Trong lịch sử, đất nước ta đánh giặc cũng cừ mà làm thơ cũng giỏi. Ta nhớ ba lần chống quân Nguyên Mông, sau khi đánh tan quân giặc ngoại xâm vua tôi nhà Trần ca khúc khải hoàn, cảm khái: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Trần Nhân Tông); hay, Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san (Trần Quang Khải) v.v. Làm thơ thể hiện cái chí khí chất ngất của dân tộc quật cường! Còn thời nay có người ví von: Thời chiến tranh ra ngõ gặp anh hùng; thời bình ra đường gặp nhà thơ…
Sông quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tôi chưa có một con số thống kê, là mỗi năm cả nước có bao nhiêu tập thơ được xuất bản? Bạn tôi nhà thơ H.Man là biên tập cho NXB Văn học có nói, phần lớn bản thảo gửi xin giấy phép nằm trên bàn là thơ và thơ... Và Hội VHNT Quảng Nam tổng kết mỗi năm giới thiệu tác giả - tác phẩm gần 5 nhà thơ; chưa kể số lượng tác giả thơ trong tỉnh tự xuất bản. Áng chừng mỗi năm mỗi tỉnh có khoảng 10 quyển thơ thì gộp 63 tỉnh thành ít nhất cũng có trên 500 tác phẩm ra đời rồi. Chợt nhớ năm xưa vợ tôi được các chị lớp trên giao nhiệm vụ biên tập để có một tập san chào mừng 50 năm thành lập trường, bài gửi về ban đầu cũng chỉ thấy thơ và thơ. Hay có tập thơ của tác giả gửi tặng, ông/bà “nhà thơ” một mực khẩn khoản nhờ cậy đăng vài ba bài để giới thiệu trên báo và biên tập viên đọc “mờ mắt” cũng chẳng tìm ra được bài nào hay!
Tôi đọc lại Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, và thấy ông nói: Có bạn hỏi tôi: “Thi sĩ đâu mà lắm thế? Mới mười năm mà trên bốn chục người!”… Vậy nước ta có bao nhiêu thi sĩ? 40.000 hay 400.000? 4.000 người có thơ đăng báo in sách, chừng 40 người có trích trong quyển này, và may mắn ra 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế!”. Hồi ấy ta có thể cho rằng nhà phê bình Hoài Thanh hơi “cường điệu” vấn đề. Nhưng bây giờ ngẫm lại không có gì là quá cả!
Có nhiều người nghĩ làm thơ thì dễ. Chỉ cần ngân nga vài câu vần vè, đúng vần đúng điệu là đủ. Hay chơi trò sắp đặt, chọn chữ đặt lời, gieo vần bí hiểm, vắt óc người đọc này kia… mới là thơ! Thật ra đến giờ chưa có một định nghĩa nào về thơ toàn vẹn cả. Trong Mấy ý nghĩ về thơ Nguyễn Đình Thi cũng chung chung: “không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ”…
Vậy để thẩm định cho một câu thơ, một bài thơ hay thì như thế nào? Ta biết Bùi Giáng nổi tiếng làm thơ rất nhanh và dễ dàng như lấy đồ chơi trong túi ra; tin chắc rằng không ai dám chê mấy câu thơ này: “Em ơi em đẹp vô cùng/ Vì em có cái lạ lùng ở trong/ Em ơi em đẹp vô song/ Vì em có cái bên trong lạ lùng”. Tưởng bông lơn nhưng đầy ý nhị! Hay trong ca dao: Đêm qua trời sáng trăng rằm/ Anh đi qua cửa, em nằm không yên…Tưởng nôm na nhưng cũng đầy thi vị. Còn Phạm Công Thiện chỉ 2 câu thơ thôi, nếu luận bình sẽ tốn không ít giấy mực: Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông…
Thơ hay: vì có sự bùng nổ, vì đánh trúng vào trái tim, vì một khám phá chấn động, vì cái đẹp v.v. Tôi nghĩ tiêu chí của Hoài Thanh như ông nói: “Một đời làm văn tôi chỉ tìm cái hay cái đẹp để bình” và thế nào ông cũng tường minh câu chuyện: Có bạn đọc hỏi: Thế nào là một tác phẩm giá trị? Tác phẩm giá trị, là nó tiềm ẩn “Cái Đẹp”. Vậy thế nào là “Cái Đẹp”? Nhà hiền triết Socrates điềm nhiên trả lời: “Cái Đẹp là cái bổ ích”… Vậy đó, để thai nghén một tác phẩm người viết cũng chỉ vì cái đẹp mang giá trị muôn đời! Thi nhân Việt Nam ra đời cách đây gần 75 năm và tác phẩm đã “đóng triện” từng chân dung thi nhân Việt Nam, đến nay nhìn lại đều mang sức sống và tầm vóc! Ấy là vì thơ hay vậy.
ĐÌNH QUÂN