Trong số gần 50 người làm thơ là hội viên Hội VHNT Quảng Nam, các tác giả Phùng Tấn Đông, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế, Phạm Tấn Dũng, Nguyễn Giúp... được xem là những người làm thơ “phi chuẩn”. Do đều có quê xứ hoặc đang sinh sống ở phía bắc sông Thu Bồn nên anh em gọi họ là “trường phái” thơ bắc Thu Bồn. Trong số này, riêng những người sống ở Điện Bàn còn được định phong cách bằng một câu ca dao mới khá hóm hỉnh: “Anh em thơ trẻ Điện Bàn/ Văn xuôi chặt khúc xuống hàng thành... thơ!”.
Từ phải qua: Phùng Tấn Đông, Phạm Tấn Dũng, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế trong một buổi event thơ dịp Nguyên tiêu 2012. Ảnh: P.C.A |
Gọi là “phi chuẩn” không phải vì thơ của các tác giả này đều chỉ đơn giản là “văn xuôi chặt khúc xuống hàng”, mà ngược lại thơ của họ thật sự là thơ, chỉ khác chăng là phần lớn thoát ra khỏi cái đạo mạo, mô phạm, “cổ điển” thường thấy. Như một “Niềm heo may” ám ảnh: “ngõ đồng/ rậm rật chân ai/ đương kỳ ngực hương dậy mẩy/ tiếng chim lảnh lót dại khờ xanh ấy/ mê đắm cần lao chẳng đặng mùa màng” (Đỗ Thượng Thế)... Như một “Xuân tháng chạp” gợi mở: “Tôi về/ Hơi thở nép vào thị trấn lặng yên/ Bên kia bức tường là mặt trời/ Vạn thọ hắt lên khuôn mặt em/ Làn gió chợt qua thôi miên/ Cơn mưa buốt chiều/ Chạm vào xanh xưa” (Phạm Tấn Dũng).
Gọi là “phi chuẩn” còn vì thơ của họ tương đối khác lạ so với số đông thơ Quảng (cũng như không ít thơ Việt) hiện nay; có sự cách tân khá mạnh mẽ trên nhiều mặt. Họ luôn có chủ ý lạ hóa hình thức; thay đổi điểm nhìn... Họ dụng công, xoay vần với chữ nhiều hơn. Thay vì tả chân hoặc “lược thuật” cảm xúc từ ngoài vào trong theo các tín hiệu nhận biết thông thường, thơ họ đa phần chảy ngược từ trong ra ngoài, như là một sự bung vỡ sau những dồn nén, va đập. Huỳnh Minh Tâm viết: “trở về tuổi thơ vấp trái sung rụng vấp con đường nội đi/ cá động cánh bèo ao sâu nước bạc/ hay ra đi tò te đất khách chữ nghĩa lung tung giọng nói/ đêm đêm giễu cợt mơ hồ” (Khúc ca quê hương). Thay vì viết theo các ba-rem chủ đề, hầu hết thơ họ nảy ra từ những hứng khởi hoặc từ những ẩn ức cá thể: “Em về thơm một ban mai/ Cây cà ra nụ/ Cây cải trổ ngồng/ Cầu ao ngơ ngác/ Cây chuối mang bầu áo thân rách rưới/ Cỏ hoa tắm gội mấy hòn đá tu...” (Ngõ quê - Nguyễn Giúp)... Thay vì chỉn chu hàng lối, khép nép niêm luật, thơ họ khi chảy tràn khi len lỏi qua những nhánh rẽ hình thức rất bất ngờ: “Có buổi chiều thèm sống có đêm thèm chết u u minh minh đam mê tửu sắc thường hay nghĩ dại nói càn/ Lau trắng trên đèo Hải Vân trên núi Mai Lĩnh trên đỉnh Mẫu Sơn mấy mươi năm có nói chi đâu” (Nghe những gió mồ thổi lại - Phùng Tấn Đông)...
Chưa bao giờ những tác giả thơ này tuyên bố, tuyên ngôn, nhưng có vẻ như họ đang “sống thơ” giống như một quan niệm của “phu chữ” Lê Đạt: “Văn phạm đòi hỏi tính chuẩn mực. Bút pháp khuyến khích tính phi chuẩn” (“Đoản ngôn 4”/ “Văn phạm và bút pháp”). Tuy có chung format “phi chuẩn”, nhưng thơ của họ lại không hề có sự chồng lấn lên nhau hay tiệm cận. Mỗi người một cách viết, từ nỗ lực tự làm mới mình, để tạo phong cách riêng. Ví như Phùng Tấn Đông chọn cách diễn đạt bằng nhịp thơ êm dịu nhưng vang động. Phạm Tấn Dũng chọn lối viết hơi thô tháp nhưng giàu hình ảnh, nhiều liên tưởng. Đỗ Thượng Thế luôn tỏ ra là người biết chắt chiu chữ nghĩa, chắt chiu những ký ức đẹp, buồn, day dứt... Huỳnh Minh Tâm ít cầu kỳ nhưng luôn nén và giãn cảm xúc đúng lúc, đúng độ. Nguyễn Giúp chất phác trong lập tứ, nhưng lại biết tạo ra những đứt gãy cần thiết trong cấu trúc cũng như cảm xúc...
Ngoài những gương mặt kể trên, một số tác giả khác có thể xếp vào “trường phái thơ phi chuẩn”: Nguyễn Chiến (Điện Bàn), Ngô Thị Thục Trang, Nguyễn Quốc Việt (Đại Lộc), Nguyễn Tấn Cả (Tam Kỳ), Nguyễn Quang Việt (Hội An)... Tất cả đang chung góp cho một kỳ vọng: Tiếp tục làm mới và định danh thơ Quảng trên hành trình thơ Việt.
PHAN CHÍ ANH