Đã già nửa đêm, bà Thẩm vẫn không thể chợp mắt, bà lo cho hai đứa con đang vượt đường 1. Ở đó vô cùng nguy hiểm, địch phục thường xuyên. Anh em mình lên xuống đường dây khó như đi dây tử thần vậy. Ở quê có người thoát ly, mang ba lô lên tới đó đã bị địch bắn chết rồi. Thỉnh thoảng một vài trái pháo sáng vọt lên từ phía đồn Núi Cấm, đồn An Hà, vài quả pháo nổ cầm canh nghe chừng như dọc phía đường đi của tụi nó... Bà thót tim!
Con Liễu, thằng Cát mà ở nhà bà còn nhắc phải ngủ hầm, nhảy hầm, giờ đây chúng nó đi khơi khơi trên đường, có ai nhắc nhở. Mấy đứa còn khờ lắm, chưa đủ trí khôn để phòng thân. Làm mẹ trong hoàn cảnh này ai ngủ yên cho được. Ông Thẩm đi tập kết miền Bắc, ông cũng đã chết nơi đất Bắc rồi, để lại bà 3 đứa con, bà nuôi lớn chừng ni mà bây giờ phải ký thác cho may rủi ư. Bà làm sao mà giữ nổi 3 đứa nó qua khỏi cái nạn chưa biết bao giờ chấm dứt này.
Đêm nay, đêm đầu tiên các con bà ra đi. Không phải đi học, đi chơi như mọi bữa mà chúng bắt đầu đặt chân vào những chiến trường khói lửa, những trùng trùng núi non bờ bãi, ở nơi đó thân xác chưa đủ lớn của chúng còn dễ vỡ hơn bọt biển. Bà quá hồi hộp!
* *
*
Bốn người đi bộ hai tiếng đồng hồ, đến xóm Cây Thị, Mỹ Cang đã 8 giờ tối. Thêm ít bước nữa là lọt chân vào vùng địch. Đây là quê của ông Tuân. Ông dẫn Cát, Liễu vào nhà người anh ruột nghỉ chân để Ba Tụng đi thăm dò động tĩnh của địch. Đợi đến khuya họ mới vượt đường 1. Đêm hạ tuần tháng Ba trời tối om, bốn người bám nhau lội qua sông Bàn Thạch.
Đã tới vùng địch kiểm soát, mỗi bước đi của họ trên đất này có thể gặp nguy hiểm. Trước thời khắc này độ 7 tháng, cách mạng chưa về vùng đông thì đây là con đường của người dân Kỳ Anh đi chợ Kỳ Lý, chợ Tam Kỳ; là đường đi học của con Liễu, thằng Cát. Bây giờ, cũng chỉ một con sông cạn này mà đôi bờ lại trở thành lằn ranh của hai chiến tuyến. Lực lượng cách mạng Kỳ Anh dưới sự lãnh đạo của ông Tuân - Bí thư xã tranh chấp nhau rất quyết liệt với lính quốc gia dưới sự chỉ huy của đại diện xã Trịnh Bồng để bảo vệ vùng giải phóng. Ban ngày dân thường giữa hai vùng có thể qua lại, nhưng rất hạn chế. Dân vùng giải phóng Kỳ Anh đi chợ Chiên Đàn bị bọn nghĩa quân Kỳ Lý chặn lục soát, đá đổ gạo mắm, tịch thu vải vóc, thuốc tây... Ai chống đối, họ quy tội tiếp tế cho Việt cộng, bắt tù, bắt tội. Ngược lại người ở vùng địch chiếm có giỗ chạp sang vùng giải phóng cũng bị nhân dân, du kích theo dõi, cảnh giác. Ban đêm thì hai bên tuyệt đối không có sự qua lại bình thường. Lòng hận thù từ hai phía của cuộc chiến đã trói buộc, ám vào từng bước chân, đã trở thành mối tai họa cho từng số phận con người. Đêm nay ông Tuân, ông Ba Tụng cùng hai đứa trẻ cũng đang lọt vào cái thời khắc căng thẳng ấy.
Qua khỏi quãng sông cạn, Ba Tụng không đi theo đường chính, tạt xuống ruộng, băng đồng. Đi như thế sẽ ít gặp địch, không vấp mìn, lựu đạn. Bốn người âm thầm lần dò trên cánh đồng tháng Ba chởm chơ gốc rạ mới gặt. Mỗi khi có hỏa châu phóng lên từ phía đường 1, họ lập tức nằm rạp xuống, hỏa châu vừa tắt lại bám nhau bước tiếp. Đang đi, thằng Cát rị con Liễu dừng lại, nằm sát bờ ruộng. Ba Tụng, ông Tuân cũng vừa chạm hai đống rạ dân chưa kịp hốt về. Hai ông tấp rạ lên người ngồi quan sát. Thằng Cát rỉ tai chị nó: “Địch, chị Ba”. Liễu cũng nói qua hơi thở: “Không được nhúc nhích, bác Ba Tụng dặn rồi”. Hai đứa nhìn về phía tây bắc, cách nơi chúng nó độ năm sáu chục mét là cầu Bà Dụ. Nhờ ánh hỏa châu từ phía xa xa chiếu tới, Cát nhìn thấy ngay ở đầu cầu phía nam có địch. Bọn chúng, có đứa đi đi lại lại, có đứa ngồi hút thuốc. Cát, Liễu nín thở nằm chờ. Trong cái phút giây hồi hộp đó, thằng Cát cũng vừa chợt nghĩ: “Mấy ông lính đó, cách đây mấy tháng thôi có thể mình đã gặp trên đường đi học. Thế mà bây giờ các ổng là địch, là kẻ thù”. Hắn tự vấn: “Ai bày ra cái cuộc trớ trêu này. Không lẽ cha mình, chú mình hay ông Tuân kia... Mà theo như ông Tuân nói thì cũng không phải tại những ông lính đang lăm lăm súng kia, họ là những người bị bắt buộc, họ là những người nhẹ dạ lầm đường lạc lối. Mỹ và ông Diệm, ông Thiệu... đã bày ra cái trò độc ác này”. Rồi hắn tự giải đáp: “Tất cả đều là lý lẽ để giải thích thôi. Sự thật bây giờ là những người lính kia đang săn mình như săn những con mồi. Họ là địch”.
Chiến tranh thật vô cùng nghiệt ngã. Trẻ con cũng không thể đứng ngoài cuộc. Thằng Cát, con Liễu cũng phải chọn lựa cho mình một con đường, mà thử thách đầu tiên đã hiển lộ ngay tại thời khắc này. Lần đầu tiên chạm mặt địch theo cái kiểu “bất hợp pháp” thế này nên chúng nó quan trọng hóa vậy thôi chứ đối với ông Tuân, bác Ba Tụng thì đó là việc thường như cơm bữa. Hai ông bình tĩnh nhưng cẩn thận, Ba Tụng bò lại nói nhỏ với hai đứa: “Các con nằm yên tại đây, bác bò lên đường cái thăm dò rồi quay lại đưa đi. Đó là lính gác cầu chứ không phải lính đi phục kích. Chúng ở đó cả đêm nay, mình không chờ chúng rút được đâu”.
Bằng những động tác thành thục, Ba Tụng lách người trong bóng tối lần lên phía tây nam, nơi có những ụ rơm chất dọc hai phía lề đường, có thể đó là nơi địch thường phục kích để nắm động tĩnh. Nếu không có địch thì chỗ ấy dễ vượt đường nhất. Lát sau Ba Tụng quay lại. Nhanh chóng nhưng bảo đảm an toàn, theo hướng dẫn của Ba Tụng, bốn người cùng trườn qua đường 1, lách nhanh vào bụi rậm, tiếp tục tiến về phía vùng giải phóng.
Từ đường 1, còn ba cây số nữa mới tới xóm Cây Thị - địa đầu của vùng giải phóng Kỳ Thịnh. Đi trong vùng địch chiếm, nguy hiểm giăng kín các nẻo đường. Đi thật êm. Không xuyên qua các làng mạc. Không theo lối mòn. Mìn, địch và chó... là những thứ chết người. Hỏi đáp phải đúng mật khẩu. Khẩn trương nhưng cẩn trọng… Đó là những điều phải nhớ thật kỹ.
Mới khởi sự mà Cát, Liễu đã phải học quá nhiều thứ để được sống. Huống chi, cuộc chiến rất dài lâu, chiến trường là một miền thẳm của thảm họa khôn lường, phận người mong manh như sương khói, ai dám chắc được điều chi sẽ xảy ra đối với những cái chấm nhân sinh nhỏ bé kia.
Truyện ký của PHẠM THÔNG