(QNO) - Giữa mấy ngày nắng rờ rỡ của tháng Chạp còn sót lại, nơi những làng quê, những mặt hàng thực phẩm tết, bánh truyền thống với lượng cung lớn đến với thị trường, góp phần đưa xuân đi muôn nơi…
Vàng sân bánh tráng Phú Triêm, xã Điện Phương. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Vàng sân bánh Phú Triêm
Mấy ngày nay, nơi những con đường, ngõ nhỏ dẫn đến làng bánh tráng truyền thống Phú Triêm (xã Điện Phương, Điện Bàn) cũng đã nở rộ các sắc hoa đón tết. Nếu những chuỗi ngày u ám, mưa dầm trước đó, bánh tráng Phú Triêm phần lớn được xông trên than hồng thì những ngày cận tết, thời tiết nắng ráo, người dân đưa các vỉ bánh tráng Phú Triêm ra phơi đầy các sân nhà. Các sân, ngõ ở các thôn Triêm Trung 1, Triêm Trung 2 đầy các vỉ bánh vàng nhạt chứ không có màu trắng đục như ở các vùng bánh tráng Đại Lộc vì bánh có thêm mè trắng, mè đen, một ít đường.
Thôn Triêm Trung 1 và Triêm Trung 2 hiện còn khoảng vài chục hộ tráng bánh lớn nhỏ với loại bánh tráng nhúng, bánh tráng đa, bánh tráng nướng để bỏ mối sỉ lẻ cho các nhà hàng, cơ sở ăn uống, phục vụ nhu cầu người dân ăn tết. Để cung ứng đủ bánh tết, nhiều lò bánh nổi lửa đêm ngày, mùi bánh tết, màu vàng của những sân phơi, màu khói lam trên những nóc nhà khiến ai nấy cảm thấy xuân đang đến bên cạnh.
Bà Nguyễn Thị Nga (thôn Triêm Trung 2) - người có thâm niên 20 năm tráng bánh ở làng nghề kể: “Thị trường bánh hiện chạy rất mạnh, chủ yếu là Đà Nẵng, Hội An. Mỗi vỉ (ràng) bánh nướng mỏng 13 cái có giá 15 nghìn đồng, nhưng khi ra thị trường là 40 nghìn đồng. Với loại bánh nướng dày hơn thì giá cao hơn. Dịp tết các năm bánh thường cháy hàng, có năm tráng bánh tới tận nửa khuya lả người đi, nhưng năm nay nhờ có dự trữ từ mấy tháng trước nên không đứt hàng. Cả tháng nay, ngày nào tôi cũng dậy từ 3 giờ sáng và làm việc mãi tới tận 21 giờ đêm mới nghỉ tay”.
Cũng theo bà Nga, trong khi nhiều cơ sở ở làng nghề đã sử dụng máy để máy bột, có nơi dùng máy tráng bánh bằng điện để tráng bánh thì cơ sở bà vẫn trung thành với dòng bánh tráng truyền thống tráng bằng tay, chỉ sử dụng duy nhất máy cơ để xay bột. Nhân công tráng bánh ngày càng khó tìm bởi phần lớn phụ nữ trong độ tuổi lao động đổ xô làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp và các cơ sở giữ trẻ ở Điện Bàn, thu nhập cao hơn nhiều.
Tháng tết, mỗi ngày cơ sở bà Nga bán được 50 ràng bánh (1 ràng là 13 cái), cả tháng 1.500 ràng, vẫn không đủ cho khách lấy nhưng do lớn tuổi, thiếu nhân công nên không thể sản xuất nhiều hơn. Thời gian trước, nhiều đoàn khách du lịch còn ghé cơ sở bà Nga để tham quan nghề tráng bánh, mỗi lượt biểu diễn phục vụ khách, bà được hướng dẫn đoàn chi trả 10 nghìn đồng/khách. Thu nhập từ du lịch chỉ là phụ nhưng với bà Nga, đó là niềm vui.
Ngồi cạnh những liếp bánh tráng vàng nhạt ở sân phơi, song thân của bà Nga nay đã 80 tuổi lom khom chẻ từng sợi lạt để nấu bánh tét. Ông bảo, nấu bánh để phần cho con cháu về ăn tết và gửi cho họ mang đi xa; 14 người con của ông, nhiều người ăn học thành tài, tạo lập cuộc sống nơi xứ người, tết này sẽ về đoàn tụ cùng gia đình. Rồi những ràng bánh tráng Phú Triêm cũng theo bước các con cháu của ông đi khắp mọi miền, để không quên hương vị truyền thống của quê. Trong gió xuân, thoảng nụ cười hồn nhiên, vui tươi của những em bé, cô gái phơi bánh tráng giúp mẹ; nơi các lò bánh, bàn tay khéo léo, nhịp nhàng của các bà, các mẹ làng bánh tráng chuyển động không ngừng để những sân phơi vàng trong nắng xuân…
Vui mùa kiệu tết
Đi qua vùng gò đồi thôn Vĩnh Trinh (xã Duy Hòa, Duy Xuyên), từ 25 tháng Chạp tới tận 30 tết, mùi kiệu sẻ thơm lẫn với mùi hăng hắc đặc trưng nơi các góc sân nhà là mùi của tết. Ông Cao Văn Dinh năm nay thu hơn 1 tấn kiệu với giá 20 - 25 nghìn đồng/kg, ông thu về hơn 20 triệu đồng, tuy thấp hơn năm ngoái nhưng cũng giúp gia đình ông có khoản phụ thu lo tết. Mỗi ngày, ông vừa nhổ kiệu, gánh kiệu về, đem xuống suối giặt được 50 - 100kg, có khi mối quen đến tận nhà lấy hoặc chỉ cần chở ra tới chợ là hết sạch. “Kiệu ở đây củ nhỏ nhưng chất lượng không chê vào đâu được, thơm ngon, sành củ, có vị hắc nhẹ đặc trưng của kiệu nhưng không quá hăng, hắc như các giống kiệu trồng vùng đất cát” - ông Dinh nói.
Ông Phạm Đình Chi trồng 2 sào kiệu, thu về hơn 15 triệu đồng để ăn tết. Bà Nguyễn Thị Nở trồng 9 hàng kiệu, tương đương 2 sào, mỗi hàng ít nhất cho thu hoạch 50kg, nhiều lên tới cả trăm ký kiệu, thu nhập hơn 15 triệu đồng. Người trồng kiệu ở vùng này luôn giữ giống vụ này cho vụ sau. Tầm ra Giêng, ai nấy lo trồng kiệu giống, mùa thu hoạch kiệu giống vào tháng 6, 7 âm lịch; đến tháng 8 âm lịch bắt đầu lấy giống trồng kiệu tết.
Gánh kiệu tết ở làng Vĩnh Trinh. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Hiện, cả thôn Vĩnh Trinh có khoảng 20 hộ trồng kiệu tết, tầm 20 - 25 tết thì bắt đầu ngớt số kiệu và bán lai rai đến 30 tết. Do chất lượng kiệu thơm ngon nên số kiệu làm ra được thương lái các nơi thu mua sạch, chỉ còn số ít bán lẻ ra thị trường. Nhiều năm nay, giá kiệu ở vùng này chỉ duy trì 20 - 25 nghìn đồng/kg, có năm cao nhất chỉ tầm 30 nghìn đồng/kg. So với trồng lúa, hoa màu, cây kiệu cho thu nhập gấp đôi, gấp ba. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa lớn kéo dài, vùng kiệu cũng bị ảnh hưởng đáng kể tới năng suất, sản lượng. Song, với người trồng kiệu Vĩnh Trinh, mức giá trên cũng giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, có một cái tết no ấm.
TRIÊU NHAN - PHƯƠNG PHƯƠNG