Phát triển cụm công nghiệp ở Quế Sơn

THỤC ANH – DUY THÁI 06/11/2014 08:13

Chú trọng thu hút doanh nghiệp, mở rộng đối tượng đầu tư tại các cụm công nghiệp (CCN) để phát huy thế mạnh của vùng là những yếu tố góp phần rất lớn trong việc giúp Quế Sơn chuyển dịch cơ cấu lao động, người dân nông thôn có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Khai thác thế mạnh

Đến nay, Quế Sơn có 3 CCN do huyện quản lý đã đi vào hoạt động là CCN Đông Phú 1 (46ha), CCN Đông Phú 2 (2ha) và CCN Quế Cường (48ha). Trong đó 2 CCN Đông Phú 1 và Quế Cường được UBND tỉnh quyết định thành lập CCN ngày 11.9.2014, còn CCN Đông Phú 2 được bố trí cho Công ty TNHH May mặc xuất nhập khẩu Minh Hải đầu tư nhà máy hơn 1,9 tỷ đồng, đang phát huy hiệu quả. Được thành lập từ năm 2006, đến nay CCN Đông Phú đã hoàn thành hơn 40% hạng mục đất sản xuất công nghiệp với 4 doanh nghiệp đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất gạch tuynen Phú Ninh Hòa, Công ty CP Thương mại - dịch vụ chế biến đá xây dựng Ngọc Phương Nam, Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Hoàng Anh Khôi và Công ty TNHH Sản xuất phân bón Trọng Nghĩa. Còn CCN Quế Cường các doanh nghiệp cũng đầu tư sản xuất gạch, phân bón và chế biến thức ăn gia súc.

Sản xuất gạch tại nhà máy gạch tuynen Phú Ninh Hòa ở Cụm công nghiệp Đông Phú 1. Ảnh: T.A
Sản xuất gạch tại nhà máy gạch tuynen Phú Ninh Hòa ở Cụm công nghiệp Đông Phú 1. Ảnh: T.A

Theo lãnh đạo huyện Quế Sơn, địa phương có lợi thế hơn so với các CCN khác ở nhiều mặt. Trong đó phải kể đến yếu tố thuận lợi là các CCN đều nằm sát trục ĐT611 nên các nhu cầu phục vụ cho sản xuất gần như được đáp ứng. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trên cơ sở khai thác được thế mạnh nông - lâm sản, các mỏ khoáng sản như đất sét, cao lanh, đá… kết hợp với nguồn lao động dồi dào tại chỗ. “Định hướng của huyện là tập trung thu hút các doanh nghiệp giải quyết được nhiều lao động, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch. Đến nay, 3 CCN ở Quế Sơn thu hút 8 nhà đầu tư, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện lên 916 tỷ đồng (2014), tăng bình quân 27%/ năm” - ông Trần Vũ Tánh, Phó phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Quế Sơn cho biết.

Các CCN đi vào hoạt động đã giải quyết hàng trăm lao động và làm thay đổi diện mạo ở vùng nông thôn. Bà Hà Thị Năm (tổ dân phố Lãnh Thượng 1, thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) cho biết, 7 năm nay từ khi có CCN Đông Phú 1, bà đi làm công nhân ở nhà máy gạch, công việc nhẹ nhàng mà thu nhập ổn định hơn. “Chúng tôi làm ăn theo sản phẩm, mỗi tháng được khoảng 3 - 4 triệu đồng nên có tiền trang trải đời sống gia đình. Bên cạnh đó khi làm đủ tháng thì được công ty thưởng thêm 400 nghìn đồng, chính điều này đã tạo ra tác phong công nghiệp cho những lao động phổ thông như chúng tôi” - bà Năm nói. Theo ông Hồ Hoài - Giám đốc Công ty TNHH Gạch tuynen Phú Ninh Hòa thì nguyên liệu lấy từ các xã lân cận như Quế Phong, Quế An nên không tốn quá nhiều chi phí. Đầu ra đang phát triển tốt, sản phẩm tiêu thụ mạnh. Mỗi năm công ty sản xuất khoảng 7 triệu viên gạch với dây chuyền sản xuất được tự động và khép kín để tạo ra môi trường sạch, giải quyết việc làm cho 90 lao động tại địa phương.

Nỗ lực thu hút doanh nghiệp

Ngoài các CCN, hiện nay huyện Quế Sơn có gần 900 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho gần 3 nghìn lao động. Trong đó ngành dệt may đang là thế mạnh khi có 7 doanh nghiệp may mặc đầu tư sản xuất, giải quyết trên 600 lao động tại địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành may mặc, giày da ước đạt 26 tỷ đồng năm 2014. Cùng với đó là hàng chục lớp đào tạo nghề được huyện Quế Sơn mở ra để giúp người dân bắt kịp với nhu cầu phát triển công nghiệp tại địa phương.

Ông Dương Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Quế Sơn cho biết, để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, năm 2011 UBND huyện Quế Sơn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh bổ sung quy hoạch 3 CNN với tổng diện tích 75ha vào danh mục quy hoạch mạng lưới CCN của tỉnh, gồm CCN Quế Phú (25ha), CCN Hương An 1 (30ha) và CCN Hương An 2 (20ha) được tách ra từ Khu công nghiệp  - thương mại - dịch vụ Đông Quế Sơn. Nếu được UBND tỉnh chấp nhận thì Quế Sơn sẽ hình thành 6  CCN với tổng diện tích 171ha. Trên cơ sở đó, tiếp tục “săn đón” các nhà đầu tư vào CCN Đông Phú 1 và CCN Quế Cường để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. “Ngoài 8 doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư, huyện Quế Sơn đã tiếp xúc với những nhà đầu tư phía Nam, hiện nay đã kêu gọi và có văn bản thỏa thuận địa điểm cho 11 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất công nghiệp ở 2 CCN trên. Các ngành nghề chủ yếu là khai thác, chế biến gỗ, luyện cán thép, chế biến lương thực, thực phẩm và thức ăn gia súc” - ông Hoàng nói.

Để thu hút được doanh nghiệp, huyện Quế Sơn đã tiến hành in tập quảng bá hình ảnh công nghiệp cũng như tiềm năng của địa phương để giới thiệu với các nhà đầu tư trong nước, đăng thông tin mời gọi trên các báo kinh tế. Đồng thời thành lập Ban điều hành khuyến công huyện phối hợp với các cơ quan liên quan, cấp xã, thị trấn để nhanh chóng tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Quế Sơn được giao trực tiếp quản lý và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN. Tuy nhiên, khó khăn lớn là nguồn vốn của huyện còn rất hạn hẹp để giải tỏa đền bù, tạo mặt bằng sạch cho doanh nghiệp. Ông Dương Ngọc Hoàng cho biết thêm: “Quế Sơn chưa có nguồn kinh phí từ trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, các CCN lại nằm trên vùng đồi núi nên kinh phí san ủi lớn. Do đó việc bố trí và triển khai một số dự án đầu tư còn chậm. Hiện tại từ nguồn ngân sách tỉnh phân bổ 5 tỷ đồng, kết hợp với ngân sách huyện đã đầu tư xây dựng tuyến giao thông chính vào CCN Quế Cường với tổng kinh phí 9,7 tỷ đồng. Huy động nguồn ngân sách huyện tiếp tục xây dựng trục đường chính vào CCN Đông Phú 1 với tổng kinh phí 9,8 tỷ đồng”.

THỤC ANH – DUY THÁI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển cụm công nghiệp ở Quế Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO