Nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay chính sách xã hội (CSXH), công tác giảm nghèo ở huyện Nam Trà My đã có những chuyển biến tích cực, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2015, chị Hồ Thị Niêm (thôn 2, xã Trà Tập, Nam Trà My) mạnh dạn vay 30 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế bằng phương án mua 4 con bò và trồng thêm 2ha chuối mốc.
Hơn 3 năm chăm sóc, bò giống đã đẻ ra 2 bò con; vườn chuối được chị phát dọn, bảo quản đến nay cũng cho thu hoạch. Nhờ giao thông thuận lợi mà những buồng chuối trong vườn được thương lái đến mua, số tiền bán chuối mốc thu được dao động 15 - 20 triệu đồng/năm.
Với ý chí vượt khó vươn lên, vừa làm, chị vừa tích lũy kinh nghiệm và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại cho số bò còn lại, khi bò đủ lớn, chị bán để trả lãi và gốc cho ngân hàng.
Nhận thấy nguồn vốn gia đình mình sử dụng đúng mục đích và thực sự mang lại hiệu quả, tháng 8 năm 2018, chị tiếp tục vay 20 triệu đồng thông qua nguồn giải quyết việc làm từ ngân hàng CSXH và tập trung vào chăn nuôi. Từ số lượng đàn bò trước đây cộng thêm với số mới mua, đến nay, đàn bò của chị tăng đến 7 con.
Cùng với việc chăn nuôi trong gia đình, chị Niêm tranh thủ phát rẫy tỉa lúa, cải tạo vườn nhà trồng các loại rau sạch để cung ứng bữa ăn gia đình. Ngoài thu nhập từ cây chuối mốc, nuôi bò, chị còn nuôi thêm heo đen, gà, vịt… giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo sớm tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể trong huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Năm 2019, Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện tốt công tác cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác vay vốn để phát triển sản xuất, nguồn vốn cho vay khá phong phú, người nghèo được vay qua nhiều kênh khác nhau như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm, các nguồn vốn được ủy thác cho các tổ chức đoàn thể. Trong năm 2019, có 1.213 lượt hộ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, với nguồn vốn được giải ngân hơn 45,6 tỷ đồng, tổng dư nợ lũy kế đến thời điểm hiện nay là 4.456 hộ/152,4 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào làm nhà ở, mua trâu bò, heo đen và các giống cây dược liệu, trồng sâm Ngọc Linh, cây chuối mốc, trồng rau sạch...
Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi mà người nghèo mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, đã hình thành một số nhóm hộ chăn nuôi số lượng lớn, nhóm hộ đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, trồng cây dược liệu, cây quế Trà My với quy mô lớn; trách nhiệm và kinh nghiệm sử dụng vốn vay hiệu quả hơn. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần mang lại kết quả giảm nghèo bền vững khả quan trên địa bàn.