Thoát nghèo từ những đôi đũa bằng gỗ dừa

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 25/05/2021 06:36

Mới đây có dịp về làng Mỹ Hảo (xã Đại Phong, Đại Lộc), được tiếp xúc và được nghe câu chuyện kể về anh tên là Võ Xuân Quâng - một thanh niên thay đổi cuộc đời từ những đôi đũa làm bằng gỗ dừa.

Chà bóng đũa. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Chà bóng đũa. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Võ Xuân Quâng sinh năm 1983, trong một gia đình nông dân ở thôn Mỹ Hảo. Anh Quâng cho biết, vào một buổi chiều năm 1989, anh đang trên đường từ trường làng về nhà thì bị một quả đạn còn sót lại sau chiến tranh phát nổ làm 5 người chết cùng một số người bị thương.

Riêng anh bị đứt 5 đoạn ruột, thủng phổi, vỡ xương mặt và xương sọ. Sau hơn 2 năm điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau, anh ra viện về nhà nhưng sức khỏe và trí nhớ giảm sút nên học chưa hết lớp 9 phải nghỉ.

Năm 2006, anh Quâng vào TP.Hồ Chí Minh mưu sinh và làm công nhân sản xuất đũa gỗ mỹ nghệ cho một doanh nghiệp. Qua hơn 2 năm tích cóp được một số vốn liếng và học hỏi nhiều kinh nghiệm, giữa năm 2008 anh về quê lập gia đình rồi mở xưởng sản xuất đũa bằng gỗ dừa.

Sau nhiều năm hoạt động, nhận thấy cơ sở của mình quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ bó hẹp, vào tháng 3.2020 anh Quâng quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị, nâng quy mô sản xuất. Được Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đại Lộc cấp phép thành lập Hợp tác xã Sản xuất - thương mại đũa gỗ mỹ nghệ Nam Dương, có địa chỉ tại thôn Mỹ Hảo.

Từ khi được đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và đồng bộ hợp tác xã cho ra những dòng sản phẩm đũa cao cấp với sản lượng lớn. Hiện nay, mỗi ngày hợp tác xã sản xuất được 10.000 đôi đũa thường (800 đồng/đôi) và 3.000 đôi đũa cao cấp (2.000 đồng/đôi), doanh thu bình quân 400 triệu đồng/tháng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã còn khoán việc làm tại nhà cho 5 lao động, với mức thu nhập bình quân 200 nghìn đồng/người/ngày. Sản phẩm làm hoàn toàn tự nhiên không phẩm màu, không hóa chất độc hại, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên tiêu thụ  rộng rãi trên phạm vi cả nước, thị phần chính là TP.Hồ Chí Minh.

Từ một người “tha phương cầu thực” anh Quâng trở thành người làm chủ trên quê hương mình. Và từ những cây gỗ dừa ở địa phương tưởng chừng như bỏ đi nay trở thành nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm đũa mỹ nghệ được góp mặt trong những bữa ăn của các gia đình trong và ngoài nước. Thành công của anh Quâng đến từ sự chịu thương chịu khó và tấm lòng yêu quê hương, xứ sở.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thoát nghèo từ những đôi đũa bằng gỗ dừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO