Thời gian của rùa và người

NGUYỄN ĐIỆN NAM 17/09/2017 07:43

Con rùa có thể sống đến 250 năm (loài Adwaita ở đảo Galapagos), còn người cao tuổi nhất chỉ được hơn 122 năm là cùng (bà Jeanne Calment, người Pháp). Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng tuổi thọ trung bình của rùa ít nhất trên 90 tuổi, còn của con người khoảng 70 năm.

Quỹ thời gian sống ít hơn, nhưng con người lại có thể can thiệp làm cho rùa (cũng như nhiều con vật khác) sống thọ hay chết yểu. Cù Lao Chàm của Quảng Nam từng có loài rùa biển sinh cư, có nhiều bãi đẻ, ấp trứng rùa.

Nhưng rồi do trước đây đánh bắt với những phương thức hủy diệt, giờ bờ biển thì lấy làm du lịch, nên rùa mất rất nhiều đường sống. Chính vì vậy, chuyện đưa 450 trứng rùa từ Vườn quốc gia Côn Đảo về đây ấp để có những chú rùa đầu tiên nở ra và thả xuống biển, là một tin vui. Vì sao phải mất công đưa trứng rùa vượt cả ngàn cây số để về đây ấp? Bởi vì một tập tính bản năng rất thú vị của loài rùa mà các nhà sinh học phát hiện là rùa con nở ra và bò qua bãi biển sẽ định vị bằng từ trường trái đất để 35 năm sau quay lại đẻ trứng đúng nơi nó được thả. Như vậy, Cù Lao Chàm sẽ có thêm cơ hội để đa dạng sinh học, khôi phục nơi sinh cư cho rùa. Từ đây, người ta dự tính sẽ quy hoạch bãi đẻ, ấp trứng, thành lập trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển...  

Chuyện bảo tồn nòi giống rùa, tạo đường sống và kéo dài tuổi thọ cho nó đã có  chương trình mang tầm quốc gia, được nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ, tham gia. Theo đó, Việt Nam định hướng xác lập bảo tồn nguyên trạng các bãi đẻ hiện tại của rùa biển, tập trung các khu vực như Bái Tử Long và Cô Tô – Thanh Lân (Quảng Ninh), Hải Lăng (Quảng Trị), Núi Chúa (Ninh Thuận), Cam Lâm (Khánh Hòa), Hòn Khô – Hải Giang (Bình Định), Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Thổ Chu (Kiên Giang). Nhiều  hoạt động làm sạch bãi biển nhằm loại bỏ rác thải và các nguồn ô nhiễm để tạo điều kiện cho rùa biển lên đẻ và con non trở về biển đã được thực hiện. Các nơi sinh cư của rùa biển tại các khu bảo tồn biển và khu vực lân cận sẽ được phục hồi, ưu tiên thực hiện tại các khu vực như Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) và quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Như thế, bằng nhận thức và hành động của mình, con người hoàn toàn có thể giúp cho loài rùa được trở về với vòng đời thiên tính, có thêm quỹ thời gian sinh trưởng và bảo tồn, phát triển nòi giống. Trải hơn 200 triệu năm, loài rùa biển đã chứng tỏ một khả năng sinh tồn và thích ứng với môi trường đại dương, giờ nếu có thêm sự trợ giúp của con người sẽ sinh sôi nảy nở. Và rùa, như truyền thuyết kể, là con vật biết thi ân báo đức, biết cứu người đã từng giúp mình. Ngày nay loài rùa cũng góp mặt, có thể tạo thêm sinh kế cho con người phát triển du lịch sinh thái như cách làm của Trung tâm bảo tồn rùa ở Vườn quốc gia Cúc Phương (nơi bảo tồn 19/25 loài rùa bản địa của Việt Nam để du khách và các nhà khoa học có thể tham quan, nghiên cứu).

Có phải đáng thương không hình ảnh của con rùa mà câu ca xưa từng cảm khái: “Thương thay thân phận con rùa/trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia”?  Đó là cách vận vào thân phận của con người bị chà đạp thôi. Còn thực ra hình ảnh rùa đội bia, đội hạc là sự can dự của một loài trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) vào văn hóa cõi người. Với tuổi thọ cao, chiếc mai vững chắc, rùa biểu tượng cho khát vọng trường tồn vĩnh cửu. (Chiếc mai rùa còn khắc văn giáp cốt lưu dấu lịch sử con người, lưu ảnh thời gian qua hàng nghìn năm). Ngẫm vậy, đâu chỉ cần bảo tồn loài rùa cho đa dạng sinh học, mà những di tích gắn với hình ảnh con rùa cũng cần bảo tồn như di sản văn hóa. Những ngôi đình có con rùa đội hạc, các văn miếu có rùa đội bia (Văn miếu Quốc tử giám, Văn thánh Huế và nhiều nơi khác) chẳng đã cùng tồn tại với thời gian của người đấy thôi!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thời gian của rùa và người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO