Cách đây gần 10 năm, tôi tham gia đoàn công tác của một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đến một huyện miền núi khảo sát công trình thủy điện. Sau cuộc làm việc, địa phương mời cơm tại một quán đặc sản.
Đến nơi, nhiều người trố mắt ngạc nhiên vì trên bàn ăn đã bày sẵn nhiều cá thể động vật hoang dã được chế biến theo kiểu đơn giản: rùa còn nguyên con rang muối, rắn chặt khúc quấn sả... Nhiều chuyên gia nước ngoài trong đoàn khảo sát khi nhìn thấy các loại thức ăn này thậm chí không nghĩ đó là bàn của mình dù vẫn cười chào cán bộ tiếp khách đang ngồi đợi. Tình thế thật khó xử, một số người đi theo đoàn nhanh miệng giải thích rằng đây là những sản phẩm “nhà làm”, do người dân địa phương nuôi được và đành kêu thêm vài món phụ để bớt phần ái ngại. Nhưng bữa cơm đã nhanh chóng kết thúc và những loại thức ăn từ “nhà làm” kia không được mấy người đụng đũa.
Đó là chuyện cách đây gần 10 năm, lúc động vật hoang dã ở miền núi còn dồi dào và việc sử dụng thịt động vật hoang dã không căn ke như bây giờ. Thế nhưng thói quen sử dụng thịt động vật hoang dã thì không mấy thay đổi trong hàng chục năm qua, nhất là đối với những người “có điều kiện”.
Giá các sản phẩm từ động vật hoang dã giờ đây đắt đỏ hơn, luật pháp quy định khắt khe hơn, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh... nhưng không ít vụ việc bị phát hiện cho thấy nhu cầu sử dụng thịt động vật hoang dã vẫn âm ỉ trong cộng đồng. Thậm chí nhiều người xem đó là nhu cầu thời thượng với tâm lý xài “hàng hiếm” đang lên ngôi, như là một biểu hiện của việc nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã giờ đây trở nên tinh vi hơn. Qua nhiều vụ việc mà ngành chức năng phát hiện, xử lý cho thấy đối tượng chủ yếu là những đầu mối, có đường dây tiêu thụ hẳn hoi và nhiều cơ sở đã tạo được vỏ bọc để hợp thức hóa đồ rừng thành đồ nhà nhằm đưa động vật hoang dã ra thị trường.
Phiên tòa phúc thẩm mới đây xét xử chủ một cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã ở Thăng Bình với bản án 5 năm tù là một ví dụ. Hai năm trước, chủ cơ sở này bị phát hiện nuôi nhốt trái phép nhiều cá thể động vật hoang dã và tòa sơ thẩm sau đó đã tuyên phạt 2 năm tù giam, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thăng Bình kháng nghị, đề nghị tăng nặng mức hình phạt. Bản án khắt khe này có thể được xem là hồi chuông cảnh tỉnh nhưng mặt khác cũng cho thấy việc xử lý hành vi tiêu thụ động vật hoang dã trái phép lâu nay cũng chỉ ở mức điển hình và công tác quản lý, kiểm soát ở lĩnh vực này vẫn còn lỏng lẻo.
Thói quen sử dụng thịt động vật hoang dã bị lên án mạnh mẽ ở nhiều quốc gia sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra với nhận định rằng đây là nguồn lây nhiễm bệnh ban đầu. Trong nhiều nỗ lực, các tổ chức phi chính phủ còn kêu gọi Việt Nam cần thiết lập cơ chế mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ động vật hoang dã, nhưng thực tế tình hình vẫn chưa mấy chuyển biến. Và theo những nhà hoạt động vì thiên nhiên, cơ chế chỉ một phần thôi bởi thói quen... hoang dã cũng là biểu hiện văn hóa của mỗi cộng đồng, rất khó thay đổi, dù thay đổi để văn minh hơn.