Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Thứ Bảy, 14/12/2024
Nỗ lực và quyết tâm theo đuổi đến cùng mô hình nuôi heo rừng, gia đình chị Huỳnh Thị Mộng Diễm (thôn 4, xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức) đã thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Cách đây 3 năm, tình cờ theo dõi trên ti vi, anh Thứ (chồng chị Diễm) thấy nhiều địa phương khác chăn nuôi heo rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều ngày trăn trở, vợ chồng chị Diễm quyết định phát triển kinh tế theo hướng nuôi heo rừng. Với số vốn ban đầu, hai vợ chồng mua được 3 con heo để gầy đàn nhưng thất bại. Không nản lòng, đầu năm 2013, vợ chồng chị mua được heo rừng núi làm giống, sau đó mua thêm 2 con heo giống nữa với giá gần 8 triệu đồng, lứa đầu thu được 8 heo con. Sau 7 tháng chăm sóc, vợ chồng chị thu lãi được 20 triệu đồng. Đây là tín hiệu vui đối với vợ chồng nông dân nghèo này.
Gia đình chị Diễm thoát nghèo bền vững nhờ nuôi heo rừng. Ảnh: M.L |
Năm 2014, vợ chồng chị Diễm nhân thêm 4 con giống và phát triển đàn heo đựợc tổng cộng 38 con, đến cuối năm sau khi trừ mọi chi phí vợ chồng chị thu về 70 triệu đồng. Chị Huỳnh Thị Mộng Diễm cho biết: “Ở miền quê này nếu không phát triển chăn nuôi, trồng rừng thì không biết làm gì khác. Trong khi đó, nuôi heo Móng Cái hay các con vật khác thu nhập không cao, rủi ro nhiều nên gia đình tôi quyết tâm chuyển sang nuôi heo rừng. Heo rừng có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh cộng với nhu cầu thị trường cao nên mô hình này góp phần đem lại nguồn thu nhập khá, giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.
Đặc tính của heo rừng là hung dữ, hay tấn công người nên ban đầu vợ chồng chị Diễm gặp khó trong việc thuần phục. Vợ chồng chị phải tự mày mò, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nhiều người để tìm ra hướng chăm sóc tốt nhất. Hiện nay, đàn heo trong vườn nhà chị Diễm có 45 con, trong đó có 7 con giống. Thức ăn chủ yếu của heo là cám gạo và rau lang; khi heo được khoảng 20kg thì thức ăn chủ yếu là chuối sứ. Tận dụng diện tích đất vườn, vợ chồng chị Diễm trồng các loại thức ăn trên nhằm giảm chi phí trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó, nhờ chọn giống tốt nên chất lượng thịt ngon, ít mỡ, được người tiêu dùng ưa thích.
Với 1,5ha đất vườn ngoài làm chuồng trại và thả rông đàn heo, gia đình chị Diễm còn trồng thêm 1.500 gốc cao su đã được 3 năm tuổi. Có thể nói, với quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu giờ đây thu nhập của gia đình chị Diễm khá ổn định. Đây là mô hình nuôi heo rừng duy nhất tồn tại trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Trước đây, từ năm 2008 - 2012 nhờ nguồn hỗ trợ khuyến khích nuôi heo rừng của UBND huyện, mỗi năm có trên 10 mô hình. Nhưng sau đó nguồn hỗ trợ này không còn, nhiều hộ dân không mặn mà với con vật nuôi này. “Một phần nguyên nhân là loại heo này lâu lớn, số tiền chi phí để mua heo giống cao và vì nguồn giống không đảm bảo nên chất lượng thịt không ngon. Đến nay, toàn huyện chỉ còn duy nhất hộ của chị Huỳnh Thị Mộng Diễm duy trì và phát triển tốt loại heo này” - ông Phạm Sĩ Đoàn - Phó phòng NN&PTNT huyện nói.
Nhờ thành quả từ việc chăn nuôi, trồng rừng, gia đình chị Diễm đã làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo vào năm 2014. “Với vai trò là một đảng viên, chị Huỳnh Thị Mộng Diễm luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương, đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế. Ngoài ra, chị Diễm luôn năng nổ, nhiệt tình khi đảm nhận Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, được Hội LHPN xã đánh giá cao” - chị Võ Thị Giang Như - Chủ tịch Hội LHPN xã Quế Lưu cho biết.
MỸ LINH - VÕ THỦY