Hôm nay 29.3, Tỉnh ủy (khóa XXI) tổ chức hội nghị lần thứ ba, trong đó bàn về các chuyên đề: cải cách hành chính; giảm nghèo bền vững; phương hướng, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án vùng đông nam của tỉnh; tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 1.9.2011 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Báo Quảng Nam tóm lược những nét cơ bản kết quả đạt được cũng như thách thức, khó khăn gặp phải của tỉnh trong thời gian qua khi triển khai thực hiện các nội dung trên.
Nhiều tập đoàn đang triển khai đầu tư dự án sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô tại Núi Thành. Ảnh: B.T |
Cải cách hành chính: Nhiều kết quả, lắm khó khăn
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có thể nói, hệ thống thể chế quản lý nhà nước về CCHC đã cơ bản hoàn thiện, giúp các cơ quan, đơn vị từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo thuộc phạm vi chức năng, thẩm quyền. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai thực chất, hướng về mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, giảm phiền hà, giảm chi phí, cải thiện môi trường kinh doanh. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ngày càng hoàn thiện, giúp giải quyết công việc, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp ngày càng thuận lợi hơn trước, được nhân dân đánh giá tích cực. Chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại các cơ quan, đơn vị có nhiều tiến bộ, đặc biệt trên lĩnh vực đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh. Một số thủ tục hành chính có thời gian giải quyết sớm hơn so với quy định như cấp giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép lao động cho người nước ngoài… Bên cạnh đó, việc cải cách tổ chức bộ máy đã hoàn thành đúng tiến độ, kết quả triển khai đồng bộ, từng bước khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc trong quá trình kiện toàn tổ chức của từng cơ quan cũng như cả hệ thống. Bước đầu triển khai thực hiện Đề án Vị trí việc làm; tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, nhờ đó chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bước được nâng lên. Đặc biệt, với việc thực hiện Đề án 500, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã không ngừng được nâng cao. Bộ máy hành chính tỉnh đã có những đổi mới theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trước hết, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa trong đại bộ phận người dân, doanh nghiệp. Nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa rõ, chưa đầy đủ, thiếu sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện công tác CCHC. Hệ thống thể chế, chính sách của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách bị phân tán theo chức năng của từng ngành, chưa có sự điều phối để tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng điểm. Cải cách thủ tục hành chính chưa đủ mạnh, đặc biệt là việc đơn giản hóa hồ sơ, biểu mẫu, đổi mới cơ chế, phương thức chia sẻ thông tin và phối hợp giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính còn chậm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Còn xảy ra tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao...
Công tác giảm nghèo: Chưa đồng bộ
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,9% năm 2011 xuống còn 10,03% năm 2015 (bình quân 2,65%/năm). Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo được tăng cường. Các chính sách giảm nghèo được các ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời. Ý thức, trách nhiệm của đa số người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững. Sự chung tay, hỗ trợ, sẻ chia của cộng đồng đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh... Mặc dù đã có sự nỗ lực, phấn đấu nhưng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nhất là khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt. Công tác điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo còn hạn chế, sai sót. Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã chưa ổn định và chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo đầu tư còn dàn trải, chồng chéo, chưa hiệu quả, việc hỗ trợ còn mang tính bình quân; bố trí nguồn lực chưa hợp lý, lồng ghép hoạt động giữa chương trình, dự án giảm nghèo với các chương trình, dự án khác chưa gắn kết, đồng bộ. Việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo trực tiếp đã làm mất đi động lực phấn đấu, tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo trong một bộ phận hộ nghèo...
Ngoài những vấn đề khách quan như điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới..., cái chính là nằm ở nguyên nhân chủ quan. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa sâu sắc; chưa tích cực trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp giảm nghèo hiệu quả; một số chính sách, dự án giảm nghèo chưa phù hợp với thực tế. Trong khi, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu; bộ máy cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã không chuyên nghiệp, thiếu ổn định, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các địa phương miền núi chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn để giải quyết việc làm, tiêu thụ và chế biến sản phẩm hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân. Đa số hộ nghèo, cận nghèo không biết cách tổ chức sản xuất, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm; một bộ phận khác chưa chịu khó tổ chức sản xuất, tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm hoặc vì nhiều nguyên nhân khác mà không thể tổ chức sản xuất kinh doanh như thiếu điều kiện mặt bằng kinh doanh, không có tư liệu sản xuất (đất đai, lao động, tay nghề...). Vấn đề mấu chốt nữa: một bộ phận hộ nghèo thiếu ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn tư duy thụ hưởng chính sách...
Vùng đông nam: Chờ cơ hội vươn mình
Thời gian qua, UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, các ngành, địa phương vùng đông nam của tỉnh đã có sự nỗ lực, cố gắng, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu vực. Bên cạnh những dự án đã đi vào hoạt động, tỉnh cũng đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược đến tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai đầu tư. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI cũng đã đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển vùng đông trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu trên cần phải xây dựng chiến lược phát triển vùng đông nam một cách bài bản, lâu dài với nòng cốt là những nhóm chương trình, dự án trọng điểm nhằm tạo sự thúc đẩy phát triển lan tỏa. Trong đó, các nhóm dự án Khu đô thị, du lịch Nam Hội An; công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; nhóm dự án khí - điện; đầu tư phát triển dịch vụ vận chuyển khách và hàng hóa tại sân bay Chu Lai là những nền tảng quan trọng, có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - đầu tư của tỉnh, cải thiện và nâng cao mức sống của nhân dân vùng dự án nói riêng và cho toàn vùng đông nam của tỉnh nói chung. Các nhóm dự án sẽ tạo động lực phát triển, đem lại nguồn thu thuế lớn cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho lực lượng lớn lao động. Ngoài ra, theo quy hoạch và chương trình tái cơ cấu ngành khai thác hải sản, tỉnh định hướng chuyển mạnh phát triển tàu cá có công suất lớn, vươn khơi đánh bắt xa bờ; đồng thời giảm số lượng tàu cá đánh bắt ven bờ. Hệ thống cảng cá, bến cá tại vùng đông nam của tỉnh là dự án trọng điểm phục vụ khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản, góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án chiến lược vẫn còn nhiều khó khăn, khi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác quản lý hiện trạng, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều tồn tại, có lúc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa ban quản lý, các ngành với các địa phương. Vai trò của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có nơi chưa phát huy tốt. Nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực qua đào tạo phục vụ cho các dự án còn thiếu…
Tam nông trong nông thôn mới: Nhiều dấu ấn
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, bộ mặt khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Giá trị sản xuất nông – lâm - thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 4,9%/năm, gấp 1,4 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Cơ cấu ngành nông nghiệp trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, từ 21,42% năm 2011 xuống còn 16% năm 2015. Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng có chuyển biến tốt theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành lâm nghiệp, thủy sản, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn được tập trung huy động, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nhất là phát triển hạ tầng mạng lưới giao thông nông thôn và thủy lợi. Trong 5 năm qua, đã xây dựng 1.253km đường giao thông nông thôn; hơn 60% số xã có hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, các hạ tầng thiết yếu khác như điện, nước, chợ… cũng được quan tâm đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo sinh hoạt của người dân.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bước đầu mang lại kết quả tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng nâng lên. Sau 5 năm thực hiện, số xã cơ bản đạt chuẩn về các tiêu chí nông thôn mới được tăng lên đáng kể, vượt mục tiêu Nghị quyết 05-NQ/TU đề ra (20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015). Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn (204 xã) là 11,43 tiêu chí/xã (cả nước bình quân đạt 12,9 tiêu chí/xã), tăng 8,82 tiêu chí/xã so với năm 2010. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Phú Ninh đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thị xã Điện Bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn còn không đều giữa các xã điểm với các xã còn lại, giữa đồng bằng và miền núi, số xã đạt dưới 8 tiêu chí còn nhiều. Nhìn chung cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ cấu sản xuất nông nghiệp vẫn còn chuyển dịch chậm; hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất đã được cải thiện nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng sản xuất, dân sinh một số nơi vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Nhiều địa phương chủ yếu tập trung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng các nội dung về phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Quy mô sản xuất vẫn chưa được cải thiện, còn phân tán và nhỏ, mức độ cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ còn thấp nên năng suất lao động thấp; nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chưa đủ khả năng cạnh tranh…
T.S.B