Thơ cho ngày trở lại

HỨA XUYÊN HUỲNH 13/08/2023 07:59

Từng có nhà thơ “vịn câu thơ mà đứng dậy” trong những phút ngã lòng và cũng có nhiều văn nghệ sĩ đã nương theo câu thơ để trở về với quê hương xứ sở một cách trọn vẹn…

Từ đồi Vọng Cảnh, nhìn về phía tả ngạn sông Hương. Ảnh: H.X.H
Từ đồi Vọng Cảnh, nhìn về phía tả ngạn sông Hương. Ảnh: H.X.H

“Đọc cho tổ tiên nghe”

Đúng nửa thế kỷ trước, vào một ngày nào đó của năm 1973 sau khi Hiệp định Paris ký kết, tại địa phận làng An Tiêm vùng đất lửa Quảng Trị, có người gặp nhà thơ Vĩnh Mai với “dáng người cao lênh khênh, áo xanh công nhân” đang xăm xăm bước tới.

Nhà thơ Vĩnh Mai, gốc Quảng Trị, tác giả bài thơ “Nhớ Hoài” viết từ năm 1947 và được người yêu thơ đọc cho nhau nghe bên bếp lửa rừng từ thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Lúc viết “Nhớ Hoài”, ông đang giữ chức Bí thư Thành ủy Huế.

Bài thơ này được cho là có “thi pháp” hoàn toàn khác lạ. “Tau nhớ mãi dáng người mi mạnh khỏe/ Bước mi đi chắc nịch như trâu tơ…” (Nhớ Hoài). Cứ “mi tau mi tau”, cứ giọng “nhà quê” đặc sệt tỉnh bơ như không… Nhưng giọng thơ ấy lại có sức hấp dẫn riêng và được nhiều người xếp đứng chung với những bài quen thuộc như “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung…

Thế rồi, trong lần gặp gỡ tình cờ năm 1973 ở vùng đất “giống y như đất trên mặt trăng” vì chi chít hố bom, nứt nẻ trần trụi không một bóng cây, nhà thơ Vĩnh Mai có xách theo một túi xắc. Trong túi xắc ấy đựng đầy bản thảo thơ chưa in. Khi ấy, Vĩnh Mai tiết lộ ông đi mấy chục năm nay về làng chỉ có chừng ấy thơ, để “đọc cho tổ tiên nghe”…

Vĩnh Mai, người từng là học sinh của trường Khải Định, học rất giỏi, thi tú tài chung với Tây và cả miền Trung mà đỗ thứ nhì. Người đỗ đầu, Trần Quỳnh, sau này cùng hoạt động cách mạng như Vĩnh Mai. Nhà hoạt động cách mạng Vĩnh Mai đã đi khỏi làng như thế đó, với thơ và quay về làng cũng với thơ. Túi thơ ông mang về không chỉ như một lời hẹn hò cùng xứ sở, mà tâm tư còn đau đáu gấp bội: muốn đọc cho tổ tiên nghe.

Người gặp nhà thơ Vĩnh Mai tại vùng đất lửa Quảng Trị đúng nửa thế kỷ trước, là ai?

Đích thị nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và ông kể lại câu chuyện này trong một bài nhàn đàm viết cách đây ngót phần tư thế kỷ. Lần gặp ấy, khi biết người đối diện là Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Vĩnh Mai đã ôm chầm lấy, rồi lùi lại, đứng nhìn đăm đăm, mặc cho những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt cương nghị, lã chã rơi xuống và khô ngay trên mặt đất nóng bỏng.

“Về chơi với cỏ”

Nửa thế kỷ sau, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng vợ (nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ) rời TP.Hồ Chí Minh, “về” lại xứ Huế. Di cốt của vợ chồng văn nhân này vừa an táng đầu tháng 8 tại nghĩa trang ở phía tả ngạn sông Hương, cách sông khoảng 2km đường chim bay. Bờ bên kia sông là đồi Vọng Cảnh.

Với nhiều người, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa thong dong “về chơi với cỏ”, đúng như tên bài thơ ông viết, với những câu đã nằm sâu trong trí nhớ người yêu thơ: “Thưa rằng người đã quên tôi/ Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may”, “Cảm ơn người trái đào tiên/ Tôi về lãng đãng nơi miền cỏ gai”, “Mai kia rồi cũng xa người/ Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa”…

Không nhiều bài thơ được tạp chí Sông Hương chọn đăng trong chuyên đề hồi đầu năm 2016 “Hoàng Phủ Ngọc Tường - một cách lập ngôn về văn hóa Huế”, nhân dịp nhà văn vừa bước qua tuổi 78. “Về chơi với cỏ” là một trong số những bài thơ ít ỏi đó. Nay thì ông “về chơi với cỏ” thật, dừng lại cuộc chơi nơi trần thế ở tuổi 87.

Tôi nằm trong số những người thi thoảng tìm thấy ở tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường một gợi ý thú vị nào đó về đề tài, một hình ảnh sinh động bất ngờ nào đó trong lối diễn đạt... Và bây giờ, những địa danh quen thuộc xứ Huế lại gợi trong tôi về một chỗ yên nằm của con người từng được vinh danh “lập ngôn về văn hóa Huế”.

Còn nhớ, đầu xuân năm ngoái, tôi lên đồi Vọng Cảnh, hướng mắt về phía tả ngạn, “lục” lại trong trí nhớ những đoạn bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường để thêm một lần kinh ngạc trước bút lực của ông trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Ông từng nhìn ra, từ ngã ba Tuần về đến đây, sông Hương như “đi trong dư vang của Trường Sơn”. Khi vượt qua vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản, sông xanh thẳm mềm mại trôi giữa hai dãy đồi sừng sững với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo…

“Từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi”, chỉ câu văn này thôi trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” mà suốt buổi sáng mùa xuân hôm ấy tôi cứ nấn ná mãi. Để đón những con thuyền từ thượng nguồn xuôi về. Để chờ thêm chuyến đò ngang nối bến Than ở bờ nam với điện Hòn Chén bờ bắc.

Lần ấy, khi thấy con đò vắt ngang sông có lẽ đưa khách du xuân, tôi liền hình dung về những dòng kẽ trên khuông nhạc, để nhắc nhớ rằng “Dòng sông La thứ” ấy mới vừa rời ngã ba Tuần thôi, như đang còn dò tìm “cao độ”, vẫn đang cong vòng dưới chân đồi…

Giờ đây, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường theo về xứ Huế cùng những vần thơ ông viết, nơi có khung trời cỏ hoa, có ngọn đồi cỏ may, có miền cỏ gai... Và xa xa, có cả quãng sông sắp “đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ” như ông từng mô tả.

*
*          *

“Khi tôi chết/ nhớ chôn tôi với cây đàn ghi ta/ dưới cát…”. Mấy câu thơ của chàng nghệ sĩ Tây Ban Nha, Federico García Lorca, đã từng gợi niềm cảm hứng mới trong thơ Thanh Thảo (Không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ mọc hoang) hay vang lên trong nhạc Thanh Tùng (Lorca Gascia/ Anh đã chết với cây đàn ghi ta (…)/ Lorca Gascia/ Anh sống mãi với cây đàn ghi ta).

Ngày Federico García Lorca bị giết chết bởi kẻ độc tài Franco hồi tháng 8/1936, không ai kể thêm cho chúng ta nghe liệu có cây đàn ghi ta nào được chôn theo người nghệ sĩ ấy. Chỉ thấy sót lại những vần thơ ngắn, đủ gây cảm hứng mới trong thơ nhạc.

Với văn nghệ sĩ, không phải ai cũng sống toàn vẹn như những gì mình khao khát, mình từng thể hiện qua từng trang viết, kể cả khi chỉ một đôi lần tình cờ phô diễn cảm xúc... Vậy nên, những ai được nương theo ý thơ ý nhạc để trở về, thì lần-trở-về ấy còn hơn cả niềm hạnh ngộ với quê hương xứ sở.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thơ cho ngày trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO