Từ những quy định chung chưa phù hợp với thực tiễn trong tiêu chí bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, khiến nhiều hộ đồng bào miền núi rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”: thoát nghèo khi vẫn còn… quá nghèo!
Với một số tiêu chí chưa phù hợp, việc điều tra cứng nhắc khiến nhiều hộ nghèo ở miền núi trở nên thoát nghèo một cách bất đắc dĩ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đảng viên không thuộc hộ nghèo!
Sau thời gian tách hộ ra ở riêng, cuộc sống của vợ chồng anh Alăng L. ở xã Sông Kôn (Đông Giang) vẫn “chuẩn nghèo”. Anh L. cho hay, sau khi lập gia đình, hai vợ chồng thường xuyên ốm đau, không thể làm lụng được gì nên lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Đầu năm 2018, anh L. được bố mẹ nhường lại căn nhà hỗ trợ của Nhà nước dành cho đối tượng chính sách khó khăn để ổn định chỗ ở. Còn lại, không còn một tài sản nào có giá trị.
Một cán bộ địa phương cho hay, với hoàn cảnh hiện tại, anh L. hoàn toàn thuộc diện hộ nghèo. Nhưng, khổ nỗi, L. là đảng viên, mà đảng viên thì phải thoát nghèo để làm gương, theo quy định của địa phương này. Dù anh L. đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị về hoàn cảnh của mình với các điều tra viên, nhưng cũng không thể khác hơn. Vì thế, hộ anh L. đành chấp nhận thoát nghèo bất đắc dĩ. Anh L. nói, hiện tại gia đình quá khó khăn, không đủ “tiêu chuẩn” để thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh.
Câu chuyện của anh L. không phải là cá biệt ở nhiều địa phương miền núi, khi bình xét hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều hàng năm. Quy định cứng nhắc, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn trong đời sống của đồng bào vùng cao, khiến kết quả khảo sát, rà soát hộ nghèo chưa thực sự chính xác, công bằng. Ông Bh’ling Chon - Bí thư Chi bộ thôn Pà Ia, xã Ta Bhing (Nam Giang) cho rằng, từ các quy định thiếu cụ thể, chi tiết từng thang điểm đã nảy sinh nhiều điểm bất cập, tạo nên sự so bì trong người dân. Ông Chon dẫn chứng, với cách chấm điểm hiện nay thì hộ có 2 con bò với hộ có cả chục con đều có thang điểm bằng nhau. Tương tự, nhà có ti vi trắng đen với ti vi màn hình phẳng; xe máy “cà tàng” với xe tay ga đời mới… cũng được chấm điểm số như nhau. Thực tế đó, khiến người dân phàn nàn, bởi cho rằng kết quả bình xét chưa phản ánh đúng thực chất đời sống giữa từng hộ dân, thậm chí chưa công bằng ở nhiều tiêu chí khi điểm số được tính như nhau.
Cần linh hoạt
Bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang chia sẻ, từ thực tiễn đặc thù ở miền núi, thông qua công tác rà soát hộ nghèo hàng năm cho thấy, vẫn còn nhiều bộ tiêu chí chưa phù hợp, thậm chí khá chung chung, cần phải sửa đổi, bổ sung. Bà Tươi đưa ra dẫn chứng cụ thể, lâu nay đồng bào vùng cao rất ít chú trọng đến việc mua sắm các vật dụng gia đình như tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, lò vi sóng... Thay vào đó, họ thường chuộng mua một số tài sản mang tính đặc trưng văn hóa như chiêng, ché, mã não, thổ cẩm... nên việc rà soát khá bất cập và lúng túng. Liên quan đến câu chuyện “đảng viên không nằm trong hộ nghèo” đang được địa phương áp dụng, bà Tươi nói rằng, đây là cách khuyến khích đảng viên làm gương thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, huyện Đông Giang cũng đã có chỉ đạo và quán triệt việc khuyến khích đảng viên thoát nghèo phải được làm một cách thực chất, không nên quá cứng nhắc và áp lực về chỉ tiêu. “Nếu như trong năm, gia đình đảng viên thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật không thể làm ăn được, hoặc có sự cố bất thường xảy ra tất nhiên cũng không thể đưa họ ra khỏi hộ nghèo được. Do vậy, trong quá trình điều tra, rà soát cần phải nhìn nhận đúng với thực tế, tránh làm một cách cứng nhắc cứ phải đảng viên là thoát nghèo. Riêng đối với những đối tượng thanh niên khỏe mạnh, chây lười lao động, không chịu đi làm việc, buộc phải đưa ra khỏi hộ nghèo. Ngoài ra, cũng phải xem xét cụ thể tùy trường hợp mặc dù là thanh niên trong độ tuổi lao động nhưng thường xuyên ốm đau, bệnh tật, không có khả năng lao động” - bà Tươi nói.
Thực tế những năm qua, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới đã bộc lộ nhiều mặt chưa phù hợp đối với đồng bào miền núi, nhất là các tiêu chí về nhà ở, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ viễn thông… Với cách tính điểm chung ở một số tiêu chí, danh mục như hiện nay, hộ “chuẩn nghèo” vẫn có thể thoát nghèo, do dựa trên thang điểm rà soát. Ngoài ra, sau khi triển khai rà soát theo hướng tiếp cận đa chiều ở các tiêu chí về nhu cầu xã hội cơ bản, rất nhiều hộ đã trở nên thoát nghèo một cách bất đắc dĩ. Mặc dù, trong số đó vẫn còn những hộ khó khăn, chưa thực sự đảm bảo cuộc sống.
ĐĂNG NGUYÊN