Có một loại nghề gọi là nghề... đi họp, vì thế có loại thợ là thợ họp. Cách đây khoảng trăm năm nghề này đã hình thành một cách chuyên nghiệp. Không thế thì làm sao có bài thơ “Những người loạn họp” nổi tiếng của Maiakovsky (19.7.1893- 14.4.1930). Bài thơ này mô tả:
“Một ngày
Chúng tôi
Họp hai chục bận
Họ phải đi hai cuộc họp một lần
Biết tính sao đành cắt đôi thân
Ở đây một nửa tới ngang hông
Còn nửa kia
Đi họp hành nơi khác”...
Cả thế kỷ đã trôi qua nhưng chuyện loạn họp vẫn còn đây đó. Loại họp, cách thức họp, nội dung họp,... tùy theo thời điểm và đối tượng mà tăng cấp nhiều hay ít. Này nhé, đầu năm họp triển khai, giữa năm họp sơ kết, cuối năm họp tổng kết; gặp việc phải họp bàn, bàn không xong họp tiếp; người họp vắng lần này tổ chức họp lần khác; họp cơ sở chưa xong lên trên họp để quyết; chủ trương nào đưa ra là phải họp quán triệt... Họp còn mang tên khác là hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt.
Muôn nghìn kiểu họp làm tốn thời gian đã đành mà còn tốn tiền. Mươi năm trước có người ước tính cả nước mỗi ngày tổ chức hơn 3 nghìn cuộc họp lớn nhỏ, với chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng, bây giờ chưa ai thống kê nhưng có lẽ không ít hơn mà còn tăng nữa. Nói đâu xa, ở TP. Hồ Chí Minh, theo một sở nọ báo cáo, chỉ trong 7 tháng, lãnh đạo của sở phải dự 2 nghìn cuộc họp, bình quân mỗi người dự 3 - 4 cuộc/ngày chưa kể họp đột xuất phát sinh. Nhiều cơ quan họp liên miên nên có khi thiếu phòng họp phải đi thuê chỗ khác, kéo theo dịch vụ cho thuê phòng họp nở rộ. Họp nhiều đến nỗi có người phải kêu lên thế là “thợ họp” chứ làm lãnh đạo gì nữa. Và có chuyện hài nhưng phần nào cũng phản ánh thực tế rằng có ông cán bộ về hưu mỗi sáng vẫn mang giày, xách cặp chuẩn bị đi, vì thói quen hồi đương chức từng là “thợ họp”.
Họp nhiều tốn tiền Nhà nước (thực ra là tốn tiền thuế của dân), lại khiến cán bộ không còn thời gian đi cơ sở. Một số đơn vị hàng ngày phải giải quyết công việc của dân cũng đâm ra chậm trễ, có hồ sơ thủ tục đi lại nhiều lần mới có chữ ký của lãnh đạo. Lãnh đạo đang họp mà tranh thủ ký hồ sơ thì có thời gian đâu để nghiên cứu, xem xét kỹ, nên khi xảy ra “lỗi thằng đánh máy” làm bẽ mặt, phải dở khóc dở cười.
Đi kèm với vấn nạn họp hành nhiều là văn bản giấy tờ báo cáo, thông báo, kết luận. Để chuẩn bị nội dung họp thường phải làm các báo cáo, phát thông báo mời họp, tổng hợp các ý kiến góp ý, ghi biên bản, ra kết luận... Vì vậy, cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính nhà nước mất rất nhiều thời gian để làm báo cáo. Theo khảo sát của Văn phòng Chính phủ, ở cấp bộ mất 25,4% thời gian hành chính để làm báo cáo, còn ở địa phương là 26,12%; và mỗi năm trên toàn quốc các cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện tới khoảng 2 triệu báo cáo (!).
Dù có giải thích với nguyên nhân, lý do nào, thì việc họp hành và làm báo cáo quá nhiều cũng phản ánh thực trạng công cuộc cải cách hành chính chưa hiệu quả. Họp nhiều chứng tỏ rằng cái gọi là “chính quyền điện tử” còn nằm trên giấy, hoặc có thực thi nhưng không đạt như mong muốn. Bởi ngày nay những giải pháp công nghệ như thư điện tử, các ứng dụng kết nối qua mạng trực tuyến đã có mà cán bộ chưa thích ứng hoặc chưa dùng. Họp nhiều cũng phản ánh trình độ của cán bộ và chất lượng của điều hành quản lý chưa cao, vì nếu cán bộ có năng lực ra quyết định đúng với chức trách nhiệm vụ được giao hà cớ gì phải họp bàn đi bàn lại.
Không thể ngày một ngày hai “thanh toán” hết nạn “loạn họp” như Maiakovsky - “lá cờ đầu của thơ ca Tháng Mười” mong đợi:
Tôi đón ban mai với một ước mơ:
“Ôi ước sao
Được họp thêm một cuộc
Để tìm phương thanh toán
Các cuộc họp trên đời”.
Vậy bây giờ có thể phải tổ chức một... cuộc họp để bàn giải pháp giảm họp. Hay các địa phương cần làm như TP.Hồ Chí Minh, quyết định lập ban biên soạn đề án“Chế độ hội họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” theo hướng giảm họp hành.
ĐĂNG QUANG