Xã hội

Thời bình của những người lính Cụ Hồ

ĐÌNH HẢI - THÚY HIỀN 27/07/2024 15:00

(QNO) - Từ chiến trường trở về đời thường, có những người lính Cụ Hồ vẫn không nguôi nỗi đau chiến tranh và bị giày vò bởi bệnh tật, cũng có những người bằng ý chí kiên cường nhanh chóng vươn lên, nhập cuộc cùng thời thế, làm giàu cho gia đình mình và đóng góp xây dựng quê hương... Dù ở đâu, hoàn cảnh nào thì bản chất bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn cháy trong người lính, dứt khoát không đầu hàng nghịch cảnh.

ảnh cover

1_tít 1

Nỗi ám ảnh của 3 năm trên chiến trường Campuchia vẫn còn hằn sâu trong tâm thức cựu chiến binh Trần Một (SN 1964, thôn 4, Tiên Sơn, Tiên Phước). Mỗi khi nhắc lại, ký ức người lính ấy lại trở về tuổi đôi mươi hào hùng mà bi thương, không thể quên cảnh đồng đội từng người ngã xuống, cũng chính ông xúc từng xẻng đất chôn cất đồng đội…

Năm 1989, ông Một về lại quê hương, cố quên quá khứ khốc liệt. Với mảnh đất màu mỡ ông bà để lại, ông trồng gần 5ha keo, làm vài mẫu ruộng, tỉa mấy sào bắp, trồng 40 cây măng cụt, 10 cây sầu riêng. Tăng gia sản xuất, người cựu chiến binh ấy còn nuôi thêm bầy heo 50 con, đàn bò hơn 5 con. Hằng năm vợ chồng ông thu về 250 - 300 triệu đồng, nuôi 5 người con ăn học đàng hoàng.

2_chùm 1
Ông Trần Một được UBND huyện khen thưởng CCB sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: H.H

Đất đai rộng, lòng ông cũng rộng, ông Trần Một hiến 1.780m đất trồng keo làm tuyến đường ĐH nối Tiên Sơn với Tiên Hà và 450m đất vườn làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới.

Để đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, người CCB ấy còn vận động người dân thường xuyên dọn dẹp vệ sinh đường xá. Ông cũng tìm giống hoa, trồng cau dọc hai bên đường trước nhà và kêu gọi bà con cùng thực hiện.

3_ảnh 1
4_chùm 2
Chi hội trưởng chi hội CCB thôn 4 nỗ lực xây dựng NTM. Ảnh: H.H

Hơn 5 năm làm chi hội trưởng, CCB Trần Một luôn tìm cách giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế.

Ý tưởng nuôi bò thâm canh khởi lên vào năm 2019 của ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, tham gia của 17 hội viên. Đến nay, mô hình đã nuôi được 47 bò cái, 40 bò con, mỗi năm thu về 35 - 40 triệu đồng/hộ. Có lãi, ông kêu gọi góp vốn quay vòng hơn 1 triệu đồng/tháng, tích lũy mua giống, thức ăn và chia sẻ kinh nghiệm cho những hội viên khó khăn.

Mô hình nuôi heo đất của Chi hội CCB thôn 4 từ ngày ông Một phát động cũng tăng dần đều số tiền tiết kiệm. Năm đầu đập heo được 35 triệu đồng. Sau 4 năm thực hiện, chi hội đã đập được 115 triệu đồng. Cuối năm, mỗi thành viên góp vào 50.000 đồng làm 7 suất quà Tết trị giá hơn 200.000 đồng/suất trao cho những gia đình chính sách khó khổ.

ông mốt.00_00_49_22.Still004
Chắt chiu từng đồng vào con heo đất. Ảnh: H.H

Lo việc nhà, chăm việc làng nước, ông Một không quên thăm hỏi, động viên những đồng đội của mình. Cứ đến dịp 10/3 - ngày kỷ niệm lên đường nhập ngũ, ông lại tổ chức gặp mặt những người lính năm xưa, cùng ôn lại chuyện cũ trong quân ngũ, động viên và giúp đỡ đồng đội khó khăn, những thương binh, bệnh binh nhọc nhằn với những vết tích mà chiến tranh để lại.

z5672664303170_038e9bb09b9bd9cf6ce7c564c89179af.jpg
6_chùm 3
Ông Một vẫn thường tới lui thăm hỏi đồng đội. Ảnh: H.H

[VIDEO] - Ông Trần Một - Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 4 (xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) chia sẻ về những dự định sắp tới.

7_tít 2

Ước mơ tham gia lực lượng công an vũ trang, năm 18 tuổi ông Nguyễn Đình Phàn (SN 1958, thôn Hưng Mỹ, Bình Triều, Thăng Bình) gia nhập quân đội, huấn luyện tại An Giang. Chưa tròn đôi mươi, người lính ấy lên đường thực hiện nghĩa vụ ở giới Tây Nam. Hơn 6 năm gắn bó với chiến trường Campuchia, năm 1983 ông trở về quê hương…

8_chùm 4
CCB Nguyễn Đình Phàn luôn sát cánh cùng những người đồng đội khó khổ. Ảnh: H.H

Được tín nhiệm giao nhiệm vụ xã đội phó năm 1990, người CCB Nguyễn Đình Phàn không chỉ hoàn thành trách nhiệm của một phó chỉ huy quân sự xã, mà còn nỗ lực giúp những người lính năm xưa xóa đói giảm nghèo.

Trong đó, mô hình góp vốn quay vòng do ông phát động nhận được sự hưởng ứng và nhiệt tình tham gia của 10 thành viên. Dù ít ỏi, song đó là nguồn tài chính quan trọng góp phần giúp những gia đình chính sách nuôi con ăn học, mua sắm dụng cụ sản xuất, đời sống kinh tế từng bước ổn định.

“Đáng nhớ nhất vào đợt dịch Covid-19, Hội CCB xã Bình Triều hầu như toàn những người lớn tuổi nhưng khi mình đứng ra góp phần cùng chính quyền vận động chống dịch thì anh em hưởng ứng nhiệt tình, được huyện hội tuyên dương”.

Nguyên Chủ tịch hội CCB xã Bình Triều Nguyễn Đình Phàn (giai đoạn 2017 - 2023)

Tháng 9/2023, câu lạc bộ “Liên thế hệ giúp nhau phát triển kinh tế” ra đời tại làng rau truyền thống Hưng Mỹ, Hội CCB đã gương mẫu đi đầu. Với những người thiếu lao động, thiếu vốn, nhất là những CCB tuổi cao sức yếu, thương tật khó kiếm việc làm, ông Phàn kêu gọi tham gia CLB, cùng góp vốn, góp công, góp giống, cùng trồng trọt, tìm thị trường tiêu thụ chung.

9_chùm 5
Hỗ trợ bà con cùng nhau phát triển kinh tế bằng mô hình trồng rau. Ảnh: H.H

[VIDEO] - Các cựu chiến binh nói về hiệu quả của mô hình liên thế hệ giúp nhau phát triển kinh tế:

“Năm 2024, anh Nguyễn Đình Phàn được giới thiệu làm chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Hưng Mỹ. Bằng kinh nghiệm, năng lực của mình, anh đã tập hợp được sức mạnh trong toàn hội, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Ông Nguyễn Tấn Quang - Chủ tịch Hội CCB xã Bình Triều

13.jpg
“Trăm hay không bằng tay quen nên khi làm công tác hội, mình chỉ hy sinh thời gian riêng, thời gian với gia đình, chứ không có gì quá khó.” - ông Phàn nói. Ảnh: H.H

Ký ức thời chiến vẫn còn day dứt mãi trong người CCB ấy, nhất là lời hứa chưa thực hiện được với người đồng đội trú chung hầm đã hy sinh trên tay ông hơn 40 năm trước: “Nếu anh còn sống trở về quê nhà Quảng Nam - Đà Nẵng, anh nhớ ra thăm Hà Bắc (Bắc Giang bây giờ) quê em, thay em cảm ơn ba mẹ đã sinh ra em, nuôi nấng em, nha anh!” - ông Phàn nghẹn ngào bật khóc nhớ lại lời căn dặn của đồng đội năm xưa.

10_tít 3

Xưởng da thôn An Thiện (xã Tam An, huyện Phú Ninh) chuyên cung cấp nguyên liệu cho các đơn vị hậu cần quân sự. Người điều hành cơ sở sản xuất ấy là một CCB luôn hết lòng vì đồng đội.

11_chùm 6
Xưởng sản xuất da của CCB Trương Kim Hà. Ảnh: H.H

Gắn bó hơn 10 năm với xưởng da ông Hà, ông Trần Vãng (thôn An Thiện, xã Tam An) cho hay: “Một người khuyết tật như tôi thì xin việc đâu cũng bị từ chối. Nhờ anh Hà nhận vào làm, công việc không quá khó, ngày công còn được 350.000 - 400.000 đồng. Xưởng da này cũng đã nuôi sống 4 - 5 công nhân khó khổ như tôi.

12_ảnh 3

Năm nào ông Hà cũng góp công, góp của giải cứu dưa cho bà con, tham gia cứu trợ trong đợt dịch Covid-19, giúp ngặt những người dân nghèo thôn An Thiện và những hoàn cảnh khó khăn huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Điện Bàn, Quảng Ngãi…

Dấu ấn đáng nhớ là năm 2022, Tổ tự quản về ANTT thôn An Thiện được Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ý tưởng thành lập tổ tự quản khởi xướng từ người bộ đội Cụ Hồ năm xưa - ông Trương Kim Hà.

31.jpg
Lễ ra mắt Tổ tự quản về ANTT thôn An Thiện. Ảnh: H.H

Thôn An Thiện (xưa là Thuận An), 478 hộ dân nằm sát quốc lộ 1. Địa bàn bị trộm cắp lộng hành, người dân mất gà, mất chó, mất của liên miên. Tai nạn giao thông, đánh nhau thương tích, tệ nạn hút chích lại thêm thiên tai thường xuyên xảy ra khiến tình hình an ninh trật tự nơi đây phức tạp.

Trăn trở việc làm sao để làng xóm yên bình, năm 2005, ông Hà đề xuất thành lập Tổ tự quản về ANTT do ông làm chủ nhiệm. Với phương châm “tự nguyện, tự giác, tự quản tự phòng và tự bảo vệ”, mô hình nhanh chóng có sự góp mặt của hơn 30 thành viên. Đồng thời tập hợp toàn dân đoàn kết, người già góp của gây quỹ, thanh niên góp công trực đêm giữ yên xóm làng.

13_chùm 7
Tổ tự quản về ANTT thôn An Thiện thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: H.H

Gần 20 năm, mô hình do người CCB ấy đề xuất đã góp phần giảm triệt để nạn trộm cắp, người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống. Ngoài nhiệm vụ trấn áp tội phạm, tổ tự quản còn là lực lượng xung kích cứu nạn cứu hộ mùa bão lũ; họ cũng là lực lượng chính đứng ra kiên cố bê tông hơn 3.000 ngôi mộ vắng chủ trên địa bàn thôn…

“Đồng chí Trương Kim Hà là tấm gương sản xuất
kinh doanh giỏi, cựu chiến binh gương mẫu. Hy vọng, đồng chí giữ mãi phẩm chất người lính Cụ Hồ, luôn hăng say với phong trào hội, nhiệt tình hỗ trợ cộng đồng.”

Ông Nguyễn Xuân Thắng -
Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Phú Ninh

14_tít 4

Học hết lớp 9, chàng trai Võ Đình Doanh (SN 1972, thôn Hà Lộc, Tam Tiến, Núi Thành) mới 15 tuổi đã theo thuyền ngư dân kiếm sống. Hồi tưởng về độ đôi mươi lên đường nhập ngũ, ông Doanh tâm tình: “Những năm quân ngũ, nỗi nhớ biển không lúc nào vơi. Nhưng cũng thời gian ấy đã trao cho tôi những kinh nghiệm sống quý báu, luyện cho tôi thêm bản lĩnh, khí phách làm chủ cuộc đời, cũng như đời ngư dân vùng vẫy biển khơi.”

15_chùm 8
Đồng chí Võ Đình Doanh một thời lính tại sư đoàn 2, trung đoàn 1, quân khu 5. Ảnh: H.H

Về lại đời thường, ông về lại với làng biển. Nhớ thời lính giúp dân cuốc đất, trồng rau, ông Doanh tăng gia sản xuất, trồng rau xanh quanh nhà. Ông còn vận động bà con làm đường hoa, xây dựng đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Cũng với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, người CCB ấy luôn đi đầu trong việc vận động giúp đỡ bao hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ thuyền ghe gặp nạn.

Năm 2002, ông mua được thuyền riêng. Cũng vì yêu và gắn bó cả đời với biển, ông Doanh luôn trăn trở việc giữ gìn môi trường biển.

16_chùm 9
Trên chiếc thuyền số QNa-01409 TS, chủ tàu Võ Đình Doanh thường xuyên vớt nhặt rác trên mặt biển. Ảnh: H.H

Đến năm 2023, khi Hội CCB và Hội Nông dân xã Tam Tiến phối hợp phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Thu gom rác thải nhựa trên biển”, ông Doanh đã tiên phong thực hiện mô hình này tại thôn Hà Lộc. Không chỉ cùng các thuyền viên nhặt rác, thu gom rác về nơi tập kết, với bộ đàm sẵn có, ông Doanh thường xuyên kêu gọi các thuyền kề cận khi ăn mỳ tôm, bánh trái, uống nước thì nhớ phân loại rác thải mang về, không vứt rác bừa bãi trên biển.

17_ảnh 4

[VIDEO] - Ông Võ Đình Doanh nói về việc giữ gìn môi trường biển:

“Năm 2019, Hội CCB xã Tam Tiến triển khai mô hình “Thu gom rác thải nhựa trên biển” tại chi hội thôn Long Thạnh, Ngọc An. Mô hình gặp khó do chủ phương tiện tham gia đánh bắt trên biển không mấy người là CCB, và thói quen vứt rác xuống biển của ngư dân vẫn tồn tại. Từ năm 2023 đến nay, mô hình thực hiện ở thôn Hà Lộc đã đem lại hiệu quả đáng kể, hưởng ứng nhiệt tình nhất có đơn vị thuyền anh Võ Đình Doanh.”

Phạm Văn Hiệu - Chủ tịch
Hội CCB xã Tam Tiến.

Mô hình “Thu gom rác thải nhựa trên biển” của hội CCB còn liên kết với mô hình “Ngôi nhà xanh” của Hội LHPN tại địa phương, rác thải từ biển sau khi được thu gom và phân loại sẽ được tập kết về các “ngôi nhà xanh”, từ đó tạo thêm nguồn quỹ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

18_chùm 10
Mô hình “Thu gom rác thải nhựa trên biển” được nhiều hội viên hưởng ứng. Ảnh: H.H

Cũng theo ông Hiệu, CCB Võ Đình Doanh là tấm gương sáng đúng chất bộ đội Cụ Hồ. Ông là một người con ưu tú của làng biển Lộc Hà, luôn mang tinh thần vượt khó phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và hướng tới xây dựng vùng biển đảo xanh - sạch - đẹp.

.............

Như những cây xương rồng trên cát, những cựu chiến binh trong câu chuyện này dù tuổi cao, sức khỏe không còn sung sức như xưa, song họ vẫn là những tấm gương sống hết lòng, hết mình vì cộng đồng, kề vai sát cánh cùng đồng đội, luôn phấn đấu và cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thời bình của những người lính Cụ Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO