Thỏa lòng mẹ

DIỄM LỆ 21/03/2014 08:45

Khi chính quyền xã đến xác lập hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), những người mẹ liệt sĩ chỉ biết mừng rưng rưng nước mắt. Đã vào độ tuổi xưa nay hiếm, các mẹ thực sự mãn nguyện với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Chỉ mong các mẹ có thể sống lâu hơn nữa để các thế hệ cháu con cùng toàn xã hội được chăm lo, bù đắp...

1. Con đường tìm về ngôi nhà của mẹ Trần Thị Chim (mẹ liệt sĩ, SN 1923, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) với tôi trở nên ngắn hơn bởi sự tận tình của người dân. Mẹ Chim mắt còn nhìn rõ nhưng đôi tai không còn nghe được tiếng chào hỏi của khách. Thấp thoáng sau bóng dáng của mẹ là người con gái duy nhất còn lại của mẹ phải ngồi xe lăn trong suốt quãng đời còn lại.

Mẹ Trần Thị Chim và người con gái duy nhất còn lại nhưng đã bị liệt do tai nạn giao thông..
Mẹ Trần Thị Chim và người con gái duy nhất còn lại nhưng đã bị liệt do tai nạn giao thông..

Mẹ Chim sinh được 3 người con gái, trong đó 2 người con đầu xung phong ra chiến trường, đều làm y tá và lần lượt hy sinh trong chống Mỹ. Mẹ âm thầm chịu đựng nỗi đau, tiếp tục sống và cống hiến cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Trong vòng tay của hàng xóm, chính quyền, mẹ Chim và người con gái út là Đoàn Thị Nở sống cuộc sống yên bình. Nhưng rồi một ngày vào năm 2010, nỗi đau một lần nữa ập lên người mẹ Chim khi người con gái còn lại bị tai nạn giao thông, tứ chi và thân dưới bị liệt. Mẹ Chim và người con gái chỉ còn biết trông chờ vào tiền tuất liệt sĩ hằng tháng của mẹ và số tiền trợ cấp người khuyết tật. Không còn nước mắt để khóc thương con, mẹ Chim chỉ biết nghẹn ngào: “Cuộc đời mẹ có còn được bao lâu. Thà bắt mẹ đau còn hơn nhìn đứa con gái còn lại ra nông nỗi này”. Có lẽ, mẹ Chim sẽ không còn ở lại trên cõi đời này với con gái được bao lâu nữa. Nhưng có một điều làm mẹ mừng rơi nước mắt, đó là mẹ đã được làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH theo tiêu chuẩn mới. Mẹ thủ thỉ với con gái của mình: “Nếu mẹ được công nhận danh hiệu Bà mẹ VNAH thì con sẽ là con của Mẹ VNAH. Mẹ có ra đi, con sẽ có Đảng và Nhà nước chăm lo, rứa là mẹ yên tâm rồi”.
2. Câu chuyện của chúng tôi với mẹ liệt sĩ Lê Thị Nhuệ (SN 1924, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) cứ rộn ràng không thể dứt. Mẹ Nhuệ đã nặng tai, sức khỏe đã yếu, nhưng có người đến thăm là mẹ vui lắm, khỏe ngay. Mẹ kể rằng mẹ có 5 người con, 2 con trai đầu đều hy sinh trong chống Mỹ, còn 3 cô con gái lần lượt đi lấy chồng. Giờ mẹ ở một mình, cháu ngoại về ở gần chăm sóc. Mẹ Nhuệ vui vẻ nói: “Mẹ ở một mình nhưng không buồn, chính quyền xã, bà con trong xóm thôn quan tâm lắm, làm chi cũng mời mẹ tham gia hết. Mà chuyện chi của xã, thôn mẹ cũng đi hết, đi không được thì kêu cháu ngoại chở đi”.

Mẹ Lê Thị Nhuệ bên di ảnh con và chồng.
Mẹ Lê Thị Nhuệ bên di ảnh con và chồng.

Quay lại với câu chuyện thời chiến, sau khi hai người con trai hy sinh, biến đau thương thành hành động, nhà mẹ Nhuệ trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, làm nơi họp kín của các đồng chí cán bộ, đảng viên là đồng đội của chồng mẹ. Mẹ còn làm nhiệm vụ cảnh giới. Rồi cơ sở bị lộ do chỉ điểm, mẹ và chồng bị bắt giam ở nhà lao Quảng Tín. Bị tra tấn quá dã man nên sau khi được thả, chồng mẹ lâm bệnh qua đời. Mẹ bị cầm tù từ năm 1969 đến 1971 mới được thả. Về nhà, mẹ tiếp tục làm cơ sở cho cách mạng. Ngày ấy hai người con gái của mẹ cũng tham gia cách mạng và đều là thương binh. Mẹ bảo rằng, nếu đợt này được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH mẹ rất vui, nhưng như hiện nay là mẹ cũng đã mãn nguyện rồi. “Thời gian qua được Đảng, Nhà nước, xã hội luôn quan tâm là mẹ vui lắm rồi! Còn nếu được phong tặng Bà mẹ VNAH, chắc mẹ phải gắng sống thêm nhiều năm nữa để con cháu cùng vui”.

3. Năm nay tròn 95 tuổi, mẹ liệt sĩ Ngô Thị Chi (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) vẫn còn rất minh mẫn, chỉ có đôi chân cứ hay đau nhức. Kể lại chuyện xưa, mẹ nhớ như in từng chi tiết. Con trai đầu của mẹ hy sinh ở trận đánh Chợ Được (Thăng Bình) vào năm 1966. Con trai thứ hai là Đội trưởng du kích xã Kỳ Long (xã Tam Dân ngày nay), hy sinh năm 1975, trong một trận chống càn. Ba người con còn lại của mẹ cùng tham gia kháng chiến và đều trở thành thương binh. Bản thân mẹ là người cảnh giới tin cậy của cán bộ cách mạng, nhà mẹ trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, du kích.

Mẹ Ngô Thị Chi ngày ngày vẫn mong mỏi tin về hài cốt người con trai đã hy sinh. Ảnh: D.L
Mẹ Ngô Thị Chi ngày ngày vẫn mong mỏi tin về hài cốt người con trai đã hy sinh. Ảnh: D.L

Sống ngần ấy năm trong cuộc đời, mẹ Chi chỉ còn một nỗi đau duy nhất. Đó là liệt sĩ Lương Đình Thục, con trai đầu của mẹ đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Nước mắt không thể chảy được nữa trên gương mặt hao gầy của người mẹ già, nhưng trong đôi mắt mẹ vẫn mọng nước khi nhớ về con. Mẹ Chi ngậm ngùi: “Sau khi con trai mẹ hy sinh, giấy báo tử có gửi về cho gia đình, dù biết đích xác nơi hy sinh, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Gia đình đã bao lần đi tìm, nhưng vô vọng. Mẹ sắp gần đất xa trời rồi, chỉ mong tìm được hài cốt của con, mới yên lòng nhắm mắt”. Bởi vậy, lần này nếu được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, mẹ Chi vui lắm, nhưng như mẹ đã chia sẻ, niềm vui không thể nào trọn vẹn khi hài cốt con trai mẹ nay vẫn còn lưu lạc nơi đâu chưa tìm thấy.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thỏa lòng mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO