Người Việt nói chung và người Quảng nói riêng từ xưa đều luôn thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Do đó việc thờ phụng, cúng kỵ là việc người sống tỏ lòng thành kính, là nghĩa vụ quan trọng của các lớp con cháu đối với những người đã khuất cũng như với các Thánh thần, Trời, Phật. “Dương sao, âm vậy”. Người chết cũng có cuộc sống ở cõi âm như của con người trên trần thế, cũng cần ăn mặc, tiêu dùng, mua sắm, có nhà cửa như người sống. Linh hồn ông bà luôn ngự trị trên bàn thờ để phù hộ con cháu, theo dõi cuộc sống hàng ngày của con cháu. Do vậy, người Việt dù nghèo khó đến đâu cũng đều tỏ lòng hiếu kính, lập bàn thờ để thờ cúng. Theo mô tả của các nhà nghiên cứu, bàn thờ tổ tiên thường có hai cấp: cấp cao ở trên (bắt buộc phải có) để thờ ngũ tự gia đường, thờ binh khí của gia đình gọi là tran, với một bát hương và hai chân đèn hai bên. Cấp dưới là tủ thờ ông bà tổ tiên. Người lớn nhất có một bát hương ở giữa, những người khác có những bát hương tiếp theo ở hai bên, sau bát hương là bài vị hoặc di ảnh. Thường trên tủ thờ ông bà tổ tiên có hai đĩa lớn đặt ngũ quả, những nải chuối đẹp và một bộ lư hương, chân đèn lớn bằng đồng (gọi là tam sự) phía trước; ngoài ra còn có các cốc đựng nước lã, bình đốt trầm bên cạnh.
Người dân Quảng Nam tâm niệm rằng khi cúng ông bà, tổ tiên thì những vị ấy chỉ hưởng “phần hơi” của lễ vật, còn phần vật chất cụ thể là để cho con cháu. Vì vậy, những ngày kỵ giỗ cũng là dịp con cháu nội ngoại tề tựu đông đủ như một liên hoan để ôn những kỷ niệm về người quá cố và tạo tình cảm đoàn kết, thương yêu lẫn nhau. Ngoài ngày kỵ nhật, lễ cúng ông bà còn được tổ chức nhân ngày chạp mả hay Thanh minh từ tháng mười âm lịch đến tháng ba âm lịch năm sau, tùy theo địa phương, nhưng phần lớn là trong thời gian việc nhà nông đã rỗi. Vào các dịp lễ tết, còn có việc cúng rước (30 Tết) và đưa ông bà (mùng 9), cúng đất, cúng tất niên (khoảng 23 tháng Chạp)… Ảnh hưởng của Phật giáo cũng tạo cho nhiều người thắp hương tưởng nhớ ông bà vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng. Lễ vật cúng và thức ăn thường được chế biến tại nhà và do con cháu đóng góp.
Ngoài việc thờ cúng trong nhà, người Quảng còn có các lễ cúng xóm vào dịp cuối Chạp hay đầu mùa xuân kèm các thủ tục trang trọng như chiêng trống, văn tế để cầu quốc thái dân an, làng xóm thanh bình và vọng tưởng những nghĩa sĩ, âm linh đã ngã xuống ở địa phương trong quá khứ. Đây cũng là dịp dân làng có dịp ôn lại một năm làm ăn sinh sống ra sao và thăm hỏi nhau, tạo ra không khi đầm ấm của tình làng nghĩa xóm…
Tại Hội An, người gốc Hoa, ngoài thờ cúng ông bà tổ tiên, còn có tập quán thờ cúng mang dấu ấn cư dân vùng biển Nam Trung Hoa, với việc thờ các thần như Thiên hậu thánh mẫu, Phục Ba tướng quân như những thần hộ mệnh đã giúp họ vượt qua bão tố. Người gốc Hoa còn thờ Quan Công, Sanh Thai tiên nương, Lục tánh vương gia để cầu phúc mua may bán đắt, thuận buồm xuôi gió. Riêng ngày mùng 2 tháng hai âm lịch, người Hoa tại Hội An còn có lễ cúng thần tài tổ chức tại hội quán Phúc Kiến với nhiều lễ vật như vàng bạc, tiền giấy, rượu, tam sên (cua, trứng luộc và thịt heo luộc). Người Hoa cũng thờ cúng thần tài ngay dưới đất, trước bàn thờ trong nhà.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG (tổng hợp)