Thoát ly (Tiếp theo và hết)

HỒ DUY LỆ 20/12/2017 09:02

Tin liên quan

  • Thoát ly
  • Thoát ly (tiếp theo kỳ trước)

Cũng năm 1963 khó quên đó anh trai thoát ly trước tôi một năm vào bộ đội, tham gia “Vượt sông Tiên” giải phóng Sơn - Cẩm - Hà thì hy sinh… Tôi tham gia thành lập Tiểu đoàn Chú Dũng ở Quế Sơn, bị thương suýt chết. Trận bị thương này tôi được đưa về an dưỡng ở xã Bình Trị. Về đây thì có mẹ nuôi, đó là mẹ Số. Mẹ có 3 người con, có người con trai tên Mẫn cỡ tuổi tôi, nhưng Mẫn gọi tôi là anh, xưng em. Mẫn nói anh là anh Chín em là Mười. Mẫn làm cán bộ tuyên huấn xã Bình Trị. Mẫn thoát ly mấy hôm thì tôi cũng chia tay gia đình mẹ Số về khu an dưỡng ở Bà Huỳnh - Bà Xá. Hôm tôi về khu an dưỡng có 31 anh em thương binh. Anh em tập hợp về đây để chuẩn bị ra miền Bắc. Nhớ, có làm thịt con heo do đơn vị nuôi, chiêu đãi anh em trước khi chia tay. Cả 31 người chia tay con sông Tranh chảy qua làng Bà Huỳnh - Bà Xá, theo đường 14, đi lên Phước Sơn, lên đường mòn Hồ Chí Minh ra Bắc. Còn tôi không chịu đi miền Bắc, xin về lại Tiểu đoàn 72, ở lại chiến đấu sống chết với anh em.

Tôi chống cây gậy đi xuống, đến Trạm giao liên ở Kỳ Phước thì gặp anh Nhành làm trạm trưởng. Anh Nhành trước cùng đơn vị với tôi, anh bị thương rồi về làm trạm trưởng. Nghe tôi nói muốn về lại Tiểu đoàn 72, anh Nhành nhìn tôi, nói: “Tướng mày xanh xao thế, chân thì đi cà nhắc, về đơn vị tác chiến làm sao di chuyển kịp anh em”. Nhưng tôi chia sẻ nguyện vọng muốn về lại đơn vị, thì anh Toàn nói “không được, sức khỏe cậu thế này không về lại 72 được đâu”. Thấy tôi không đổi ý, một lúc sau anh Toàn nói: “Thôi, bây giờ tôi giới thiệu hai hướng, để cậu chọn. Một là về làm Chính trị viên CK130, tức là về Bệnh xá 130 ở Phương Đông. Hai là về Nam Tam Kỳ, thay anh Cẩn. Tôi cho anh nghiên cứu 3 ngày trả lời”. Tôi nói: “Không phải đợi 3 ngày, tôi xin trả lời luôn: không đi miền Bắc, ở lại chiến đấu sống chết với anh em… Tôi về Nam Tam Kỳ. Đó là quê hương tôi. Về đó, chiến đấu. Nếu có hy sinh cũng vinh dự”.

Ba ngày sau, tôi nhận được quyết định thay nhiệm vụ Huyện đội phó của anh Trần Trúc Cẩn. Bấy giờ, anh Phi là Huyện đội trưởng. Anh Khánh làm quản lý, thấy tôi thì trề môi: “Tướng ông mà về Nam Tam Kỳ, tưởng dễ... hề hề. Trên bom, dưới pháo, quanh là Mỹ, là biệt kích, suốt ngày ở dưới hầm, cái chân ông cà nhắc, làm sao chịu thấu!”. Tôi cười, nói: “Ông chịu được, tui chịu được”. Cầm quyết định trên tay thì hai ngày sau giao liên đưa tôi xuống Kỳ Yên. Đến thôn Sáu gặp Hải Sơn, Chính trị viên Huyện đội, tôi trình quyết định. Đúng là, vùng đất phên giậu của quận lỵ Lý Tín, của căn cứ Chu Lai, pháo địch cầm canh suốt đêm. Tất cả phải cột võng dưới hầm ngủ. Tối, tôi theo Hải Sơn và anh liên lạc xuống hầm treo võng nằm. Trời ơi, muỗi bu khắp người, đập không xuể, lấy tay chà, chà đâu cũng đụng muỗi, máu đỏ tay. Và, nóng. Mới nằm một lúc, nóng chịu không thấu, tôi rúc lên. Mới lên trên hầm một lúc, cũng có muỗi nhưng mát thì một loạt pháo bay rào rào qua đầu, thế là vội vã chui xuống hầm. Rúc lên, chui xuống hai lần như vậy, Hải Sơn tức quá, ngồi dậy nạt: “Tính cậu, không về ở Nam Tam Kỳ được. Tất cả ở Nam Tam Kỳ là như thế này đây”. Chiều hôm ấy, Hải Sơn ngồi nói chuyện với tôi, phổ biến kinh nghiệm: “Tối, rúc xuống hầm, cột võng xong, nằm im để cho mồ hôi chảy ra ướt hết áo thì mát, nằm im ngủ. Ông chạy lên, chạy xuống kiểu nớ, ăn pháo chết”. Tội nghiệp, sau đó Hải Sơn về Tỉnh đội, trong một trận càn bị xe tăng địch vây, hy sinh.

Khi tôi về thay, anh Cẩn ở nán lại một tháng bồi dưỡng cho tôi về công tác thống kê chính trị. Công việc này không học thì không làm được. Tôi là một cán sự làm Trợ lý chính trị kiêm Bí thư chi bộ cơ quan. Tháng 7 về Huyện đội. Tháng 8, tôi xin phép chỉ huy về thăm gia đình, bấy giờ mẹ tôi đã mất, còn mình cha tôi ở nhà. Mẹ tôi bị đau thương hàn, không có thuốc chữa, mất năm 1966. Tôi rủ Mười Nghiêu ở cạnh nhà tôi cùng về quê. Trời tháng tám nước ngập đồng, Mỹ rải quân nằm dày. Tôi đeo cây súng ngắn K54, còn Mười Nghiêu ôm cây AK, anh Tiến - Đại đội trưởng cử thêm một chiến sĩ mang cây AK đi với tôi. Ba anh em lội dưới ruộng, băng trảng cát, bò vượt đường 1, lách đường nghi có Mỹ phục, về đến nhà gần chín giờ đêm. Không nhà nào còn thắp đèn, tôi mò vào nhà, nghe tiếng tôi, cha ôm cứng tôi, ông mừng, ông khóc, tôi cũng khóc theo, thương cha quá chừng. Cha đưa cho tôi ba chục đồng, tôi không chịu lấy nói cha để dành tiêu nhưng cha cứ dúi vào túi áo, tôi phải làm thinh cho cha vui. Mỗi lần nhớ chuyến đi trong đêm mưa ấy thì hình ảnh cha già bỗng hiện ra, thương cha, nghĩ đến cha, tôi ứa nước mắt. Tôi nhớ anh bạn thân Ba Đen đi công tác xuống Khương Nhơn bị địch phục kích hy sinh, nhớ mấy lần sau đó nhân đi công tác vùng sâu Khương Vĩnh ghé về thăm cha, cha ôm cứng tôi như sợ thằng Út Tạm của cha tuột khỏi tầm tay, cha rờ từ đầu đến lưng, ứa nước mắt. Nhớ khi mẹ còn sống, một lần gặp mẹ ôm tôi khóc, mẹ cắn mặt, cắn mũi tôi, nước trầu dính trên tóc tôi... Mấy lần sau về thì gặp cha mà không dám gặp mẹ, sợ mẹ thấy con thì khóc, đêm hôm, bốn bề là địch tề mà mẹ khóc to thì không kìm được, khóc nhiều sáng ra bụp hai con mắt thì nói sao với hàng xóm, bứt ra chia tay mẹ cũng không dễ, sợ mẹ bịn rịn chịu không thấu. Và nhớ, những lần đi vùng sâu tổ chức trận địa đánh địch, tranh thủ qua làng thăm bà con kiếm cái ăn. Một hôm, tôi, Khách và Mười Nghiêu vào thăm ông già Truất. Trước đó mấy hôm, ác liệt quá thằng Tự chạy xuống vùng địch khai báo sao đó mà địch bắt mấy cơ sở, làm dân lo lắng, cho nên, thấy mấy anh em ta vào thì già Truất vẫn chào mấy chú về đó hả, nhưng mặt lạnh, ngồi xây lưng ra, khoát khoát hai tay nói nghe long óc: “Dẹp, dẹp. Cho bay ăn uổng cơm. Ăn rồi khai báo, chúng bắt dân đánh nhừ tử”. Ông già chửi cho hả giận rồi ngồi làm thinh, trong khi đó, vợ ông bưng thức ăn lên bàn mời anh em. Ba anh em tôi chỉ nhìn nhau cười trừ chứ không thanh minh phân trần chi hết. Ngồi nhìn anh em ta ăn ngon lành, ông già bước lại vỗ vai từng người, giọng trầm trầm: “Địch tình giăng giăng, đi lại nhớ cảnh giác, đói thì về đây ăn, ác liệt, gian khổ đến mấy thì cố mà bám cái gốc cây trên rừng chớ đừng có chạy đi chiêu hồi!”. Ông già nói nhẹ nhàng, đơn giản, dễ hiểu như vậy làm anh em nhớ suốt đời! Tội nghiệp, Mười Nghiêu bị Mỹ phục hy sinh...

HỒ DUY LỆ

(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Tâm - nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thoát ly (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO