Thoát ly

HỒ DUY LỆ 18/12/2017 09:41

Tôi là người Khương Vĩnh, xã Kỳ Khương, nay là xã Tam Hiệp, Núi Thành. Hồi còn ở nhà gọi là Út Tạm, lên chiến khu lấy tên Tâm - Nguyễn Văn Tâm. Mỗi lần nhớ nhà hay về thăm quê là tôi nghĩ và nhớ cái đêm rời căn nhà ra đi năm ấy - không nhớ ngày, chỉ nhớ vào tháng 9.1961. Nhớ là khi lên chiến khu thì đã giải phóng Tứ Mỹ hơn một tháng, hôm trên đường lên dốc gặp Lê Dung, Út Sơn. Chính Sáu Thân là một trong số anh em xuống quy khu đón chúng tôi.

Thời kháng chiến 1, năm 1952, chị Hai Phượu của tôi đi chợ qua chợ Đốc thì bị máy bay khu trục của Pháp bắn chết. Sau năm 1954, giặc Mỹ đưa tay sai về làng bắt cha đánh tơi bời; năm 1959, anh Ba Toản là cơ sở, lộ, bị bắt, tra tấn, đày Côn Đảo; chị Bốn bị mìn cụt chân. Hoàn cảnh gia đình như vậy, cho nên thấy anh em bạn bè của tôi, hết người này đến người khác biến mất khỏi làng, sợ tôi cũng đi theo tiếng gọi của Mặt trận Giải phóng thông qua những lần Đội công tác đột kích về làng mít tinh, treo cờ, cha dỗ tôi: “Gia đình mình đã đóng góp cho kháng chiến chín năm trường kỳ, rồi cách mạng đến thì anh con cũng thoát ly đi bộ đội, vả lại gia đình mình cũng hết rồi, còn có chút con, thôi con ở nhà với cha”. Tôi làm thinh không dám nói nguyện vọng của mình, sợ cha buồn, cha lo, tội nghiệp. Tôi sinh năm 1944, năm ấy mới tròn 16 tuổi, vậy mà cha mẹ đã đi hỏi cô Út Hồng con gái bà Lầu và ông Đoàn Bồng, còn gọi là thầy Bông ở trong làng. Sau này tôi nghe mẹ kể, ông thầy Bồng nói với cha là “anh với tui phải sui gia; tôi gả con gái út của tôi cho con trai út của anh”. Mỗi lần ông Bồng ghé nhà chơi, gặp cha tôi là nhắc chuyện sui gia, thấy tôi là ông xoa đầu. Ông nói với cha tôi, thằng con trai của anh mặt mày sáng sủa, trông khôi ngô, anh nhớ giữ cho con gái tôi. Cha nói với tôi: “Địch tra tấn, đánh đập cha không chết, mà nhớ con chắc cha chết!”.

Hôm ấy, trời không trăng sao, đã hết thu sang đông, mưa se se lạnh, tôi nói với cha, tối địch bắt thanh niên vô quy khu ngủ, con vào quy khu đi chơi với mấy bạn quanh xóm. Cha bảo, trời lạnh mặc thêm áo vào cho ấm. Tôi dạ cho cha yên lòng rồi lục áo quần trong rương ra, có tất cả ba bộ đồ kha khá, cũng toàn vải ta, cái màu đen, cái màu nâu, bận hết ba cái áo hai cái quần vào người. Nhìn cha lần cuối trong ánh đèn dầu mờ mờ, bước ra sau hè đi một đoạn đứng lại nhìn ngôi nhà tranh thân thuộc, trong ngôi nhà thấp lè tè kia đang có cha mẹ già thương đứa con út biết chừng nào, nghĩ đến cha rồi sẽ già, mẹ không lâu sẽ yếu dần, tôi ứa nước mắt. Tôi lấy tay áo dụi mắt, quay mặt bước đi nhanh như sợ cha mẹ đang chạy theo níu chân lại…

Mỗi khi nhớ cha mẹ bỗng nhớ ngày ra đi, lại nhớ và thương thằng Ba đen con ông Nghề. Ông Lương Rộng, tên thường gọi ông Nghề, sinh hạ được một đàn con là Lương Anh, Lương Văn Minh, Lương Văn Miếc, Lương Văn Phước. Chiều hôm ấy, tôi đi vớt rong để cho cha trồng khoai tháng Mười thì gặp Ba đen đang lom khom vớt rong, hắn cũng muốn làm một việc có ích và rất cần cho gia đình trước khi đi (Lương Văn Minh, em ruột của Lương Anh là một trong 17 thanh niên thoát ly đợt  tháng 10.1960). Trong lúc vớt rong, Ba đen nói tối nay nhà có giỗ mẹ. Tôi nói, ăn giỗ có chi ngon cho tau với. Ba đen cười, không nói chi. Tối đó, sau khi chia tay cha mẹ, tôi vào quy khu, vào nhà, mở cửa, thắp đèn thì Ba đen đến đưa cho tôi một gói lá chuối, mở ra có cục xôi và hai cái hột vịt luộc. Tôi ngồi ăn hết cục xôi rồi ăn luôn hai cái hột vịt ngon lành. Chuẩn bị lên đường cùng tôi lần đó có Hai Trương, Tấn Đồng, Ba Lãnh... Trong khi chờ đợi đến giờ hẹn, anh em kéo nhau đi dạo một vòng quanh quy khu. Một cuộc chia tay bà con không hẹn ngày về, nhìn các bạn gái trong quy khu một lần cuối, không hy vọng gặp lại, nhưng bề ngoài làm như một cuộc dạo chơi. Dù không cần phải bí mật tuyệt đối, vì những gia đình địch chọn và ép vào ở trong quy khu là những gia đình có người thân tham gia cách mạng, là những người luôn hướng về phía cách mạng, dường như không có một người xấu nào trong hai mươi bốn gia đình ở trong quy khu. Tuy nhiên, anh em muốn giữ bí mật đến khi ra khỏi quy khu để bảo đảm chuyến đi không gặp một trở ngại nào. Một trở ngại mà nhiều anh em trong nhóm đề phòng là tiếng khóc nức nở của người mẹ, làm sao đành bứt ra khỏi đôi tay gầy của mẹ cứ nắm chặt không muốn thả tay con ra. Khi đi gần tới nhà bà Lầu thì tôi thấy hồi hộp. Thật ra, hai ông cha mới hứa hẹn nhau, mong con cái nên vợ nên chồng. Hai con trẻ đều là con út nên gia đình rất thương, rất cưng chiều, nhưng hai người chúng tôi xem như trai gái trẻ trong làng, biết nhau, mến nhau và cũng chỉ mới nhìn nhau, chưa có gì để phải bịn rịn. Vậy mà, lúc sắp chia xa thì hồi hộp. Thấy trong nhà có bốn năm cô gái đang ngồi cụm đầu đánh bài, nói cười, nên ba bốn anh em cùng kéo nhau vô nhà, cười chào, nhờ vậy mà tôi bớt e ngại. Mình còn trẻ con quá, ngày ngày vất vả lội sông vớt rong, lên rừng cắt lá, chưa có chuyện tình yêu đôi lứa. Mấy cô gái như Út Hồng, Hai Nghiễm, Hai Song, vẫn ngồi, tay cầm bài, ngước lên cười chào, lộ nét thẹn thùng trước các chàng trai như mọi ngày. Sau khi đi một vòng hết hai mươi bốn cái nhà tranh nhỏ, cả nhóm về nhà Hai Trương ngồi chơi, nói chuyện đến gần nửa đêm thì có tiếng động từ bờ rào phía sau - là con đường bà con trong quy khu bí mật mở ra để đi lại. Như đã hẹn, Đội công tác do Sáu Thân dẫn đường đã đột nhập vào quy khu. Chúng tôi đi con đường phía sau, rào lại như cũ để cho nghĩa quân đi gác giữ quy khu không biết là cái cửa có người thường xuyên ra vào rồi chào vĩnh biệt quy khu, trong đêm tối trời, gió se se lạnh. Đi suốt đêm lên đến trại Bà Nì mọi người nghỉ chân tranh thủ chợp mắt, mờ sáng lên Đồng Cố, sáng trắng mới đến Tứ Mỹ, một cái thôn nhỏ đầu tiên của tỉnh được giải phóng. Ông Phụng người Kỳ Trà làm kinh tài phân anh em vào ở trong nhà của mấy gia đình địa chủ như ông Nghi, ông Thiều, bà Bằng. Chính quyền cách mạng chọn mấy dãy nhà ngói của các gia đình giàu này làm nơi tập trung lúa để xay giã làm gạo cung cấp cho bộ đội. Hôm sau dậy ăn uống xong anh em mỗi người nhận một cái ruột nghé và 15 lon gạo, xong lên đường đi Trà Quân.

(Còn nữa)

HỒ DUY LỆ

(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Tâm, nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thoát ly
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO