Ở vùng Núi Thành, Phú Ninh, Tam Kỳ hiện còn lưu nhiều bài thơ chữ Nho liên quan đến chủ đề mùa xuân. Những bài thơ ấy được lưu giữ cẩn thận và trang trọng trong những ngôi nhà thờ tộc.
Nhà thờ tộc Nguyễn ở phường An Phú,TP Tam Kỳ. Ảnh: Phú Bình |
Thơ xuân trong nhà thờ tộc Nguyễn
Ở thôn Phú Trung, phường An Phú, TP.Tam Kỳ có nhà thờ tộc Nguyễn. Đây vốn là ngôi nhà cổ được trùng tu lần cuối vào năm 1942. Gia tộc này có nhiều người giỏi chữ Nho, cùng nhiều người theo Tây học - trong đó có ông Nguyễn Quý Hương từng là thư ký tòa báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Do vậy, khi cùng nhau trùng tu ngôi nhà, con cháu trong tộc thống nhất kiến trúc theo kiểu nửa Âu nửa Việt - cả ngoài mặt tiền lẫn cách trang trí hoa văn trong nội thất. Điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà này là trên vách tường hai bên các gian thờ có chép năm bài thơ xuân của các thi nhân Trung Hoa sống vào thời Đường như Hàn Hoằng, Dương Cự Nguyên (giữa thế kỷ thứ 8), Tô Đĩnh (670 - 727), vào thời Tống như Trình Hạo (1032 - 1085). Các bài thơ này được trình bày trong 4 khung nền vàng viền đen với nét chữ thảo đẹp như tranh vẽ.
Bài thơ “Thành đông tảo xuân” ở nhà thờ tộc Nguyễn (nằm ở hai dòng hàng dọc thứ 5 - 6 tính từ phải qua). Ảnh: Phú Bình |
Xin giới thiệu một bài Thành Đông tảo Xuân tiêu biểu, của Dương Cự Nguyên:
Thi gia thanh cảnh tại tân xuân,
Lục liễu tài hoàng bán vị quân.
Nhược đãi Thượng Lâm hoa tự cẩm,
Xuất môn câu thị khán hoa nhân.
Dịch nghĩa: Cảnh đẹp của nhà thơ là ở mùa xuân mới/ (Khi) rặng liễu xanh vừa chớm một nửa nụ hoa vàng/ (Phải kịp thưởng thức cảnh này) nếu chờ đến khi hoa nở rộ khắp vườn Thượng Lâm (thì) ai ra khỏi cửa cũng đều là “kẻ thưởng thức hoa”. (Ý xưng tụng nhà thơ phải là người nhận ra vẻ đẹp của mùa xuân trước mọi người).
Dịch thơ: Nhà thơ ngâm ngợi cảnh xuân qua/ Liễu biếc chồi non chửa rậm rà/ Ví đợi vườn kia hoa tợ gấm/ Đầy đường lũ lượt khách xem hoa. (Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu - Huế).
Bài thơ tứ tuyệt chữ triện mạ vàng tại nhà hậu duệ cụ Nguyễn Dục. Ảnh: Phú Bình |
Bài thơ xuân tại nhà thờ hậu duệ cụ Nguyễn Dục
Tại nhà thờ ông Nguyễn Hoán ở thôn An Mỹ 1, xã Tam An, huyện Phú Ninh có treo bức hoành chạm theo kiểu cuốn thư rất đẹp. Phần giữa bức hoành khắc chìm bài thơ tứ tuyệt theo kiểu chữ triện, mạ vàng. Theo ông Nguyễn Công Diệp - là hậu duệ đang tham gia việc thờ tự tại Di tích văn hóa - nhà thờ cụ Nguyễn Dục thì tấm hoành này trước đây được treo ở nhà thờ cụ Nguyễn Dục ở thôn An Thọ cùng xã. Về sau, trong thời kỳ chiến tranh, sợ bị thất lạc, thân tộc chuyền nhau giữ tấm hoành này. Nơi lưu giữ để thờ cuối cùng là nhà ông Hoán - cháu nội tiến sĩ Nguyễn Thích - con trai cụ Nguyễn Dục.
Nguyên văn bài thơ trên tấm hoành đó như sau:
Mặc hoa xuân thảo ký kinh sư,
Độc bãi tằng lao khách thiên (đọc là thiện) tư.
Kim nhật trùng lai tầm thủy kính,
Giai tiền hựu phóng huệ lan chi.
Căn cứ vào hàm ý bài thơ, có thể suy đoán: Đây là tác phẩm của cụ Nguyễn Dục - một ông phó bảng người vùng tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông xưa, từng đến làm quan ở kinh đô Huế hai lần vào các khoảng thời gian 1843 - 1847 và 1872 - 1876. Sau hai khoảng thời gian đó, ông đều cáo quan về nhà dạy học. Lúc về quê lần thứ hai (trùng lai) đến lúc mất (mùa đông năm 1877) ông sống vui trong cảnh thanh nhàn giữa cỏ cây hoa lá.
Bài thơ xuân của vua Tự Đức. (ảnh của gia tộc Trần Hưng) |
Nếu suy đoán trên là đúng, xin căn cứ vào xuất xứ, tạm phỏng dịch nghĩa như sau: (Nhớ lúc ta còn làm quan) nhận được bức thư (của gia đình) viết vào mùa xuân gửi đến kinh đô/ Đọc xong càng thêm nhọc nhằn suy nghĩ và nhớ nhung (quê nhà)/ Nay lần nữa được (hạnh phúc) về hẳn ở quê để nhìn mặt hồ phẳng lặng trước nhà/ (Xuân lại đến), trước thềm nhà hoa lan, hoa huệ lại nở rộ”.
Cảnh mùa xuân trong bài thơ chỉ chấm phá vài nét nhưng lại nói lên được rất nhiều điều.
Bài thơ xuân của vua Tự Đức
Ngôi nhà cổ thờ tộc Trần Hưng ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành) còn lưu một bộ tư liệu quý về ông Trần Hưng Nhượng - một viên quan trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Trong bộ tư liệu này, có một bài thơ xuân của vua Tự Đức sáng tác tặng các cận thần trong một bữa tiệc tại triều nội vào ngày mùng Một Tết năm 1859. Theo thông lệ, bài thơ ngự chế này đã được khắc và in trước đó để nhà vua kịp ban cho bề tôi ngay trong yến tiệc. Nguyên văn bài thơ như sau:
Nguyên nhật tứ yến thị quần thần
Niên kế do trường thủy tự xuân
Sơ diên tứ thiết phổ thần lân
Tốt bàn tiêu tửu hương hà đạm?
Khúc nghiệt diêm mai ý tố thân!
Tôn trở tọa trù khôi thượng lược
Can thành hãn vệ tĩnh biên trần
Giao tình chỉ tại vô ngôn xử
Cộng tán hoàng du nhật nhật tân.
(Tự Đức thập nhị niên, chánh nguyệt, sơ nhất nhật).
Dịch nghĩa:
Ngày đầu năm bày tiệc khuyến khích quần thần
Năm đến dài (ngắn) đều khởi từ mùa xuân.
(Nay) bắt đầu ban ân bày tiệc (cùng vui) với quần thần (gần gũi)
(Khắp) bàn tiệc (xem thử) hương rượu hồ tiêu đậm nhạt thế nào?
(Trong) men rượu (nồng nàn) nhấm với trái mơ (muối), tình ý (mọi người) càng thêm thân.
Nâng chén rượu lên (lòng phải) luôn suy nghĩ những phương kế tốt nhất (để giúp nước).
Nghĩa vụ của kẻ bề tôi (giữ gìn xã tắc) là phải biết chống giữ (cho) đất nước yên ổn.
Mối giao tình (giữa vua tôi) không cần nói ra mới thấu hiểu.
Hãy cùng nhau giúp rập cho triều đình (để cho) đất nước ngày càng thêm yên ổn, mới mẻ, tiến bộ.
(Năm Tự Đức thứ 12 (1859), ngày mùng Một, tháng Giêng)
Bài thơ này được sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim có chép: “Tháng 7 năm Mậu Ngọ (1858) là năm Tự Đức thứ 11, trung tướng hải quân nước Pháp là Rigault de Genouilly đem tàu Pháp và tàu Y Pha Nho cả thảy 14 chiếc, chở hơn 3.000 quân của hai nước vào cửa Đà Nẵng, bắn phá các đồn lũy, rồi lên hạ thành An Hải và thành Điện Hải”. Triều đình Huế liên tiếp cử các ông Đào Trí, Trần Hoằng, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương, Chu Phúc Minh... đem quân đến Đà Nẵng chống cự. Quân Pháp bị đẩy lùi về vùng bán đảo Sơn Trà và ở đấy đến đầu năm sau (tháng Giêng năm Kỷ Mùi, 1859), thấy không thể thắng, mới đem quân vào đánh Nam kỳ. Trong đợt chống cự này, quân dân Quảng Nam chịu nhiều tổn thất - trong đó Tổng thống đại thần hữu quân Lê Đình Lý trúng đạn rồi hy sinh. Vì lẽ đó, theo ghi chép của sách Đại Nam thực lục (Đệ tứ kỷ, quyển XX) vào đầu xuân 1859, vua Tự Đức cho ban thưởng toàn bộ quân thứ người Quảng Nam và mở tiệc mừng tại triều đình ngay ngày mùng Một Tết.
Việc ông Trần Hưng Nhượng, người Quảng Nam, được nhà vua ban cho bài thơ “Nguyên nhật tứ yến thị quần thần” có lẽ là vào dịp đó. (Lúc ấy, ông Hưng Nhượng đang ở kinh đô chuẩn bị lên vùng biên giới làm Án sát sứ ở hai địa phương Lạng Sơn - Cao Bằng - một vùng “biên trấn” bị thổ phỉ phía bắc thường xuyên sang quấy phá).
PHÚ BÌNH