Thơm ngon vị bánh tết

HOÀNG LIÊN 03/02/2019 15:40

(QNO) - Ngược xuôi qua vùng Tam Hải, Tam Mỹ Đông (Núi Thành) những chiều cuối năm, nghe hương vị bánh tết truyền thống đặc sản vùng miền với bánh dừa - Tam Hải, bánh củ gừng - Tam Mỹ Đông lan tỏa, đưa xuân bay xa.

Bánh củ gừng là đặc sản của xã Tam Mỹ Đông. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Bánh củ gừng là đặc sản của xã Tam Mỹ Đông. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Bánh củ gừng truyền thống

Xã Tam Mỹ Đông là quê hương của món bánh củ gừng truyền thống được làm cầu kỳ, độc đáo, hình dáng như củ gừng. Ngày trước, nhà nhà ở vùng đều biết làm món bánh truyền thống này và loại bánh này không thể thiếu dịp tết, cưới hỏi, lễ tiệc quan trọng thì nay chỉ còn mươi hộ duy trì. Song, sản xuất để cung ứng số lượng lớn cho thị trường thì chỉ 2 cơ sở. Bánh củ gừng là biểu tượng của sự gắn bó, hòa hợp thủy chung - theo lời người dân. Bánh được nhào nặn bởi bàn tay khéo léo của các bà, các chị.

Bà Lương Thị Loan (55 tuổi, thôn Thạnh Mỹ) có thâm niên làm bánh mấy chục năm đang truyền nghề lại cho chị Đặng Trúc Ly - người cháu dâu, bởi bà lo sợ một ngày nào đó loại bánh tết truyền thống này sẽ mai một. Bà Loan cho biết, ngày trước bánh củ gừng được bà, mẹ của bà làm tựa như củ gừng, rất cầu kỳ và chỉ sử dụng trong mấy ngày tết. Nay, để đến với thị trường xa gần, bà đã nghĩ cách tạo hình chiếc bánh thẩm mỹ hơn, đẹp mắt hơn, dễ bỏ vào các bịch ni lông đưa đi tiêu thụ. Cả xã có gần mươi cơ sở nhưng để dễ tiêu thụ, mỗi cơ sở tự nghĩ ra cách tạo hình riêng, không ai giống ai. Cơ sở của bà Loan, chị Ly được dân làng khen vì tạo hình chiếc bánh đẹp mắt, tinh xảo.

Nguyên liệu làm bánh là bột nếp, trứng gà sống, mè, dầu, để bánh thơm ngon và xốp hơn thì cho thêm trứng gà. Theo bà Loan, công đoạn làm bánh rất vất vả, nhọc nhằn, từ việc xay bột gồm nếp và gạo, bòng (ép) bột cho ráo, tạo khối bột, trộn bột với trứng gà sống, chiêng bột, vớt ra để nguội và tẩm mè, đóng gói. “Tôi không biết bánh củ gừng có nguồn gốc từ đâu, ông tổ nghề là ai, chỉ nhớ được bà và mẹ dạy làm bánh từ khi còn rất nhỏ. Còn nhớ, cứ 29, 30 tết là cả nhà quây quần làm bánh củ gừng rất thiêng liêng, ý nghĩa. Giờ rất ít người biết làm và con cháu không phải ai cũng kiên nhẫn để học. Tôi muốn giữ thương hiệu nhưng ngại truyền nghề ra bên ngoài vì vấn đề chất lượng của bánh” - bà Loan nói. 

Do nhu cầu dịp tết tăng cao, bà Loan và chị Đặng Trúc Ly cùng một người lao động khác phải quần quật từ 3 giờ sáng tới tận 9 giờ đêm mới đủ bánh giao cho khách. Mỗi ngày 3 người làm ra được 150 bịch bánh, tức 300 cái bánh. Số bánh làm ra tới đâu được thương lái tới lấy sạch để bỏ mối xa gần. “Tết này tôi giao 10 nghìn bịch bánh (mỗi bịch 2 cái) đến các chợ, cơ sở tạp hóa và bán cho tiểu thương, người dân mua làm quà biếu đưa đi các tỉnh thành. Hầu như bánh giờ làm quanh năm chứ không chỉ riêng dịp tết nữa, nhưng so với ngày thường, lượng tiêu thụ tăng lên thấy rõ. Để tăng sức cạnh tranh, tôi cũng nghĩ tới việc xây dựng nhãn mác, thương hiệu” - chị Ly nói. 

Thơm bánh dừa Tam Hải

Người dân xứ dừa Tam Hải tự hào với món bánh dừa (bánh lăn) truyền thống đậm chất vùng miền được làm công phu với nguyên liệu truyền thống gồm bột nếp, dừa, bí đao, cà rốt, gừng, đường. Nếu ngày xưa, bánh dừa chỉ đơn giản với bột nếp, đường, gừng thì nay, nhiều cơ sở nghĩ ra cách bỏ thêm nguyên liệu để bánh đẹp, đặc trưng và ăn khỏi ngán. Cả xã đảo Tam Hải chỉ có 2 cơ sở làm bánh ngon là cơ sở của bà Sáu Lề (Trần Thị Lề) và cơ sở của bà Năm Diễn.

Bà Sáu Lề năm nay tuổi đã gần 80, có thâm niên mấy chục năm làm bánh dừa cho biết: “Tết này tôi cung ứng ra thị trường 3 tạ bánh. Tới chiều 27, 28 tết không còn bánh để khách tới lấy, phải đợi 14, rằm tháng Giêng mới có bánh trở lại. Chừ nhiều người đã đặt bánh cho 14, rằm tháng Giêng rồi”. Để có 3 tạ bánh, bà phải chuẩn bị cả nửa tháng trời cho nguyên liệu làm bánh. Mỗi ngày, dù tuổi cao nhưng bà Sáu Lề có thể nạo, xắt sợi tới 20 trái dừa khô và cả chục ký bí đao, cà rốt để làm bánh.

Cơ sở bánh dừa bà Sáu Lề được cho rằng ngon nhất xã đảo Tam Hải. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Cơ sở bánh dừa bà Sáu Lề được cho rằng ngon nhất xã đảo Tam Hải. Ảnh: HOÀNG LIÊN

“Để bánh ngon, có độ dẻo, dai, bùi, ngọt vừa thì dừa phải nạo và xắt thành sợi nhỏ, bí đao và cà rốt cũng vậy. Bánh của tôi làm ăn không ngán, nhiều người bảo có vị đặc trưng là vậy. Cũng công thức đó nhưng do tay nghề, có người lại làm không đạt, bánh quá cứng hoặc quá mềm cũng không ngon” - bà Sáu Lề nói. Công thức làm bánh, theo bà Sáu Lề, phải sên đường tới, rồi cho cả dừa, cà rốt, bí đao sau khi xắt sợi nhỏ trộn với bột nếp, rồi gừng giã nhuyễn, tất cả trộn với nhau, khuấy đều, rim nhỏ lửa tới khi tạo bột sền sệt, dẻo, bắt không dính tay là được. Tiếp đó, đổ ra nhào bột, rồi lăn bột, in theo khuôn, rồi lăn bên ngoài cái bánh một lớp bột nếp trắng.

Nếu bánh dừa Tam Hải trước có dạng giống đòn bánh tét, nguyên liệu chỉ bột nếp, đường và dừa thì nay bà Sáu Lề đã cải tiến mẫu mã, chất lượng, nguyên liệu tạo sự đặc trưng và đẹp mắt cho sản phẩm. Mỗi ký bánh gồm 2 đòn nhỏ có giá thành 50 nghìn đồng tại chỗ và được tiểu thương bán ra thị trường với giá 50 - 100 nghìn đồng/kg. “Đầu ra không lo vì nhiều người đặt hàng lắm nhưng tôi chỉ nhận vừa sức mình. Nhiều người ở tận Sài Gòn, ở Mỹ về quê ăn tết cũng tranh thủ đặt bánh mang sang xứ người làm quà cũng vì tin tưởng tay nghề, đảm bảo an toàn sức khỏe" - bà Sáu Lề kể.

Có người đặt vấn đề để bà Sáu Lề truyền nghề và bí quyết với thù lao cả chục triệu, song bà chỉ định truyền nghề cho duy nhất một người cháu trong họ vì lo vấn đề uy tín, chất lượng khi truyền nghề ra bên ngoài. Bà cũng lo lắng liệu mai này người cháu của bà có đủ tâm lực và sự kiên trì để giữ nghề truyền thống xứ dừa hay không...

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thơm ngon vị bánh tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO