Thọ Xuân - Quế Sơn, nghĩa tình tiếp nối

LÊ QUANG HÒA 16/03/2020 09:36

Những cách trở về không gian, thời gian không làm phai nhòa đi mối tình kết nghĩa anh em, trang sử truyền thống của hai miền đất cũng được đắp bồi thêm bằng nhiều nghĩa cử. Đi cùng năm tháng, Quế Sơn cùng huyện kết nghĩa Thọ Xuân (Thanh Hóa) vẫn đang đồng hành trên chặng đường mới, sâu nặng thêm những ân tình.

Tại thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) có một tuyến đường được đặt tên Thọ Xuân. Ảnh: T.G.Q.S
Tại thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) có một tuyến đường được đặt tên Thọ Xuân. Ảnh: T.G.Q.S

Tìm trong trang sử

“Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, ngày 12.3.1960, hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam tổ chức lễ kết nghĩa. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả dân tộc đang bước vào những năm tháng ác liệt, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân hai huyện, ngày 20.11.1968, tại nơi sơ tán của Huyện ủy Thọ Xuân (làng Mỹ Lý Hạ, xã Bắc Lương) diễn ra lễ kết nghĩa giữa huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) và huyện Quế Sơn (Quảng Nam), với sự chứng kiến của đại biểu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân.

Điều kiện chiến tranh ác liệt, đại diện tỉnh Quảng Nam và huyện Quế Sơn chỉ có các đồng chí Trần Đình Tri (Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội), Phan Diêu (Tổng cục Thống kê) và Lê Xuân Ba (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Sơn) - những người đã từng tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng ở Quế Sơn, đang công tác ở các cơ quan Trung ương tại Hà Nội đến tham dự.

Tại buổi lễ, sau khi thông báo cho nhau tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nhất là tình hình chiến sự ở cả hai huyện, các đồng chí lãnh đạo đã tiến hành ký biên bản kết nghĩa, cam kết gắn bó keo sơn, kề vai sát cánh, chung sức chung lòng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng quê hương, đồng thời phát động phong trào thi đua “Quế Sơn không sợ gian khổ hy sinh, ra sức giết giặc lập công”, “Thọ Xuân vừa sản xuất vừa chiến đấu, động viên nhân dân hết lòng, hết sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam”. Tinh thần “Quế Sơn gọi - Thọ Xuân sẵn sàng” trở thành khởi đầu cho mối tình cảm thiêng liêng cao quý, gắn bó keo sơn, tạo ra sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn cho cả hai miền.

Từ sau ngày kết nghĩa đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thể hiện vai trò là một hậu phương lớn, với khẩu hiệu hành động “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quế Sơn kết nghĩa, Thọ Xuân quyết tâm chi viện hết sức mình”, sẵn sàng chia lửa với Quế Sơn, Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân đã đưa tiễn hàng nghìn người con ưu tú hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó có chiến trường ác liệt của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trong gần 16.000 liệt sĩ anh dũng hy sinh trên mảnh đất Quế Sơn anh hùng đã có hơn 7.000 liệt sĩ là con em ở hậu phương lớn miền Bắc, trong đó có nhiều người con ưu tú của mảnh đất Thọ Xuân thắm nghĩa, đượm tình.

Được sự giúp đỡ, động viên to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Quế Sơn đã hợp sức cùng với quân và dân cả nước dũng cảm, kiên cường đánh địch. Nhiều chiến công hiển hách như chiến thắng Bà Rén, Mộc Bài, Hòn Chiêng, Bằng Thùng, Động Mông, Đá Hàm... đã được viết nên, đặc biệt là chiến thắng Cấm Dơi vang dội trong mùa thu lịch sử năm 1972. Thắng lợi quan trọng đó góp phần giải phóng quê hương Quế Sơn vào ngày 26.3.1975, góp phần mở đường tới ngày non sông hoàn toàn giải phóng. Mỗi tấc đất, tên làng, dường như đâu đâu cũng có ân tình gửi từ miền đất anh em Thọ Xuân, để Quế Sơn đi qua từng ngày gian khó...

Viết tiếp niềm tự hào

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Thọ Xuân tiếp tục chi viện cho Quế Sơn nhiều kỹ sư, giáo viên, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và các loại giống cây trồng để nhanh chóng bắt tay vào việc tái thiết quê hương từ trên đống tro tàn do chiến tranh để lại.

Những năm gần đây, hai huyện ngày càng có nhiều hoạt động mang đậm tính nhân văn cao cả. Với nhiều phần quà thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chính quyền hai địa phương đã trao tặng các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhiều tặng vật thể hiện sự đồng cảm sẻ chia đã được trao gửi đến đồng bào những dịp lễ tết hoặc mỗi lúc xảy ra thiên tai, bão lũ ở hai phía miền quê.

Tất cả việc làm ân nghĩa xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tình cảm trong sáng thủy chung ấy đã kịp thời động viên, cổ vũ nhân dân hai huyện vượt qua khó khăn, thách thức, đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn và ngày càng toàn diện hơn ở mỗi địa phương.

Hơn 50 năm qua, những tình cảm cứ lặng lẽ được đắp bồi thêm. Trải qua giai đoạn chiến tranh và 45 năm hòa bình, Đảng bộ và nhân dân hai huyện đã bước qua những tháng ngày gian khổ, đau thương, mất mát và cũng chia nhau từng niềm vui khi diện mạo của quê nhà ngày càng khởi sắc. Lớp người trong thời chiến tranh đặt nền móng cho mối quan hệ kết nghĩa đặc biệt này, đến nay tuổi cao sức yếu, nhiều người đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tình nghĩa son sắt giữa hai huyện sẽ không bao giờ phai nhạt.

Những dịp kỷ niệm 45, 50 năm kết nghĩa, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được lần lượt tổ chức ở Quế Sơn và Thọ Xuân, là sự kiện quan trọng để tái hiện những hình ảnh tốt đẹp, những việc làm thiết thực, cụ thể, hỗ trợ, tiếp sức cho nhau, thắm đượm nghĩa tình mà các thế hệ cha anh đã dày công xây dựng bằng bao máu xương, mồ hôi và công sức.

Và chưa dừng lại. Những người con của hai miền đất hôm nay vẫn đang từng ngày khắc ghi, trân trọng, tôn vinh, không ngừng vun đắp, phát triển, để nghĩa tình “Quế Sơn - Thọ Xuân đời đời bền vững”...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thọ Xuân - Quế Sơn, nghĩa tình tiếp nối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO