(QNO) - Thời tiết trên Biển Đông những ngày tới sẽ diễn biến phức tạp do có sự tác động của không khí lạnh mạnh và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Dự báo hướng di chuyển và đường đi của áp thấp nhiệt đới. |
Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, trong khoảng 2 ngày tới, áp thấp nhiệt đới xuất hiện gần Biển Đông chưa có khả năng mạnh lên thành bão, tuy nhiên khi đi vào Biển Đông xác xuất mạnh lên thành bão cao hơn.
“Dự báo chiều và đêm 29/12, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Đông Nam Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cơn bão khoảng cấp 8, giật cấp 10, di chuyển chủ đạo theo hướng Tây.
Sau khi đi vào vùng biển phía Bắc của quần đảo Trường Sa sẽ có xu hướng di chuyển lệch về phía Tây Nam và ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Tuy nhiên, những ảnh hưởng trên biển là rất lớn nên chúng ta phải đặc biệt lưu ý”, ông Năng cho biết.
Cũng có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo: “Không quá tập trung vào hiện tượng rét đậm rét hại trên đất liền mà lơ là trên biển. Do chịu tác động của không khí lạnh, đặc biệt có thêm áp thấp nhiệt đới nên thời tiết xấu trên biển là rất nguy hiểm. Gió mạnh, sóng cao trên biển suốt từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, cường độ có thể mạnh cấp 6 – 7 và sóng rất cao, bà con ngư dân trên biển cần theo sát các dự báo.”
Về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7h ngày 28/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 128,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 7h ngày 29/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 122,8 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào Biển Đông.
Đến 7h ngày 30/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 7h ngày 31/12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, ngay phía Nam đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh và có khả năng kéo dài 5-7 ngày tới.
Từ 29/12, ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động. Khu vực giữa Biển Đông từ khoảng đêm 29/12 do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão nên gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
P.V