(QNO) - Sáng nay 3/7, Huyện ủy Thăng Bình tổ chức hội nghị lần thứ 14 sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Nội dung quan trọng tại hội nghị là đánh giá phát triển kinh tế biển thời gian qua. Sở hữu 25km bờ biển và nằm trong vùng động lực Đông Nam của tỉnh, huyện Thăng Bình đã tập trung phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Quy hoạch và hạ tầng đi trước
Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, để phát triển kinh tế biển đi đúng hướng, huyện Thăng Bình coi trọng công tác quy hoạch. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch vùng huyện Thăng Bình.
Địa phương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Minh; triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu dân cư ven sông Bình Hải, khu đô thị mới phía tây đường ven biển Bình Dương. UBND huyện đề nghị Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh điều chỉnh nhiệm vụ, dự toán quy hoạch chi tiết khu dân cư nam và bắc Bình Hải.
Bên cạnh đó, chú trọng rà soát, quy hoạch lại toàn bộ diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản; tiếp tục quy hoạch hạ tầng phục vụ nghề cá như bến cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Từ hoàn thiện quy hoạch, Thăng Bình đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Huyện đã xúc tiến đầu tư đường quốc lộ nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Bình Đào trên tuyến quốc lộ 14E, nâng cấp đường Võ Chí Công, nâng cấp tuyến ĐT.613 tại xã Bình Dương, nâng cấp tuyến ĐT.613B tại xã Bình Minh; đầu tư cầu Tây Giang (Bình Sa - Bình Hải).
Thăng Bình phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh xây dựng đường liên kết vùng miền Trung, đường nối từ đường Võ Chí Công (Bình Sa) đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn nối với quốc lộ 14H. Đầu tư các tuyến đường giao thông đã kết nối với các vùng của huyện và các huyện, thành phố trong tỉnh cũng như kết nối các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phát triển công nghiệp ven biển gắn với các khu đô thị - dịch vụ ven biển là dấu ấn đậm nét ở Thăng Bình thời gian qua. Hiện nay, Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được thu hút được 16 dự án đầu tư, tạo việc làm ổn định cho 4.350 lao động, cải thiện thu nhập và đời sống người dân. Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng đang triển khai sẽ tăng động lực phát triển công nghiệp tại vùng ven biển của huyện.
Khu dân cư trung tâm xã Bình Dương, khu dân cư ven biển Bình Dương, khu dân cư thôn Nghĩa Hòa (Bình Nam), khu dân cư Trà Đóa 1 (Bình Đào) đang được đầu tư để đưa vào khai thác, hình thành các khu dân cư đô thị ven biển.
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, thời gian đến, huyện tiếp tục huy động nguồn lực phát triển các khu đô thị tại các xã ven biển và hai bên sông Trường Giang và sớm hình thành các đô thị mới. “Chúng tôi sắp xếp lại các khu dân cư ven biển gắn phát triển du lịch cộng đồng, phát triển mạnh du lịch homestay, phát triển du lịch trải nghiệm, nhất là làng nghề” - ông Phan Công Vỹ nói.
Phát triển kinh tế biển đa dạng
Cùng với công nghiệp, nông nghiệp phát triển sâu rộng trên địa bàn huyện Thăng Bình. Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản (xã Bình Nam) với các dự án sản xuất tôm thẻ chân trắng, tôm sú, các loại cá nước lợ với công suất 5-7 tỷ con giống/năm giúp người nông dân trong và ngoài huyện chủ động nuôi thủy sản sạch bệnh.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 260ha nuôi tôm ven sông, 52ha nuôi tôm trên cát ven biển và nhiều mô hình nuôi ốc hương, cá dìa đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Hiện nay, các xã ven biển huyện Thăng Bình có 659 tàu cá, trong đó 149 chiếc có công suất 90CV trở lên sản xuất ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thăng Bình đã thành lập 42 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản bình quân hằng năm đạt 17 nghìn tấn là thành quả khá lớn.
Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân được chú trọng nhằm mục đích tạo lực lượng lao động có tay nghề cao, đồng thời hiểu biết về pháp luật, các quy định của Nhà nước về khai thác hải sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
“Chúng tôi mở 8 lớp thuyền trưởng, máy trưởng cho 287 ngư dân, đào tạo cấp chứng chỉ thợ máy cho 165 ngư dân giúp đội ngũ lao động nghề biển tăng năng lực đánh bắt hải sản gắn với nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” thủy sản, phát triển nghề cá bền vững” - ông Khiết nói.
Song song với phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá mạnh thời gian qua tại các xã Bình Minh, Bình Nam, Bình Hải... Mới đây huyện thành lập Hợp tác xã Nông lâm - thủy hải sản Bình Minh; trước đó đã có 6 tổ hợp tác hoạt động khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nhiều cơ sở chế biến hải sản ở Thăng Bình đã được ngành chức năng kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Huyện hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất nước mắm Cửa Khe (Bình Dương), phát triển sản phẩm OCOP nước mắm Hai Hiền (4 sao), nước mắm Tám Tươi (3 sao) và đang xây dựng, quản lý nhãn hiệu chứng nhận mực cơm Bình Minh Thăng Bình.