Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tích hợp tổng thể không gian phát triển

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG - HỮU PHÚC 05/06/2022 15:57

(QNO) - Phát triển hệ thống không gian theo hướng tích hợp tổng thể không gian các ngành, lĩnh vực với mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường, gìn giữ các di sản vật thể và phi vật thể, đảm bảo an ninh quốc phòng là quan điểm xuyên suốt của quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh hội thảo trong phiên sáng 5.6. Ảnh: T.C
Quang cảnh hội thảo trong phiên sáng 5.6. Ảnh: T.C.P

Hình thành không gian cấu trúc tổng thể

Theo phương án quy hoạch, Quảng Nam sẽ phát triển theo mô hình 8 hành lang (4 hành lang Đông Tây, 4 hành lang Bắc Nam) và 8 trung tâm. Trong đó, các hàng lang Đông Tây sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để tạo chuỗi kết nối xuyên suốt hình thành hành lang du lịch vùng núi, vùng biển; giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên; thúc đẩy giao lưu kinh tế, hàng hóa với các nước ASEAN; thúc đẩy giao lưu kinh tế, hàng hóa với nước bạn Lào.

Đô thị Tây Giang được xác định phát triển trở thành trung tâm cửa khẩu, cửa ngõ giao thương với Lào. Ảnh: T.C
Đô thị Tây Giang được xác định phát triển trở thành trung tâm cửa khẩu, cửa ngõ giao thương với Lào. Ảnh: T.C.P

Quảng Nam cũng định hình rõ rệt chức năng cho 8 trung tâm, trong đó ngoài vùng động lực phía đông, vùng trung du và miền núi phía tây cũng được thúc đẩy mạnh mẽ với 5 trung tâm: Nam Trà My (trung tâm dược liệu), Khâm Đức (trung tâm cửa ngõ phía tây), Thạnh Mỹ (trung tâm đô thị, thúc đẩy đô thị hóa), Nam Giang (cửa khẩu quốc tế, cửa ngõ giao thương với ASEAN), Tây Giang (cửa khẩu, cửa ngõ giao thương với Lào).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ đô thị hóa của Quảng Nam đạt 1,66%. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng Đông hiện đạt 31,8% trong khi vùng Tây chỉ đạt 13,3%. Tỷ lệ đô thị hóa hiện tập trung nhất vào 3 đô thị Tam Kỳ (75,4%), Hội An (74,6%), Điện Bàn (42%).

Với mục tiêu phát triển hài hòa không gian đô thị và nông thôn, Quảng Nam sẽ phát triển hệ thống đô thị xanh, thông minh đáp ứng quá trình đô thị hóa nhanh gắn với bảo tồn phát huy các di sản. Phát triển đô thị có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên biển đảo.

Với vùng nông thôn, tỉnh sẽ phát triển hài hòa với quá trình đô thị hóa tạo dựng bản sắc nông thôn đặc trưng Quảng Nam.

Không gian ven biển vẫn là động lực chủ đạo từ đây xây dựng cụm động lực kinh tế về du lịch, đô thị, công nghiệp. Ảnh: Q.T
Không gian ven biển vẫn là động lực chủ đạo từ đây xây dựng cụm động lực kinh tế về du lịch, đô thị, công nghiệp. Ảnh: T.C.P

Báo cáo tại hội thảo, TS. Nguyễn Chí Hùng - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, đại diện liên danh tư vấn quy hoạch tỉnh cho hay, các quan điểm chủ đạo trong phương án phát triển hệ thống không gian gồm: tăng cường kết nối Đông Tây với vùng kinh tế Tây Nguyên, đặc biệt là không gian kinh tế các nước ASEAN.

Không gian ven biển vẫn là động lực chủ đạo từ đây xây dựng cụm động lực kinh tế về du lịch, đô thị, công nghiệp… để thúc đẩy nền kinh tế; bảo tồn không gian các di sản thế giới, đồng thời được coi là hạt nhân để xây dựng hệ sinh thái lấy các di sản làm gốc phát triển nền kinh tế di sản; không gian phía tây chú trọng bảo tồn sinh thái tự nhiên song song với phát triển vùng dược liệu và vùng lâm nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có 8 khu công nghiệp đã và đang triển khai với tổng diện tích quy hoạch 4.032ha và 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 45%. Quảng Nam hiện có 15 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với tổng công suất 688MW.

Động lực phát triển

Trong tiến trình phát triển hệ thống không gian đô thị, lợi thế của Quảng Nam là có các yếu tố động lực như phố cổ Hội An, sân bay Chu Lai…; các đô thị ven biển có quỹ đất trống lớn còn dư địa gia tăng đô thị hóa; các đô thị có hình thái đặc trưng gắn với sông, núi, cửa biển…

Hội thảo ghi nhận nhiều đóng góp tâm huyết cho đồ án quy hoạch Quảng Nam. Ảnh: T.C.P
Đại biểu phát biểu ý kiến hoàn thiện đồ án quy hoạch Quảng Nam. Ảnh: T.C.P 

KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói, hiện mạng lưới đô thị của Quảng Nam vẫn khá manh mún nên cần phải hình thành, phát triển được một đô thị loại 1 với việc gom 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh. Không dễ có đô thị loại 1 nào khác trên cả nước hội tụ được sân bay, khu phi thuế quan, cảng biển với quy mô lớn.

Sân bay Chu Lai là
Sân bay Chu Lai là yếu tố động lực để tạo sự phát triển đột phá cho Quảng Nam. Ảnh: T.C.P

Theo GS-TS. Nghiêm Đức Long - Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường và nước (Đại học Công nghệ Sydney, Úc), một điểm tích cực dễ nhận ra trong phương án quy hoạch là liên danh tư vấn đã tách bạch vùng du lịch với vùng sản xuất công nghiệp.

"Năng lượng sạch, tỷ trọng khí đốt ảnh hưởng lớn đến việc phát triển công nghiệp công nghệ cao. Nếu dự án khí Cá Voi Xanh được triển khai thì tổng đầu tư FDI của dự án này sẽ bằng tổng số đầu tư FDI vào miền Trung trong suốt 20 năm qua. Và khi tạo ra được và "làm chủ" chuỗi cung ứng khí đốt thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm, cơ hội kinh tế mới cho Quảng Nam" - GS-TS. Nghiêm Đức Long nói.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: T.C
KTS. Ngô Viết Nam Sơn phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: T.C.P

KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng, trong chiến lược phát triển hạ tầng Quảng Nam cần kích thích hợp tác công tư. Ở đó Nhà nước chỉ đầu tư mạng lưới hạ tầng khung còn khuyến khích tư nhân tham gia đóng góp cho phát triển, hạn chế chênh lệch hai vùng đông - tây.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tích hợp tổng thể không gian phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO