Thoát nghèo nhờ trồng tiêu

NGUYỄN VĂN BÌNH 03/07/2017 08:40

Ông Nguyễn Thành Lập ở thôn Dương Phú, xã Trà Dương (Bắc Trà My) nhờ lập vườn trồng tiêu mà thoát nghèo, có điều kiện lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn…

Ông Lập chăm sóc tiêu. Ảnh: N.V.B
Ông Lập chăm sóc tiêu. Ảnh: N.V.B

Ông Lập năm nay đã ngoài 70 tuổi, sau chiến tranh, ông bị mất một chân, suy giảm trên 70% sức lao động. Gia cảnh của ông Lập luôn túng quẫn, thiếu trước hụt sau do bản thân ông không đủ sức lao động. Không cam chịu phận đói nghèo, ông Lập quay về quê cũ Tiên Cảnh (Tiên Phước) tìm giống tiêu bản địa và học hỏi kinh nghiệm trồng tiêu của người thân để đưa lên trồng thử nghiệm trên vùng đất dốc ở vùng Dương Phú. Giống tiêu Tiên Phước nổi tiếng về hương thơm và đã khẳng định chất lượng, có chỗ đứng vững chắc trong thị trường hồ tiêu nên ông Lập hy vọng nếu trồng thành công sẽ là lối mở để gia đình ông thoát nghèo. Theo ông Lập, tiêu Tiên Phước thích nắng nhưng phải tưới nước, giữ ẩm thường xuyên ở gốc và phải trồng với loại cây làm trụ sống phù hợp thì mới phát triển nhanh, cho trái. Nếu  đất ở gốc đọng nước thì rễ tiêu sẽ bị thối và dẫn đến chết dây, nhất là trong mùa mưa. Đất đai xung quanh khu vườn nhà ông cư ngụ đều là đất dốc, không bị đọng nước trong mùa mưa nên rất hợp với việc trồng tiêu. Hơn nữa, trồng tiêu  không đòi hỏi phải lao động nặng nhọc, phù hợp với điều kiện sức khỏe của ông.

Thất bại đầu tiên do chưa nắm vững đặc tính, kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu, nhưng ông Lập không nản chí, lấy đó làm bài học quý, tiếp tục tích lũy kinh nghiệm. Ông tiếp tục trồng, chăm sóc thành công loại cây “khó tính” này sau khoảng hai năm thử nghiệm. Từ những gốc tiêu ban đầu, qua gần 20 năm chăm sóc và mở rộng, đến nay, ông Lập đã có một vườn hồ tiêu hơn 2 sào với khoảng 100 choái tiêu đang cho trái. Mỗi năm, ông Lập thu về bình quân từ 1,5 đến 2 tạ tiêu khô. Giống hồ tiêu Tiên Phước rất được ưa chuộng trên thị trường và giá bán tuy cao hơn nhiều so với các loại tiêu khác nên hàng năm gia đình ông Lập thu hoạch bán được hơn 60 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập khá ổn định này, cộng với chăn nuôi và làm lúa nước, dần dần ông Lập đã ổn định cuộc sống và thoát nghèo. “Làm nông thì hiếm khi có tiền mặt. Làm lúa, chăn nuôi chỉ mới lo cho cái ăn. Còn thu nhập từ việc trồng tiêu đã giúp cho gia đình tôi thoát khỏi cảnh túng quẫn và có của để dành, tích góp cho các con ăn học. Nhất là khi các con vào đại học, cứ đến cuối tháng là về nhà xin tiền hoặc phải gửi tiền ra, vợ chồng tôi nhờ bán tiêu mới có tiền mặt để lo, nếu không, chẳng biết lấy đâu ra tiền mà chu cấp cho các con” - ông Lập thổ lộ.

Theo ông Thái Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Dương, từ việc dám nghĩ, dám làm, ông Lập đã mạnh dạn đầu tư, bỏ công sức trồng tiêu trên đất dốc và đã thoát nghèo từ nhiều năm nay. Cũng nhờ trồng tiêu mà bốn người con của ông Lập có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn và tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Trong đó, em Nguyễn Thị Phi Xếch đã tốt nghiệp thạc sĩ khi mới 25 tuổi. Đây là một trong những gia đình tiêu biểu, rất đáng tự hào của địa phương. “Trồng tiêu  trên đất dốc, thấy đơn giản nhưng không dễ, nhiều hộ dân ở khu Dương Phú cũng làm theo ông Lập nhưng không thành công vì thiếu kiên trì và chưa thật sự am hiểu đặc tính và kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu. Ông Lập cần cù chịu khó, nhân giống trồng tiêu nhằm tăng thêm nguồn thu nhập, luôn sẵn lòng giúp đỡ hướng dẫn người dân trong thôn trồng tiêu để thoát nghèo như gia đình mình” - ông Hưng cho biết.

NGUYỄN VĂN BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thoát nghèo nhờ trồng tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO