Sự nỗ lực của hai nhà thiết kế người Bỉ là Aldegonde van Alsenoy và Nele de Block đã mở ra cơ hội cho thổ cẩm bản địa Cơ Tu tiếp cận thị trường châu Âu tại triển lãm Galerie Hilde Metz (Antwerp, Bỉ) trong tháng 5 vừa qua.
Khởi đầu thương hiệu CO’TU,RE
Aldegonde van Alsenoy cho biết, đây không phải lần đầu tiên những sản phẩm Cơ Tu có mặt tại châu Âu. Nhiều năm gắn bó với những phụ nữ Cơ Tu tại Tổ hợp dệt thổ cẩm Đhrôồng (Đông Giang) trong vai trò giáo viên dạy dệt thổ cẩm, Aldegonde van Alsenoy đã thiết kế 18 mẫu sản phẩm thổ cẩm độc quyền Cotu yaya và đã từng đem thổ cẩm Cơ Tu về tiêu thụ ở Bỉ. Sự yêu mến của khách hàng ở châu Âu về dòng sản phẩm dệt thủ công này đã manh nha ý tưởng của nhà thiết kế về sự ra đời của thương hiệu thời trang CO’TU,RE.
Nele de Block là người cộng sự đắc lực của Aldegonde trong suốt quá trình hình thành và phát triển CO’TU,RE. Mặc dù hiện tại Nele định cư ở Bồ Đào Nha, còn Aldegonde đang sinh sống tại Hội An nhưng họ đã có thời gian lâu dài hợp tác trong công việc. Trước đó, hai nhà thiết kế này được biết đến với thương hiệu BETET SKARA ra đời vào năm 1998 - chuyên sản xuất những tấm vải dệt tay dựa trên phương pháp truyền thống của người At-xi-ri, vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Sản phẩm này chuyên cung cấp dịch vụ cho những công ty thời trang và thiết kế ở châu Âu. Aldegonde là người sáng lập BETET SKARA và Nele hợp tác trong vai trò giám đốc mỹ thuật. Sau một chuyến du lịch ngắn ngủi đến Việt Nam vào năm 2004, quyết định định cư tại Việt Nam của Aldegonde là sự mở đầu đầy bất ngờ cho sự nghiệp thiết kế của cô trong mối dây liên hệ mật thiết với những phụ nữ Cơ Tu tại Đông Giang.
Nhà thiết kế Nele de Block làm việc tại Đông Giang. Ảnh: Đ.P |
Năm 2012, Nele sang Việt Nam và chuyến đi khảo sát thực địa lần này tại Đông Giang đã tăng thêm quyết tâm cho nhà thiết kế về sự ra đời của CO’TU,RE. Sự chuyên nghiệp của những người thợ dệt thổ cẩm Cơ Tu qua khóa huấn luyện nâng cao kỹ năng dệt thổ cẩm hỗ trợ bởi Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dưới sự phụ trách trực tiếp của Aldegonde trong hơn 1 năm, đã tạo ra cơ sở vững chắc để những phụ nữ bản địa có thể tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của mẫu thiết kế chuyên nghiệp theo đúng những yêu cầu về kích thước, màu sắc, họa tiết trang trí…
Cơ hội của thổ cẩm Cơ Tu
Mỗi mẫu thiết kế dệt tay trong bộ sưu tập thời trang CO’TU,RE là một sản phẩm nguyên mẫu được thiết kế theo một bản vẽ duy nhất. Đặc biệt hơn, với khách hàng châu Âu, những mặt hàng thủ công bao giờ cũng được đánh giá cao về giá trị sản phẩm. Trên chất liệu truyền thống của thổ cẩm Cơ Tu, hai nhà thiết kế đã biến tấu bộ sưu tập thời trang CO’TU,RE theo xu hướng hiện đại. Aldegonde cho biết, điểm nhấn của họa tiết trang trí kết cườm truyền thống trên thổ cẩm của người Cơ Tu đã tạo nên những biểu tượng trừu tượng, lạ mắt, gây cảm xúc mạnh cho bộ sưu tập này. Hơn 125 mẫu thiết kế thổ cẩm Cơ Tu độc quyền đã được thực hiện để tạo nên bộ sưu tập ban đầu, gồm các mẫu áo khoác, áo chui đầu, áo ghi lê, áo đầm, khăn quàng cổ và túi xách, phụ liệu đi kèm… Toàn bộ công đoạn tạo nên sản phẩm được hoàn thiện ngay tại Việt Nam. Các bộ trang phục kết hợp bởi thổ cẩm cùng các chất liệu khác như vải lanh, lụa, da… và được hoàn thiện bởi các thợ may tại Hội An.
Việc CO’TU,RE được triển lãm tại châu Âu đã tạo thêm động lực cho những thợ dệt Cơ Tu. Niềm vui đơn giản của họ chỉ là từ những mẫu đặt hàng của Aldegonde và Nele, họ có thêm số tiền thu nhập hằng tháng để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Thế nhưng, mối quan tâm hàng đầu mà hai nhà thiết kế hướng đến là việc tạo ra một nhãn hiệu thiết kế mang tính bền vững và công bằng với chính những phụ nữ Cơ Tu. Với Aldegonde, những người thợ dệt Cơ Tu còn là những người bạn gắn bó nhiều năm, đầy quý mến và tin tưởng. Tại gian phòng triển lãm Galerie Hilde Metz ở Bỉ không chỉ có thời trang CO’TU,RE được trưng bày, mà các nhà thiết kế còn cất công đem từ Việt Nam sang châu Âu hình ảnh các chị em ở Tổ hợp dệt thổ cẩm Đhrôồng - người trực tiếp làm nên vẻ đẹp của CO’TU,RE. Những chiếc khung dệt vải đơn sơ bằng tre gỗ của người Cơ Tu, những chiếc gùi, giỏ bằng mây, những bức tượng điêu khắc trang trí của gươl… là sản phẩm để giới thiệu đến du khách vẻ đẹp, sự độc đáo của văn hóa Cơ Tu.
Thời trang CO’TU,RE hiện đã được Nele tiếp tục mở rộng từ thị trường Bỉ sang Bồ Đào Nha. Chỉ chưa đầy một tháng ra mắt, 80% sản phẩm đã được bán, đó là một tín hiệu vui cho cơ hội của CO’TU,RE tại thị trường châu Âu. Nói về tương lai cho sự phát triển của CO’TU,RE, Aldegonde và Nele cho biết nếu việc kinh doanh tại châu Âu “thuận buồm xuôi gió”, sự mở rộng thêm những tổ hợp sản xuất thổ cẩm là điều cần thiết phải làm. Và họ sẽ vô cùng hạnh phúc nếu giấc mơ của những phụ nữ Cơ Tu có thể cải thiện đời sống dựa vào việc bảo tồn nghề thủ công truyền thống lâu đời được trở thành hiện thực.
ĐÔNG PHƯƠNG