Thời vụ và cơ cấu giống
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo kế hoạch vụ hè thu sắp tới nông dân Quảng Nam sẽ triển khai sản xuất 45.000ha lúa, trong đó 90% diện tích cơ cấu các loại giống chủ lực trung và ngắn ngày, còn lại 10% diện tích bố trí giống dài ngày. Thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 15.5 và kết thúc vào 31.5 để lúa trổ từ 25.7 đến 10.8 và thu hoạch xong trước ngày 5.9.2013 nhằm tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Khung thời vụ được ngành nông nghiệp tỉnh quy định cụ thể như sau: nhóm giống dài ngày có thời gian sinh trưởng 105 - 115 ngày gieo sạ từ ngày 15 - 20.5, gồm giống lúa lai Nhị ưu 838 ở những vùng đủ nước tưới và giống lúa thuần CH207 tại các khu vực có nguy cơ bị khô hạn; nhóm giống trung ngày có thời gian sinh trưởng 95 - 105 ngày gieo sạ từ ngày 21 - 25.5, gồm giống lúa thuần BC15, OM 4900, TBR1, Q.Nam 6, TBR45 và giống lúa lai Bio 404, CNR 6206; nhóm giống ngắn ngày có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày gieo sạ từ ngày 26 - 31.5, gồm các giống lúa thuần Q.Nam 1, PC6, OM6976, HT1, N04-05 và giống lúa lai TN15, TH3-3, Syn6, Xuyên Hương 178. Theo ngành chuyên môn, ngoài ra nông dân có thể sử dụng những giống lúa thuần và lúa lai trung ngày, ngắn ngày khác đã có trong cơ cấu các năm trước hoặc đã qua 2 vụ sản xuất khảo nghiệm cho kết quả tốt.
Những khuyến cáo
Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT, ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2012-2013 nông dân phải khẩn trương tiến hành cày phơi ải đất nhằm cắt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ, nhất là rầy nâu và rầy lưng trắng. Ông Quang nói: “Rầy nâu và rầy lưng trắng là tác nhân chính gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen. Đây là 3 loại bệnh đặc biệt nguy hiểm, có tốc độ lây lan rất nhanh, nếu không chủ động triển khai đồng loạt các biện pháp phòng trừ ngay từ đầu vụ thì hậu quả sẽ hết sức khôn lường. Vì thế, chính quyền các địa phương phải nhanh chóng củng cố, kiện toàn lại đội ngũ khuyến nông viên cơ sở nhằm giúp nông dân xử lý triệt để khi rầy nâu, rầy lưng trắng bùng phát và gây hại trên lúa hè thu 2013”.
Ông Lê Muộn cho rằng, để cây lúa quang hợp tốt, đẻ nhánh khỏe, ít bị sâu bệnh tấn công thì nông dân nên dùng công cụ sạ hàng gieo sạ với mật độ vừa phải. Mỗi sào (500m2) chỉ cần sử dụng 1 - 1,2kg giống lúa lai hoặc 2 - 2,5kg giống lúa thuần. Ông Muộn nói: “Vụ hè thu này các đơn vị liên quan nên tập trung hướng dẫn nông dân tổ chức gieo sạ cùng trà, cùng loại giống trên từng cánh đồng để thuận tiện trong việc tưới tiêu, chăm sóc lúa, phòng trừ dịch hại”.
Để việc sản xuất lúa mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo ra sản phẩm gạo đạt chất lượng, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo nông dân cần thực hiện bài bản phương thức canh tác “1 phải, 5 giảm”, đó là phải dùng giống xác nhận và giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch...
MAI NHI