|
Trà Quân là vùng núi rừng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Dưới khu rừng già có một doanh trại dài, lợp lá cọ. Gần doanh trại là một cái rẫy có nền đất bằng để tập luyện. Doanh trại gần bên một con suối. Dọc theo bờ suối có những mái nhà lợp lá cọ, mỗi nhà cho một tiểu đội. Nhớ anh Tráng người Hội An làm đại đội trưởng, tối nào anh cũng bảo tôi lên treo võng sát bên. Cạnh võng anh Tráng là võng anh Kiện đại đội phó, giữa mấy cái võng có một đống lửa. Chiều lại, sau khi tập luyện, trên đường về mỗi người tranh thủ chặt mấy cây khô để tối nhóm lửa lên sưởi ấm cả đêm. Ở rừng về khuya rất lạnh. Trước khi ngủ anh Tráng nói chuyện, ôm tôi hôn, thương tôi như người em ruột. Học hai ngày là đi xuống Tứ Mỹ cõng gạo, mắm, nhân dịp tôi mua chỉ về may đầu võng. Quản lý phát cho mỗi trại viên tấm vải ka ki hơn hai mét để may võng. Theo hướng dẫn của anh em lên trước, tôi lội rừng tìm cây gắm lột vỏ đem ngâm rồi lấy sợi xe thành dây cột võng. Mấy ngày đầu nhớ nhà muốn khóc, thằng Tôn dân Khương Thọ nhớ mẹ khóc rồi trốn về dưới làng, báo hại mấy anh cán bộ phải làm công tác tư tưởng sợ anh em thanh niên lo lắng. Anh em ở trong một khu nhà lá, ngày hai buổi lên hội trường học chính trị, chiều ra suối tắm. Học chính trị và tập quân sự. Học liền 4 tháng trời. Ngồi học coi bộ nghiêm túc, nghe nhiều nhưng không tiếp thu bao nhiêu. Hồ Truyền giảng bài, giảng cả một ngày hai buổi về việc thành lập Đảng Nhân dân cách mạng, nghe thì nghe vậy chứ không hiểu hết, không biết Đảng nhân dân ấy là đảng gì.
Học chừng nửa tháng thì tổng kết nghe kết quả huấn luyện, học tập và bố trí lực lượng. Anh Vốn từ miền Bắc vào làm Tiểu đội trưởng. Sáng hôm ấy, sau khi họp về, anh cầm cây AK nói với mấy anh em đang chuẩn bị chia tay: “Tau đi kiếm chút chi về liên hoan”. Anh nói rồi đi vào rừng. Độ ba tiếng đồng hồ, thấy anh xách về hai con dộc to như hai con chó con. Thế là cả tiểu đội, có mời mấy anh chỉ huy đại đội tham gia, được một bữa thịt rừng thơm phức, ngon lành. Tôi và Tám Cáo về huyện đội, bấy giờ đóng ở thôn Đồng Két, Tứ Mỹ, về đây thì gặp anh Hùng Hoay. Sau đó thì Tám Cáo về Đội công tác xã Kỳ Khương. Sau một thời gian cùng với Đội công tác rúc bờ, ngủ bụi, đột nhập vào vùng địch kiểm soát cố gặp dân thì Tám Cáo bị địch bắn hy sinh. Còn lại, hầu hết anh em về Công trường 1, về Tiểu đoàn 90… Trong số thanh niên thoát ly lên chiến khu ngày ấy chỉ có tôi và Hai Trương ở lại miền Nam và còn sống đến ngày hòa bình năm 1975.
Tôi và Hai Trương có một kỷ niệm không quên. Chẳng là, sau khi chia tay ở lớp học, tôi về huyện đi bộ đội còn Hai Trương về Công trường 1 rồi đi học y tá. Một thời gian dài chúng tôi không gặp nhau và không có tin tức gì về nhau. Thời ấy, người ở huyện, người ở khu nên không có liên lạc nhau. Đến khi tôi làm Chính trị viên Huyện đội Nam Tam Kỳ thì Hai Trương là y tá trưởng, phụ trách một trạm xá đóng ở Kỳ Phước. Hôm ấy, địch đổ quân chặn mấy hành lang của ta từ Tiên Phước qua Eo Gió xuống chợ Cẩm Khê bấy giờ thuộc Bắc Tam Kỳ, chúng tôi tránh đường cũ sợ bị mai phục, chờ tối mới ra khỏi rừng, lách rừng, băng xóm lại lọt vào khu vực bệnh xá của anh Hai Trương. Vì có địch nên anh em bệnh xá do Hai Trương chỉ huy mang súng trực quanh khu vực bệnh xá phòng biệt kích đột nhập. Nghe tiếng động, rồi có tiếng chân người, Hai Trương lệnh cho anh em lên đạn, sẵn sàng, chờ lệnh nổ súng. Đến khi tôi đi sát trước mặt thì Hai Trương nhận ra anh em mình, bất ngờ hơn là nhận ra tôi. Hai Trương ôm tôi, mừng nói như khóc: “May không thì tau bắn mi rồi”. Năm đó là năm 1971, tính ra cả chục năm trời, hai thằng bạn nhà cùng xóm, vào quy khu cũng ở gần nhau, cùng thoát ly lên chiến khu nay mới gặp lại nhau.
Năm 1962 tôi là đối tượng phấn đấu vào Đảng. Vào Đảng thì phải có thử thách. Khi Út Sơn chết, Ngô Độ cử một tổ bọn tôi đi lấy thi thể. Sau này tôi biết đây là nhiệm vụ thử thách tôi.
Anh Hồng Sơn, Trung đội trưởng, người Quảng Ngãi, tập kết về, còn gọi là “Sơn mốc” vì anh luôn bận bộ đồ màu mốc và anh Xuân người Kỳ Bích (Tam Xuân) là hai đảng viên được chi bộ phân công kèm cặp, giúp đỡ tôi vào Đảng. Trong quá trình theo dõi, kèm cặp, một hôm anh Hồng Sơn bảo tôi trình bày về hoàn cảnh gia đình. Tôi khai: Cha tôi nói nhà có 3 mẫu đất, không phải đất ruộng trồng lúa mà là đất thổ trồng khoai, sắn, đậu, mè, nhà nuôi 4 con bò, nuôi bò chủ yếu để lấy phân cho trồng trọt, là đất thổ nên không có ruộng cấy lúa, tức là không có gạo, quanh năm ăn khoai, nhưng không đói, ngày tết, ngày giỗ mới có cơm. Cả năm 1952, làng trên xóm dưới bị đói nhưng nhà cha tôi nhờ có khoai và rau nên không bị đói. Hỏi xong, anh Hồng Sơn kết luận: Vậy là gia đình cậu thuộc loại trung nông. Mà trung nông thì được kết nạp tôi phải phấn đấu một năm mới qua cái dự khuyết để thành đảng viên chính thức. Đúng ra, gia đình tôi thuộc thành phần bần nông, mà bần nông thì chỉ phấn đấu chín tháng thì hết dự khuyết. Tôi được kết nạp vào Đảng ngày 20.7.1963, đến ngày 20.7.1964, mới được xét công nhận đảng viên chính thức. Mừng lắm và cũng vinh dự lắm.
Vào bộ đội tôi được trang bị cây súng trường Mách dài nhằng, bắn phát một. Lên tận Trà My nhận súng. Tiểu đội trưởng như anh Vốn mới được cây tiểu liên. Tôi rất ức cây tiểu liên nên luôn hăng hái, luôn đi đầu, nhất là khi được chi bộ nhất trí cho tôi thành đảng viên chính thức thì tôi phấn đấu không mệt mỏi để mang cây tiểu liên cho oai. Anh em cùng thoát ly ngày ấy đi bộ đội chủ lực, đứa hy sinh, đứa bị thương thì cho ra miền Bắc điều trị, cho đi an dưỡng rồi cho đi học văn hóa, số đưa ra miền Bắc hầu hết còn sống như Nguyễn Tấn Đồng, Ba Lãnh. Tôi tham gia thành lập V14, tham gia đánh mở ra Kỳ Long, Bắc Tam Kỳ, đánh chống càn, khi Diệm bị lật đổ năm 1963, ai cũng nghĩ thắng lợi đến nơi, chia nhau đi giành chính quyền, địch chạy tơi bời.
(Còn nữa)
HỒ DUY LỆ
(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Tâm, nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam)