Mặc dù UBND tỉnh đã ra “tối hậu thư” cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng nguyên vật liệu bắt buộc phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng đến nay nhiều đơn vị vẫn phớt lờ quy định.
Theo luật định, từ ngày 1.1.2017, tất cả doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu khoáng sản phải có giấy phép mỏ, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đến nay số doanh nghiệp thực hiện đúng quy định trên chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Phần lớn các nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn tỉnh đều chưa có mỏ khai thác. Ảnh: T.H |
Trôi nổi nguyên liệu đầu vào
Trước đây do các quy định của Luật Khoáng sản chưa chặt chẽ, nên các nhà máy vừa sản xuất đồng thời vừa tự tìm kiếm nguồn nguyên liệu sử dụng, tổ chức khai thác hoặc mua đất nguyên liệu bằng nhiều hình thức khác nhau. Còn Luật Khoáng sản hiện hành yêu cầu nghiêm ngặt, các nhà máy chế biến bắt buộc phải có giấy phép khai thác mỏ nguyên liệu.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên - môi trường nhìn nhận, nhiều nhà máy sử dụng nguyên liệu trôi nổi, trái quy định của Nhà nước. Chính quyền một số nơi buông lỏng quản lý, cho phép khai thác đất sét không đúng quy định pháp luật. Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 18.5.2016 của UBND tỉnh yêu cầu đầu tư các dự án chế biến khoáng sản phải gắn với nguồn nguyên liệu được quy hoạch hoặc các hợp đồng nhập khẩu khoáng sản. Từ ngày 1.1.2017 trở đi, các nhà máy sản xuất, chế biến có sử dụng nguyên liệu là khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải được cấp giấy phép khai thác hoặc phải có hợp đồng nhập khẩu khoáng sản mới được phép hoạt động. Nghiêm cấm thu mua, khai thác trái phép nguyên vật liệu là khoáng sản (như đất sét, cát trắng, đá vôi, cát xây dựng, đất san lấp...) làm nguyên liệu sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, tìm hướng giải quyết mỏ khoáng sản cho doanh nghiệp nhưng nhiều đơn vị đã không thực hiện đúng cam kết, lộ trình.
Nhà máy kính nổi Chu Lai thuộc Công ty CP Kính nổi Chu Lai, nguồn nguyên liệu chính là cát trắng (chiếm 57% tổng khối lượng nguyên liệu), hoạt động với công suất 700 tấn/ngày. Hai giấy phép khai thác mỏ của UBND tỉnh cấp cho nhà máy này đã hết hạn. Để duy trì hoạt động, công ty hợp đồng mua bán với các đơn vị được cấp phép khai thác, tận thu cát trắng trên địa bàn. Đáng chú ý, nhiều nhà máy sản xuất gạch tuynel sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, như Công ty TNHH Gia Phú, Công ty CP Gạch gốm Kiểm lâm, Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Bàn Sơn, Công ty CP Gốm La Tháp, Xí nghiệp gốm An Hòa, Công ty CP Đại Hưng... Riêng huyện Đại Lộc có 3 cơ sở gạch men hoạt động hiệu quả nhưng sử dụng nguồn nguyên liệu từ TP.Đà Nẵng. Công ty CP Prime Đại Lộc hoạt động 10 năm nay, nguyên liệu khoáng sản để sản xuất do nhà máy tự tìm mỏ, thu mua các đối tác hoặc ký hợp đồng với nhà cung cấp. Doanh nghiệp này thừa nhận lấy đất chủ yếu từ TP.Đà Nẵng, mua đất từ đơn vị trung gian. Nhà máy sản xuất gạch của Công ty CP Đại Hưng hoạt động từ năm 2006 đến nay nhưng thông tin quy hoạch mỏ nguyên liệu trên địa bàn rất hạn chế. Có những khu vực công ty khảo sát có nguyên liệu nhưng lại không nằm trong quy hoạch mỏ của UBND tỉnh.
Cam kết theo lộ trình
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 55 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Trong đó, có 5 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu (xi măng, kính xây dựng, vật liệu ốp lát); 36 nhà máy sản xuất vật liệu đất sét nung; 9 nhà máy sản xuất vật liệu không nung; 5 nhà máy sản xuất vật liệu khác (tấm lợp, gạch terrazoo). |
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 25 nhà máy gạch tuynel sử dụng, mua bán nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc và chưa có kế hoạch lập thủ tục khai thác mỏ. (Thị xã Điện Bàn 9 nhà máy, Đại Lộc: 7, Thăng Bình: 4, Núi Thành và Quế Sơn: 4, Phú Ninh: 1). Phần lớn đầu tư các nhà máy gạch là chuyển đổi từ các nhà máy sản xuất gạch nung thủ công chuyển sang công nghệ tuynel, không định hướng theo quy hoạch mỏ khoáng sản mà chủ yếu tận thu đất sét từ đất nông nghiệp bằng hình thức cải tạo đồng ruộng. Cá biệt tại thị xã Điện Bàn có 9 nhà máy gạch tuynel nhưng không có điểm mỏ đất sét được quy hoạch. Ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Đến nay các nhà máy gạch tuynel chưa có chủ trương của các cấp có thẩm quyền về nguồn nguyên liệu khai thác mỏ khoáng sản đất sét làm nguyên liệu. Các nhà máy chủ yếu sử dụng nguyên liệu đất sét dư thừa từ các dự án cải tạo đồng ruộng. Một số công ty trực tiếp xin cải tạo đồng ruộng để tận thu đất sét”. Về biện pháp thực hiện, Sở Xây dựng đưa ra mốc thời gian 1.9.2017, thống nhất cho các đơn vị sản xuất gạch tuynel hoạt động trên nguồn khoáng sản dự trữ, các hợp đồng mua bán hợp pháp và có thời gian hoàn chỉnh các thủ tục xin cấp phép mỏ đối với các nhà máy đã có chủ trương, phê duyệt trữ lượng. Thời gian này, tất cả đơn vị phải có giấy phép khai thác mỏ. Từ ngày 1.1.2018, kiến nghị dừng hoạt động các nhà máy có công suất nhỏ dưới 10 triệu viên gạch/năm, nhà máy nằm ngoài các khu - cụm công nghiệp không phù hợp với quy hoạch xây dựng, không giấy phép khai thác mỏ nguyên liệu đất sét và hết thời hạn thuê đất.
Theo Sở Xây dựng, chính quyền các địa phương khi thống nhất chủ trương cho đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng trong các khu - cụm công nghiệp phải lấy ý kiến phối hợp của Sở Xây dựng để xem xét sự phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng. Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, lực lượng chức năng cần xử lý dứt điểm nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc; đề nghị Sở Xây dựng bổ sung quy hoạch nguồn nguyên liệu. Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép mỏ khai thác cho các doanh nghiệp nhưng nghiêm khắc xử lý các đơn vị chế biến, sử dụng khoáng sản không rõ nguồn gốc.
TRẦN HỮU