(QNO) - Ngành du lịch Myanmar đang trong giai đoạn phát triển siêu tốc, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng cho một trong những nền kinh tế được xem là nghèo nhất khu vực Đông Nam Á.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Myanmar tăng vọt từ 3 năm qua. |
Kể từ khi chính phủ Myanmar thực hiện một loạt chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế vào năm 2011, đất nước của những ngọn tháp vàng - nơi sở hữu nhiều công trình Phật giáo độc đáo, nổi tiếng của khu vực như chùa vàng Shwedagon tại thành phố Yangoon, chùa Swezigon tại Bagan… bắt đầu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bộ Khách sạn và du lịch Myanmar thống kê, vào năm 2013, Myanmar đón 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế và đem về doanh thu 926 triệu USD, gấp đôi so với doanh thu năm 2012. Đà tăng trưởng du lịch được xem là hiện tượng chưa từng có, Myanmar cho biết dự kiến năm 2014 sẽ đón 3 triệu lượt khách, đạt doanh thu một tỷ USD, sau đó tăng 5 triệu lượt khách vào năm 2015 và sẽ là 7 triệu lượt vào năm 2017. Thậm chí, kế hoạch đầy tham vọng mà chính phủ Myanmar đề ra là doanh thu của ngành ước đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2020.
Sự phát triển “thần tốc” của du lịch tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân Myanmar, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, tạo đà phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài, khởi sắc nền kinh tế… Trong đó, khách sạn hiện là một trong những lĩnh vực đang được nhiều nhà đầu tư nhắm tới ở Myanmar. Ông U Htay Aung - Bộ trưởng Bộ Khách sạn và du lịch Myanmar cho biết, du lịch là một nền công nghiệp “không khói” mũi nhọn của Myanmar. Chính phủ đang tích cực thúc đẩy và phát triển ngành, nhất là công tác bảo tồn di sản văn hóa và môi trường tự nhiên. Ngoài ra, chính phủ có thể áp dụng các phương thức du lịch dựa trên cộng đồng, tạo điều kiện để người dân bản đị tham gia như du lịch mạo hiểm, du lịch sông nước, du lịch thể thao…
Lượng du khách quốc tế ngày càng tăng mạnh là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Myanmar nhưng cũng kéo theo nhiều thách thức. Tháng 8.2013, Cục Hàng không dân dụng Myanmar tiến hành nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Yangon, sân bay quốc tế Mandalay và mở thêm sân bay quốc tế mới Hanthawaddy phía bắc Yangon. Nhưng theo cảnh báo, nếu không có chính sách quản lý và giám sát cũng như đầu tư phát triển hợp lý, sự bùng nổ của du lịch Myanmar sẽ dẫn đến quá tải, thậm chí làm tê liệt hệ thống hạ tầng hàng không vốn không đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng vốn chưa hoàn thiện có nguy cơ xuống cấp nhanh nếu lượng khách tăng vọt. Giao thông liên lạc chưa thuận tiện, truy cập internet còn rất hạn chế và chi phí kinh doanh cao cũng là những mặt hạn chế của ngành du lịch nước này.
Năm 2013, chính phủ Myanmar cùng với Ngân hàng phát triển châu Á và chính phủ Na Uy đã công bố “Kế hoạch du lịch tổng thể, giai đoạn 2013 - 2020”; trong đó có 38 dự án phát triển trị giá gần nửa tỷ USD, giúp tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Myanmar, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và cộng đồng đa sắc tộc ở đây.
NAM VIỆT