Thổ cẩm Chăm ở làng Lụa

BÙI THỊ THANH MINH 15/08/2015 08:55

Điểm nhấn thú vị khi du khách đến tham quan làng Lụa (số 28, đường Nguyễn Tất Thành, phường Tân An, TP.Hội An) là khu dệt thổ cẩm của một gia đình người Chăm.

Khu dệt thổ cẩm của người Chăm luôn thu hút du khách nước ngoài đến tham quan. Ảnh: B.T.T.M
Khu dệt thổ cẩm của người Chăm luôn thu hút du khách nước ngoài đến tham quan. Ảnh: B.T.T.M

Dạo quanh làng Lụa và dừng lại ở khu dệt thổ cẩm, chị Thiều Thị Hường, hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Để bảo tồn và giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của người Chăm, làng Lụa Hội An đã mời một gia đình người Chăm từ làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đến để vừa trực tiếp làm ra sản phẩm vừa làm khu trưng bày cho du khách xem. Ở đây, khách có thể được chạm tay vào khung dệt, trực tiếp trải nghiệm các bước dệt thổ cẩm”.

Gia đình người Chăm đang làm tại làng Lụa gồm 2 chị em gái là bà Đàn Thị Tình (67 tuổi), bà Đàn Thị Muốn (58 tuổi) cùng người anh rể là ông Quản Đầm (77 tuổi). Chị em bà Tình, bà Muốn mồ côi mẹ thuở lên 9, 10 và về ở với dì. Cả 2 chị em đều học nghề dệt thổ cẩm từ nhỏ và đến bây giờ gắn bó với nghề đã hơn 50 năm. Theo lời của 2 bà thì để làm nên một bức thổ cẩm với những hoa văn ấn tượng, người thợ cần có chỉ lụa để dệt hoa văn, chỉ coton để làm nền. Trước đây, khi chưa có những loại chỉ này thì người phụ nữ Chăm phải trồng cây bông trong nhà làm thành sợi dệt. Từ một cây bông phải trải qua rất nhiều bước công phu như tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm nước ấm đến dập rồi nhuộm, chải… Màu để nhuộm thổ cẩm là màu sắc làm từ thiên nhiên. Nền đen của thổ cẩm được nhuộm từ lá chum bầu, rồi ngâm trong bùn non liên tục trong 1 tuần; màu xanh nhuộm từ màu của lá và vỏ cây chàm; màu đỏ là màu của mủ cây cánh kiến trong rừng… Một bức thổ cẩm có thể dệt từ khung dệt dài hoặc khung dệt ngắn. Khung dệt dài còn có thêm những mảnh san hô được tìm ở biển. Khi dệt, phải đồng thời kéo di chuyển những mảnh san hô và dùng chân đạp dây bên dưới để thay đổi vị trí của sợi tơ, tạo ra những hoa văn thổ cẩm khác nhau. Mỗi tháng, bà Tình, bà Muốn có thể dệt được khoảng 9 - 10 tấm thổ cẩm. Sản phẩm các bà làm ra tại làng Lụa chủ yếu là các loại vải thổ cẩm. Còn những loại sản phẩm khác như ví cầm tay, túi xách, khăn quàng cổ… thì được lấy từ làng dệt thổ cẩm ở Ninh Thuận về để bày bán.

Bà Muốn cho biết, trong gia đình của một người Chăm, những đứa trẻ được học dệt thổ cẩm từ rất sớm. Những đứa trẻ phải được học cách chuẩn bị suốt chỉ, con thoi trong thời gian đầu, sau đó mới bắt tay vào dệt. Theo bà Muốn, đã nhiều lần bà được mời đi dạy lớp học dệt thổ cẩm ở các nơi khác nhưng dạy xong hầu như không ai có thể nhớ hết và làm được. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, khéo léo và sáng tạo mới mong làm ra sản phẩm như ý.

Một du khách đến từ New Zealand, ông Bernard Banks cho biết: “Tôi rất khâm phục những người thợ dệt thổ cẩm ở đây. Có vẻ như công việc dệt thổ cẩm rất khó khăn, bắt buộc phải cử động rất nhiều, rất lâu mới làm ra sản phẩm. Đây là những sản phẩm ấn tượng mà chúng tôi chưa bao giờ được nhìn thấy trước đây. Chúng tôi thật sự cảm thấy rất thích thú”.

BÙI THỊ THANH MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thổ cẩm Chăm ở làng Lụa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO