Thơ mới và phong trào Duy tân

LÊ THÍ 05/03/2023 10:42

Nói “thơ mới” là một trong những “sản phẩm” của phong trào Duy tân có thể bị phản đối. Nhưng không phải là không có căn cứ!

Chân dung nhà thơ Phan Khôi và bìa tập sách “Phong trào Duy tân” của học giả Nguyễn Văn Xuân.
Nhà thơ Phan Khôi

“Tình già” và “Cái ngày ấy”

Trên số báo xuân năm 1932 của báo Đông Tây, sau đó không lâu trên báo Phụ nữ Tân văn số 122 ngày 10/3/1932 bài thơ “Tình già” của Phan Khôi xuất hiện cùng với bài giới thiệu mang tên “Một lối Thơ mới trình chánh giữa làng thơ” đã có tiếng vang mạnh mẽ, được xem là bài thơ và ngày mở đầu cho phong trào Thơ mới. Đến năm 1941, với sự thắng thế của lối Thơ mới điều này lại càng được khẳng định và đã khép lại mấy trăm năm thống lĩnh của Đường thi.

Trên Dân báo số 127 ngày 23/7/1941 chính Phan Khôi đã khẳng định: “Tôi là người đề xướng ra thơ mới, vì bài “Tình già” của tôi ra đầu hết. Nếu lui một bước, tôi không nhận lấy cái danh người đề xướng thì ít nữa tôi cũng là một trong những người đề xướng Thơ mới”. Qua dẫn chứng trên đủ để chúng ta khẳng định Phan Khôi chính là người mở đầu cho thơ mới. Chắc đến độ có thời người ta gọi “Thơ mới” là “Thơ Phan Khôi”.

Bìa tập sách “Phong trào Duy tân” của học giả Nguyễn Văn Xuân.
Bìa tập sách “Phong trào Duy tân” của học giả Nguyễn Văn Xuân.

 Với tinh thần phản biện Quảng Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân trong tác phẩm kinh điển của mình (Phong trào Duy tân, NXB Đà Nẵng, 1995) đã cho rằng thơ mới xuất hiện trong thời kỳ phong trào Duy tân (1904 - 1908). Và ông đã dẫn chứng bằng bài thơ “Cái ngày ấy” của Huỳnh Thúc Kháng. Sau này vào năm 1932, Phan Khôi - một người của phong trào, tiếp nối thể thức thơ ca này với bài “Tình già”.

Bài thơ “Cái ngày ấy” gồm 13 câu là hợp thể giữa hai thể song thất lục bát và hát nói: “Cái ngày ấy ai cầm lại đặng?/ Chẳng khác gì sóng lặn ngàn dâu/ Trải qua ngày tháng bao lâu/ Kìa đầu tóc bạc đổi đầu tóc xanh/ Nay nói với các anh ham học/ Chữ lợi quyền ngang dọc cả năm châu/ Này là Úc, này là Á, này là Âu/ Trong thế giới đâu đâu cũng vậy/ Núi non vậy, hải hà cũng vậy/ Ráng sức mình vùng vẫy thử coi chơi/ Một mai thuyền nọ xa vời/ Đò đưa đến bến thảnh thơi nhiều ngày/ Đố ai không học mà hay!”.

Mặc dù, với sự dè dặt và khiêm tốn vốn có ông nói “Tôi nói đây chính là một bài thơ mới của 1905 - 1906 chắc cũng không phải quá sai”. Nhưng nhận định của ông hoàn toàn có cơ sở. Xét về lý luận, Nguyễn Văn Xuân cho rằng phong trào Duy tân dùng thơ ca để tranh đấu, để tuyên truyền. Vì vậy để chuyển tải nội dung mới cần có hình thức thi ca mới.

“Các sĩ phu còn chăm chú tìm kiếm những thể thơ nào có thể diễn tả được cái nội dung và những cảm nghĩ mới”. Xét về mặt cấu trúc hình thức thể thơ: Bài thơ “Cái ngày ấy” là sự kết hợp giữa hai thể thơ song thất lục bát và hát nói với một số cách tân. “Nó bao gồm các thể thích hợp cho giọng điệu, tư tưởng, tình cảm mới và nhất là không phải để xem mà còn để nói, để đọc, để truyền những rung cảm cho đối tượng bằng phương thức mới”...

Qua lý giải ở trên ta thấy bài “Cái ngày ấy” là hoàn toàn mới về mục đích cũng như thể loại với nhiều sự cách tân. Vì thế chúng ta có thể yên tâm mà đồng tình với nhận định của Nguyễn Văn Xuân.

Thơ mới và phong trào Duy Tân

Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi đều là những người của phong trào Duy tân. Huỳnh Thúc Kháng thì đã rõ nhưng Phan Khôi thì lại khác.

Lâu nay khi nói về Phan Khôi người ta thường nhắc đến ông như là người khai sáng cho Thơ mới, người đầu tiên dịch Kinh thánh, vị “ngự sử” trên văn đàn, người châm ngòi cho hầu hết cuộc bút chiến… và cả là “nhân vật” của “Nhân văn giai phẩm” nhưng ít người nhắc đến ông như một nhân vật của phong trào Duy tân.

Thực tế, ông là nhà Duy tân từ đầu tới cuối, từ tư tưởng đến hành động. Ông là người đầu tiên từ bỏ khoa cử Nho học, phản đối Nho học đến cùng. Ông từng ký vào đơn kiện quan trường của khoa thi Hương năm Bính Ngọ 1906 và không thèm đi thi dù được đánh giá là “Một trong hai tiến sĩ tương lai của Quảng Nam”.

Phan Khôi cũng là người đầu tiên theo lời khuyên của Phan Châu Trinh cắt phăng búi tóc củ hành, từ giã cuộc đời của nhà Nho để làm nhà Duy tân vào năm 1906. Ông từng khăn gói ra tận Hà Nội để học ở Trường Đông Kinh nghĩa thục; từng bị bắt và giam ở nhà lao Hội An suốt ba năm từ 1908 đến 1911 sau vụ kháng thuế cự sưu long trời lở đất ở Quảng Nam vào năm 1908.

Phan Khôi cũng là người từng bỏ việc làm ở Hà Nội vào Sài Gòn để viết quyển sách giới thiệu về cuộc đời và chủ trương của Phan Châu Trinh khi cụ Phan từ Pháp trở về Việt Nam và khi cụ qua đời đã đưa thi hài cụ về quàn ở Bá Huê lầu và viết lời hiệu triệu gửi toàn dân góp phần làm cho đám tang của cụ trở thành một “Big Bang của lòng yêu nước”.

Không nhắc Phan Khôi là một nhà Duy tân thì không thể thấy được mối quan hệ giữa Thơ mới và Phong trào Duy tân.

Bài “Tình già” mà Phan Khôi công bố vào năm 1932 có lẽ bắt nguồn từ chủ trương của phong trào Duy tân từ năm 1905, 1906 nhằm “diễn tả được cái nội dung và những cảm nghĩ mới”… Khi đồng tình với Nguyễn Văn Xuân về nhận định bài thơ “Cái ngày ấy” là một bài thơ mới không nhằm gạt Phan Khôi ra khỏi vị trí “người đề xướng” Thơ mới mà chỉ muốn lưu ý một điều “Tình già” là sản phẩm của “hậu Duy tân”. Nhân vật năng động nhất, phản biện nhất của phong trào Duy tân đã được “thời thế” chọn thay mặt phong trào tiếp tục thông báo chủ trương Đổi mới của phong trào, thông qua đổi mới thơ ca.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thơ mới và phong trào Duy tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO