đài - ngư dân thâm niên của làng chài Phước Trạch (phường Cửa Đại, TP.Hội An) kể, có lần thấy cá Ông lụy, vì quá lớn nên phải huy động cả cộng đồng đến khiêng vác đưa vào bờ rồi tắm rượu, quấn khăn đỏ để liệm, làm lễ an táng, chôn cất đúng nghi lễ.

“Cá Ông khi lụy mang nhiều vết thương có lẽ vì đã chiến đấu với các loài thủy quái để bảo vệ sự yên bình của đại dương và bình an cho cộng đồng ngư dân” - ông Đài nói.

Đến hẹn, cứ hễ đầu năm, cộng đồng cư dân các làng biển Quảng Nam đều tổ chức lễ nghinh Ông, tế thần Nam Hải, cầu mong thần linh phù trợ ra quân sản xuất an toàn và đạt sản lượng. Đó cũng là lễ hội văn hóa của làng biển trong tiết tháng Giêng, thanh bình, an vui.

Gìn giữ, vun đắp

Ngư dân sống không thể thiếu biển, họ gắn bó với không gian sinh tồn và lưu giữ tín ngưỡng, phong tục, tập quán thờ tự cá Ông từ đời này sang đời khác, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước.

Đây cũng là nét nhân văn thể hiện tư tưởng sống của cộng đồng ngư dân là hài hòa với biển, thuận theo tự nhiên, kỳ vọng phát đạt, bền vững với nghề, nghiệp biển.

Di tích nghĩa địa cá Ông ở Tam Hải.
Di tích nghĩa địa cá Ông ở Tam Hải.

Ông Tống Quốc Hưng - Trưởng Phòng VH-TT TP.Hội An nói, địa phương luôn gắn kết sâu sắc giữa văn hóa và du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa và phát huy, lan tỏa giá trị trong du lịch.

Đã có các tour đưa du khách trong, ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng, khám phá tục lệ thờ cá Ông ở các làng biển Cẩm An, Cửa Đại, Cù Lao Chàm... Du khách thích thú, ấn tượng, lưu giữ những hình ảnh đẹp về văn hóa của cư dân làng biển.

Cộng đồng ngư dân chưa trang nghiêm tổ chức tế lễ thần Nam Hải thì chưa thể xuất quân ra biển khai thác hải sản. Nghề đánh bắt hải sản còn thì thờ tự cá Ông còn.

Rất đáng mừng khi nhiều lăng thờ cá Ông trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp được cộng đồng ngư dân góp công, góp sức xây dựng, tu sửa để có nơi thâm nghiêm thờ phượng vị thần cưu mang họ, tiếp nối, giữ gìn nét văn hóa đẹp của làng biển Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thờ cá Ông, nét đẹp văn hóa biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO